CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh mục tử và đoàn chiên để nói về tương quan giữa Chúa và các tín hữu. Người là Mục tử nhân lành còn ta là chiên của Người. Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của mỗi người với Chúa. Tìm hiểu kỹ thuật trồng nho, người ta thấy rằng: một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ thân cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có trái. Muốn cây có quả, người trồng nho phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đời sống đạo của chúng ta cũng cần có 2 điều kiện:
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, Người là nguồn sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được.
Nhìn vào đời sống đạo của chính chúng ta, có thể nhiều lần, vô tình hoặc hữu ý, chúng ta muốn tách lìa khỏi mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Có thể quá bận bịu, lo lắng mọi thứ trong cuộc sống: công ăn việc làm, gia đình, những kế hoạch, dự định trong tương lai, lo kiếm tiền, xây cất nhà cửa, sắm sửa cái này cái kia, những chuyến nghỉ lễ, nghỉ hè xa, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, những giải trí,… làm sao có giờ đi lễ, cầu nguyện được. Những điều này làm chúng ta tách lìa khỏi mối bận tâm thiêng liêng và đánh mất đi những giá trị cao đẹp của người kitô hữu trong đời sống của mình: không còn nhớ để đi lễ Chúa Nhật nữa, hay có đi nhưng đầu óc bị chia trí, khô khan, nguội lạnh. Những thú vui, hưởng thụ làm ta xa dần đời sống trong sạch và tiết độ.
Việc tìm kiếm danh vọng, tiền bạc biến ta trở thành người ham mê danh vọng và quyền lực, người chỉ sống cho mình, không quan tâm, không chia sẻ với người khác. Quả thật, khi đánh mất mối bận tâm liên kết với Chúa, bỏ bê đời sống cầu nguyện, chểnh mảng việc tham dự thánh lễ và cử hành các bí tích, chúng ta trở nên khô cằn, tàn lụi, đồng thời không có sức sống, không hữu ích cho xã hội và người khác. Nếu kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tràn đầy ân sủng và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Điều kiện thứ hai: phải chịu cắt tỉa. Nếu muốn sai quả, cành nho phải chịu cắt tỉa. Cũng thế, đời sống đạo của chúng ta phải để Chúa cắt tỉa những gì cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa ý muốn riêng tư, những ích kỉ, đam mê để chuyên tâm đi tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài, những phô trương, ồn ào để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những giả dối, vô cảm với người khác để mặc lấy sự trung thực, bao dung, yêu thương. Chúng ta hãy can đảm để cho Chúa cắt tỉa chúng ta. Chắc chắn việc cắt tỉa này làm cho chúng ta đau đớn, khó chịu, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Người để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Để từ đó, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Chúa Giêsu là cây nho thật, xin cho ta biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin Chúa hãy cắt tỉa những gì vô ích trong chúng ta để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.