CN Hiện xuống: Ân sủng từ Ngôi Ba Thiên Chúa

Thứ bảy - 19/05/2018 04:59  2174
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 15,26-27;16,12-15
 
Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Ngài có vai trò như thế nào trong Hội Thánh cũng như trong đời sống của người tín hữu? Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay sẽ soi sáng cho những câu trả lời đó.

ESPromesas 060516Chúa Thánh Thần được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau, như là “Đấng ban sự sống”, “Đấng Bảo Trợ”, Đấng an ủi”“Thần Chân Lý”. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập tới hai danh xưng của Chúa Thánh Thần, Ngài nói: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha. Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha” (Ga 15,26-27). Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và được Chúa Con sai đến với các môn đệ, nhưng luôn kết hợp với Ngôi Cha và Ngôi Con trong một tình yêu duy nhất. Trong kinh Tin Kính, Hội Thánh tuyên xưng rằng: “Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Vì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình. Không ai thấy Người bằng giác quan, nhưng có thể nhận ra Người qua những dấu chỉ và các tác động.

Kinh Thánh thường dùng nhiều hình ảnh khác nhau để chỉ về Chúa Thánh Thần, như là nước, lửa, việc xức dầu, áng mây, ánh sáng, ấn tín, bàn tay, ngón tay và chim bồ câu. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong bài đọc I cho chúng ta thấy các biểu tượng về Chúa Thánh Thần được mô tả như là tiếng gió, lửa, ơn ngôn ngữ (Cv 2,1-4). Khi ví Chúa Thánh Thần như tiếng gió mạnh, tác giả sách Công vụ Tông đồ muốn diễn tả rằng Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh để biến đổi các tông đồ trở nên những con người không còn sợ hãi nữa, nhưng can đảm để sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa tình yêu trong tâm hồn họ, và ơn nói các thứ tiếng khác nhau để họ thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người, thuộc nhiều quốc gia, dân tộc, giúp họ hiểu và nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô(Cv 2,11).

Vai trò của Thánh Thần là soi sáng cho chúng ta hiểu biết sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa và Lời của Chúa Giêsu. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13). Thật vậy, trong khoảng thời gian sống với các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu mới chỉ hé mở một chút sự thật mà các ông đã không chịu nổi. Chúa cũng biết khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của con người thì có giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Cho nên, Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn cho chúng ta ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại cho các thế hệ tín hữu tất cả mạc khải của Chúa Giêsu và giúp đào sâu qua các thời đại.

Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý sự hợp nhất của Hội Thánh. Trong bối cảnh cộng đoàn Côrintô đang có những chia rẽ (1 Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1 Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Ngài khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1 Cr 12,4-6). Tuy Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất (1 Cr 12,7). Như các bộ phận trong thân thể dù khác nhau nhưng được liên kết trong cùng một thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý làm cho các tín hữu được hợp nhất nên một trong Chúa Kitô(1 Cr 12,12-13).

Hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong Hội Thánh và trong thâm sâu cõi lòng mỗi người, để thánh hóa và dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin. Đồng thời, Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô và thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các Kitô hữu cũng đã nhận được dồi dào ân sủng của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Ước gì mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần mà luôn trung thành phụng sự Chúa và can đảm làm chứng cho Chúa Kitô.
 

Tác giả: Lm. GB Vũ Quốc Đạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay59,089
  • Tháng hiện tại972,433
  • Tổng lượt truy cập78,975,884
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây