Hành trang của cháu là gì?

Thứ ba - 06/06/2017 05:12  2327
HÀNH TRANG CỦA CHÁU LÀ GÌ?

Who can help me?
Laurensô Đặng

Cháu hoàn toàn bất lực trước định hướng tương lai!

Cháu sinh ra trong định mệnh “xấu số”. Cháu không than trách cha mẹ hay hoàn cảnh, vì chẳng ai muốn cho cháu như thế. Cháu lớn lên và “tồn tại” cho tới ngày nay là nhờ ơn Chúa, qua Giáo Hội, xã hội, bao tấm lòng rộng mở thương mến. Cháu ao ước cứ bé nhỏ mãi, để bớt phải suy nghĩ, vì càng nghĩ cháu càng thêm đau đầu và bế tắc. Cháu chuẩn bị tốt nghiệp trường làng, xóa diện mù chữ (PTCS). Cháu đã biết nghĩ và phải nghĩ cho tương lai của mình, của mẹ và của em cháu nữa.

Mọi người bước vào đời với những hy vọng của tương lai tươi sáng. Cháu mơ ước điều bình dị của một người thường dân cũng không dám nghĩ tới! Cháu không biết hướng đi của tương lai đời mình là gì, hành trang của cháu chuẩn bị như thế nào để bước vào cuộc đời quá mênh mông mịt mù. Cháu nói lên nỗi lòng mình, mong ước ai có cao kiến và quảng đại chỉ cho cháu hướng sống.

Hiện cháu khỏe và đang được đi học. Tương lai xa thì cháu không dám mơ, tương lai gần thì lo cho mình, cho mẹ và người em với sự bàng hoàng, hoang mang, không định hướng.

Cháu thương mẹ, một tình mẫu tử tuyệt vời vượt lên trên căn bệnh thế kỷ. Vì thương lo cho hai anh em cháu mà mẹ cố sống. Nhiều lần mẹ đã gục ngã trước nghịch cảnh cuộc đời, mẹ chỉ biết khóc, buồn, cô đơn. Khi đau yếu, bệnh tật hoành hành, mẹ con cháu kháng thể suy yếu, không đủ sức chống cự, các bệnh cơ hội liên tục tấn công. Nhiều lúc mẹ cháu tê liệt cả thân xác lẫn tinh thần…

Mẹ cháu tuy đau bệnh, nhưng những lúc hồi tỉnh đi lại được vẫn thường xuyên chống gậy đi thờ, đi lễ, có những lần lê từng bước chân, lên thềm nhà thờ, nhiều lần cháu thấy không ai nâng giúp mẹ, siêu vẹo vất vả bước từng bậc, đặc biệt những người trẻ, người càng khỏe càng hững hờ. Chỗ ngồi trong nhà thờ thì khá ổn định, mới đầu cháu tưởng mọi người thương mến ưu tiên để chỗ riêng cho mẹ cháu, nhưng sau cháu mới biết mọi người không ai dám ngồi vì sợ…! Một số người còn tránh xa, chỉ có các cụ già, đạo đức, gần gũi không khinh miệt.

Thương em, em cháu may không vướng mắc thứ bệnh mà không ai muốn, nhưng luôn sống trong mặc cảm sống cùng người mẹ và người anh xấu số, không sao ngóc đầu lên được với một tương lai đã định mệnh từ những định kiến thiếu tình người của những người xung quanh. Em cháu sống trong tình trạng âu lo, có thể sẽ lây nhiễm bệnh lúc nào không hay! Mặc dầu không bị bệnh thể lý, nhưng bệnh tâm lý mọi người đã mặc định cho. Tuy cháu và mẹ chẳng là gì đối với mọi người, và nhìn cách tiêu cực của một số người chỉ là thành phần ăn bám, gây phiền hà, nên xa tránh; nhưng đối với em cháu vẫn còn ý nghĩa. Nếu mẹ và cháu nằm xuống, chút hy vọng ít ỏi không còn, không biết em cháu sẽ ra sao?

Thương những người xung quanh, mỗi khi mẹ đau yếu không đi đứng được, hai anh em cháu đi học, nhiều khi mẹ bất lực ngay cả những vấn đề cá nhân, phải phiền những người thân cận, xóm làng. Nếu năm bữa nửa tháng thì dễ, thời gian đau yếu lâu quá, làm ảnh hưởng đến mọi người, có nhiều lần mẹ bệnh nặng, chịu đựng một mình không dám kêu nói ra. Chúng cháu tuy nhỏ, nhưng nỗi lòng mẹ, chúng cháu cũng hiểu phần nào!

Cháu thương cho chính mình, cũng có thời gian đến trường cháu phải ngồi cách ly, bị bạn bè, thầy cô, nhìn với ánh mắt khác thường, sau này thì đỡ hơn, nhưng cháu vẫn đọc được những lời của thầy cô nói với mình, những người hàng xóm nói với con mình, các bạn nói với nhau “tránh xa nó ra”. Nhiều lúc cháu muốn nổi loạn đưa tay đánh người khác, nhưng không ai dám đánh cháu. Cháu muốn cầm tay bạn bè vui đùa với tuổi thơ như bao người trẻ khác cũng không được.

Tương lai cháu sẽ đi về đâu? Hành trang của cháu là gì? Mọi người có hướng để đi, còn cháu thì…! Cháu vẫn biