Bà Minh vừa đi lễ về.
Bà cởi chiếc áo dài trắng ra, móc lên cây đinh đang gắn trên tường. Tiếng thở dài tự nhiên thoát ra.
Vậy là ba tuần rồi, kể từ ngày con trai của bà không được gọi là “thầy” nữa. Ba tuần mà bà chỉ dám đi lễ sáng Chúa Nhật. Thánh lễ vắng người nhất trong các Thánh lễ cuối tuần, để giữ luật Chúa cho trọn vẹn. Bà chọn góc khuất nhất, tối nhất để ngồi. Bà chọn hàng ghế cuối để ngồi, để người ta khỏi nhìn thấy mình và mình nhìn thấy được người ta. Nhìn thấy những cái đầu chụm vào nhau xầm xì. Nhìn thấy những ánh mắt không rõ nghĩa của ai đó quay xuống bà. Bà biết. Bà biết trong tiếng xì xào ấy sẽ có nhắc đến tên con trai bà. Đôi khi cả tên bà nữa. Bà biết ánh mắt quay xuống kia là niềm mong mỏi nhìn rõ được thái độ của bà trong những ngày này. Biết thế, bà càng cố giữ sự bình tĩnh và trang nghiêm của mình. Trang nghiêm khi đứng khi ngồi. Trang nghiêm khi ngắm nguyện. Nhưng lòng bà thì không được yên, không được trang nghiêm như thế. Ba Thánh lễ Chúa Nhật này, bà chẳng thể nghe rõ cha giảng gì. Tai bà cứ nóng đỏ lên, lùng bùng cả Thánh lễ. Mắt bà cố lấy cây Thánh Giá trên bàn thờ làm điểm tựa để khỏi phải nhìn góc này góc khác. Rồi bà phải tranh thủ về ngay, khi cha vừa kịp chúc lành xong. Bà sợ chạm phải ánh mắt hay cả tiếng xầm xì kia, lúc người ta ra về. Trong Thánh lễ người ta còn chẳng thể yên lặng, huống hồ lúc ra về.
Bà ngồi xuống giường, mệt mỏi. Những khi bắt đầu bước ra khỏi nhà để đến nhà thờ, là bà phải đeo trên đôi chân mình bao nhiêu sức nặng. Bà cứ đếm từng bước, từng bước cho đến khi tới nhà thờ, để khỏi phải nghĩ điều gì khác. Biết bao giờ mới qua được thời gian mệt mỏi này? Biết bao giờ bà mới có thể ngồi lại nhà thờ sau Thánh lễ, thủ thỉ với Chúa đôi điều, như thói quen trước giờ bà vẫn làm.
Tiếng thở dài lại buông ra.
Có tiếng xe máy từ phía cổng. Con trai bà cũng vừa đi lễ về. Chàng đang dựng xe vào một góc sân. Vẫn cái dáng thanh thanh, cao cao. Vẫn mái tóc được chải theo nếp ngăn nắp. Nhìn cậu, vẫn thấy giống một người đi tu lắm. Bà nghĩ thế, và lòng bà chùng xuống.
Hoàng bước vào nhà. Những bước chân của chàng cũng chẳng vui hơn được mẹ bao nhiêu. Ba tuần nay, Hoàng cũng chỉ dám đi lễ sáng sớm. Chàng đi lễ ở giáo xứ bên cạnh. Chàng chưa dám đi lễ ở xứ nhà. Chàng biết người ta sẽ chỉ trỏ và bàn tán khi chàng xuất hiện.
Ôi! Ngày cha xứ báo tin giáo xứ có một thầy chủng sinh, cả giáo xứ nhìn chàng với ánh mắt ngưỡng vọng. Người ta bắt tay chàng. Người ta chào đón chàng. Giờ thì họ xầm xì về chàng. Lỗi của ai? Của chàng hay của chính họ.
Hoàng chào mẹ gọn lỏn, rồi ngồi phịch xuống giường của mình. Dòng suy nghĩ lại mông lung trong chàng. Từ ngày về đến giờ, chàng chỉ loanh quanh trong nhà hay nhà những người thân. Đôi khi gặp ai đó ngoài đường, chàng vẫn chào hỏi họ như thói quen lâu nay. Nhưng không để ánh mắt dừng lại trên họ lâu. Ánh mắt lại cúi gằm xuống để họ không thấy mặt chàng đỏ bừng lên. Thỉnh thoảng chàng còn nghe thấy tiếng tặc lưỡi của ai đó khi chàng đi ngang qua họ. Ái ngại. Hổ thẹn. Chẳng biết cảm xúc của chàng lúc ấy là như thế nào nữa.
Hoàng đứng dậy, thay bộ đồ của mình ra. Chiếc áo sơ mi mà Đức cha tặng cho mỗi chủng sinh vào đầu năm học. Mỗi đợt phát áo như thế, số lượng áo từ Tòa Giám mục chuyển sang lại ít hơn. Lần thì hai chiếc. Lần thì ba chiếc. Không biết đầu năm học tới sẽ giảm bao nhiêu chiếc nữa, nhưng sẽ không còn chiếc áo nào dành cho chàng. Nghĩ tới đó, Hoàng thở dài.
Mẹ của Hoàng đang nằm nghỉ rồi. Ba tuần nay, mỗi khi đi lễ về, mẹ chàng đều như thế. Hoàng sẽ xuống bếp, làm bữa ăn sáng gọn nhẹ cho mình và cho mẹ.
Hoàng đang định xuống bếp, thì bà Minh gọi chàng lại: - Cha xứ cho gọi con vào để cha gặp con đó. Sáng nay cha không phải đi lễ ở đâu nên sáng nay con vào gặp cha xem sao.
Hoàng bối rối. Từ hôm chàng về đến giờ vẫn chưa gặp được cha lần nào. Ngay hôm ở trường về, chàng đã lên để chào cha, nhưng hôm đó cha đi dâng lễ ở xứ khác, nên chàng chỉ gặp được ông bõ nấu cơm giúp cha. Chàng chỉ kịp nhờ ông ấy gửi lời chào cha xứ, rồi tranh thủ về luôn. Bởi có tiếng lao xao từ sân nhà thờ, có đoàn hội nào đó cũng đang vào gặp cha xứ.
- Mẹ có biết cha muốn hỏi con gì không ạ?
- Mẹ không rõ lắm. Con thử lên gặp cha xem sao!
Hoàng ngồi thừ ra đó. Chàng chưa biết cha sẽ nói gì với chàng, dù chàng biết cha gặp chàng vì điều gì. Tự nhiên chàng sợ gặp cha. Cha luôn yêu quý và hy vọng vào Hoàng rất nhiều. Có những đêm hai cha con tâm sự khá muộn, khi chàng từ chủng viện về để giúp lễ ở quê. Cha không phải là cha nghĩa phụ của Hoàng, nhưng cha luôn quan tâm chàng rất nhiều. Cũng bởi sự thân quen từ bao năm nay, từ lúc cha về nhận xứ, nên sự thân quen ấy giờ lại trở thành một vách ngăn khiến cho chàng ngại gặp cha, vì sự trở về này của mình.
- Mẹ đi làm cái gì ăn sáng. Sáng nay tranh thủ lên gặp cha nhé. Mấy lần cha nói với mẹ, với cô Liên là mãi chưa thấy con lên.
- Dạ vâng ạ.
Giờ thì đến lượt Hoàng nằm ra giường đăm chiêu. Chàng nghĩ xem sẽ gặp cha như thế nào, giải thích với cha làm sao. Liệu sau này còn có thể gần gũi cha như trước giờ nữa không? Cha có trách móc gì chàng không?
Hoàng nằm trở người lại. Chàng lại nhìn ra mảnh vườn mà bố của chàng để lại cho hai mẹ con. Những tán lá vẫn xanh mướt. Chúng vẫn khẽ khàng rung rinh trong gió, mặc kệ những điều đang xảy ra trong ngôi nhà này. Góc vườn còn có đôi ba chú chim đang bay là là trên từng tán lá. Ánh mặt trời cũng đang le lói lên dần. Nhìn thấy rõ đôi cánh của từng chú chim một. “Liệu chúng có biết buồn bao giờ không nhỉ”, Hoàng thầm nghĩ.
***
Hoàng dựng xe một góc quen ở sân nhà xứ, dưới tán lá đang tỏa bóng rợp giữa cái nắng oi oi cuối hè.
Cửa nhà xứ vẫn mở. Không thấy cha xứ ngồi bàn làm việc của ngài. Dưới nhà bếp cũng không thấy tiếng động gì. Chắc ông bõ đang đi chợ để chuẩn bị cho bữa trưa.
Hoàng vào ngồi chỗ bàn tiếp khách của nhà xứ. Cửa phòng của cha xứ không thấy treo bảng chữ “cha xứ đi vắng”. Vậy là cha đang ở nhà. Chàng đưa mắt nhìn lên hàng ảnh trên tường. Hàng ảnh các cha xứ coi sóc giáo xứ từ xưa đến giờ. Đã phải treo đến hàng thứ hai. Xứ chàng cũng là một xứ truyền thống, lâu đời. Đi đâu chàng cũng chẳng giấu nổi sự tự hào về quê hương mình. Diện tích nhỏ, nhân danh không quá đông nhưng vẫn giữ đạo sốt sắng.
Một góc tường nữa cũng là hàng ảnh các cha, nhưng đặc biệt hơn, đó là các cha quê hương. Dù cùng quê, nhưng các cha vẫn là những khuôn mặt chưa thân quen với Hoàng. Vì lịch sử, đa phần các cha quê hương chàng không sinh sống ở quê, chịu chức ở nơi khác. Có cha đã sinh sống tại quê, nhưng cũng di cư cùng gia đình vào miền Trong và chịu chức ở đó. Điểm chung là các cha không phục vụ giáo phận nhà.
- Xứ mình nhiều cha, nhưng chẳng cha nào phục vụ ở quê. Chị chỉ ước mong xứ mình có cha quê hương mà phục vụ trên chính quê hương.
Một người chị thiêng liêng đã tâm sự cùng Hoàng như thế. Chị ấy cũng đã khấn trọn ở một dòng Kín. Không biết chị ấy biết tin của Hoàng chưa? Chị ấy sẽ thất vọng về Hoàng như thế nào.
- Chú Hoàng đến lâu chưa? Đợi cha chút xíu nhé!
Cha xứ đã về. Ngài mặc chiếc quần lửng đến đầu gối, áo may-ô thường ngày. Cha vừa đi làm vườn cùng mấy bà trong xứ, hay đi đánh cây ở đâu đó như thường lệ. Tấm áo đã có vệt đất còn tươi. Hai tay thì vẫn còn lấn cấn ít đất, cát.
Cha xứ của Hoàng vẫn giữ nét dung dị thường thấy. Lúc nào cũng sắn tay áo lên để làm việc cùng bà con. Lúc thì chỗ vườn cây cuối nhà thờ. Lúc thì “hò zô” cùng trai tráng để đẩy cây cột, cây sào vào chỗ đang xây nhà thờ. Hiếm khi người ta thấy cha chỉ ngồi lì trong bàn làm việc. Đã ngoài 50 tuổi nhưng lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Hàng cây xanh thẳng tít tắp cũng có dấu tay cha. Vườn cỏ xanh đều cũng do cha trồng, chăm tỉa cùng bà con. Những ngày vào ở trong nhà xứ cùng cha, chàng thích nhất những lúc hai cha con dạo bộ quanh khuôn viên nhà xứ sau Thánh lễ sáng. “Đi tu là lựa chọn. Đi tu là cuộc đời. Lựa chọn nào cũng phải từ bỏ, nhưng Chúa chẳng bắt ép ai cả. Con cần dùng tự do của mình để hợp tác với Chúa, chọn lấy một đời sống mà con thấy tốt đẹp nhất, có thể làm sáng danh Chúa nhất. Không nhất thiết phải đi tu mới rao giảng được”. Những lời cha căn dặn khi Hoàng chập chững vào đời tu vẫn vẳng bên tai chàng. Cha xứ có nhiều nét giống cha nghĩa phụ của Hoàng. Các ngài luôn an ủi, khuyên lơn nhưng không bắt ép.
- Chờ cha lâu chưa? Tranh thủ ra đánh mấy cây xanh ngoài cổng để chiều nay họ đến làm cho.
Cha xứ đã thay đồ xong, bước ra ghế đối diện Hoàng. Mái tóc đã pha bạc nhiều phần. Đôi mắt vẫn sáng rực. Khuôn mặt vẫn toát lên vẻ hiền hòa, đôn hậu, đặc biệt là nụ cười. Cha luôn thường trực nụ cười khiến cho người đối diện cảm nhận được sự gần gũi và ấm áp từ cha. Trong các cha xứ đã coi sóc, Hoàng thấy chàng gần gũi với cha hơn cả.
Cha xứ đang thả mấy lọn chè tươi vào ấm. Ngài chế ít nước sôi trong phích mà ông bõ đã để sẵn ở đó cho cha tiếp khách. Khói từ chiếc ấm sành tỏa ra, mang theo hương thơm thoang thoảng của chè tươi – món nước khoái khẩu của cha xứ. Chè tươi có cái hay là mùi của nó nhè nhẹ lâng lâng, làm cho đầu óc nhẹ dịu đi. Hoàng cũng thấy bớt căng thẳng hơn lúc bước vào nhà xứ.
- Cha thứ lỗi vì từ hôm về, giờ con mới vào chào cha được. Mấy lần lên thì cha đang bận đi dâng lễ - Hoàng thỏ thẻ mở lời.
- Mấy nay bận quá chú Hoàng ạ. Đang dịp các xứ lễ Thêm sức nên đi đây đi đó suốt. Tròn tháng nữa là xứ mình cũng đón Đức cha về. Dịp đó vẫn ở nhà chứ? Giúp cha khoản ca đoàn với nhé.
Hoàng hơi thẹn thùng. Chàng chưa biết sẽ nhận lời hay từ chối. Từ ngày về, chàng đâu đã dám ra mặt với người trong xứ. Chàng vẫn sợ họ nhìn chàng với ánh mắt…lạ lạ. Cả tiếng xì xèo mỗi tụm ba, tụm năm người đứng lại.
Cha xứ rót chè ra mấy cái chén con con. Dòng nước xanh chảy đều xuống hai cái chén trước mặt. Cha đẩy một chén về phía Hoàng:
- Chú uống đi! Bà Dần mới mang lên mấy cân biếu. Uống mãi chả hết. Nếu uống thì lát xuống bảo ông bõ gói ít mang về.
Nói với Hoàng thế, rồi cha chầm chậm đưa chén của cha lên. Nhấm nhấm. Cái giống chè tươi cứ phải nhấm nháp xíu xíu thì mới cảm nhận được cái ngon. Đắng đầu môi ngay lúc dòng nước chạm vào. Để yên một lát rồi mới thấy cái ngọt thấm dần. Hoàng học được cách uống chè từ cha, rồi đâm mê từ lúc nào. Cái thứ uống đắng chát, rồi ngọt ngọt mồm nhưng rất tốt cho gan. Dễ ngủ. Từ lúc uống thứ chè này, Hoàng không phải chịu cảnh trằn trọc cả đêm như trước.
Hoàng vừa nhấp ngụm chè đầu xong, cha nói:
- Cha biết chú chưa dám gặp mọi người. Mấy tuần nay không thấy chú đi lễ, cả lễ Chúa Nhật, nhưng không sao. Cha đã nói qua với ông quản ca đoàn. Ông ấy nhất trí lắm. Nếu chú giúp được thì tối nay cha bảo ông ấy qua gặp.
Hoàng vẫn hơi lưỡng lự. Chàng chưa dám trả lời ngay. Lòng chàng vẫn chưa an tâm lắm. Nhất là sau khi bị một bà bắt gặp sáng nay lúc chàng đi lễ về, kèm một cái bĩu môi nhẹ.
Cha xứ nhấp thêm một ngụm chè, rồi nói:
- Cha biết đi tu về giữa chừng thì khó xử lắm. Ở xứ mình thì lại có cái tật hay dị nghị. Đến cha xứ về ở mà nhiều khi người ta còn không ưng, còn xì xèo chán. Nhưng mình vẫn kệ thôi. Không phục vụ lúc còn tu thì mình phục vụ như người giáo dân. Mà khoản nhạc thì ở xứ này trước giờ có mấy người hơn chú. Khó xử quá thì để cha nói qua với cả ca đoàn rồi chú hẵng tập.
- Con vẫn chưa nghĩ tới việc này. Con sẽ về suy nghĩ thêm ạ.
- Được. Được. Nhưng cha nói thật: chú còn ngồi không ở nhà là người ta còn bàn tán nhiều. Cứ ra mặt, cứ phục vụ như bình thường để người ta hết cơ hội nói sau lưng mình.
Cha xứ vòng sang cạnh Hoàng. Cha khẽ đặt tay lên vai Hoàng:
- Ngày xưa cha học cùng một thầy muốn trở về như chú, nhưng vẫn cố nán lại. Cũng chịu chức, cũng đi mục vụ. Mỗi điều, nói thật, mục vụ không được thành công lắm. Giờ đang đi du học, cũng là đi tĩnh tâm lại. Ơn gọi cao quý thật, nhưng niềm hạnh phúc trong ơn gọi còn quan trọng hơn nhiều. Chúa chẳng muốn ai phải từ bỏ hạnh phúc khi đi cùng Ngài cả. Phải tự vấn lương tâm mình liên tục, cầu xin liên tục để biết mình hợp hay không. Chú đưa ra quyết định vẫn kịp thời đó. Chứ để đến khi chịu chức rồi, bỏ cũng dở mà ở thì… nặng nề lắm.
- Con cũng suy nghĩ và cầu nguyện nhiều mới quyết định như thế. Nhưng… - Hoàng ngập ngừng.
- Vẫn khó xử hả? Cầu nguyện nhiều thêm vào. Nữa là mới đổi về cuộc sống này, phải tập quen dần dần. Giáo xứ có việc, cứ ra mặt giúp. Người ta thấy mình vẫn phục vụ nhiệt tình, vẫn làm tốt thì người ta mới hết cớ để nói.
Cha xứ vòng lại chỗ cũ. Ngài rót thêm chè vào chén của mình, của Hoàng. Hoàng lại thấy gần gũi với cha như ngày trước, khi chàng mới chỉ là cậu lễ sinh mà chưa có dự định gì về ơn gọi. Lễ Chúa Nhật nào xong, cha cũng vời cậu và mấy anh em cùng đội vào nhà xứ. Cha sẽ thết đãi bữa sáng thịnh soạn, khi thì mỳ tôm, khi thì bánh mỳ. Rồi mấy cha con sẽ làm trận bóng đã đời, trước khi cha đi chuẩn bị để dự lễ hoặc dạy giáo lý. Cha là người khơi lên niềm mơ ước về ơn gọi đầu tiên cho Hoàng, từ chính sự gần gũi và giản dị ấy. Giờ cha lại là người mở rộng vòng tay, đón Hoàng về với cộng đoàn giáo xứ. Cha là người đón, và đang là người mở đường cho sự trở về ấy.
- Chú cứ về xem xét thế nào nhé. Tối cha sẽ bảo ông quản ca đoàn xuống gặp chú. Cứ làm sao cho thoải mái nhất nhé. Tu hay không tu cũng phục vụ trong tinh thần thoải mái nhất. Chứ để nặng đầu thì…mệt lắm.
- Dạ vâng ạ! Con sẽ trả lời cha sớm ạ!
- Trưa nay ở lại ăn cơm với cha luôn nhé! Để cha báo cơm luôn.
- Dạ vâng ạ. Con cảm ơn cha ạ.
Chén trà nhỏ vẫn được Hoàng xoay xoay trong tay, để cái ấm nóng dịu ra. Dòng khói thơm từ chén trà vẫn tỏa ra ngào ngạt. Và lòng Hoàng cũng đang tỏa ra một sự nhẹ nhàng. Chàng đang dần dần quen với vai trò một người giáo dân bình thường. Cũng là buộc phải quen đi. Tình trạng này biết kéo dài đến bao giờ được?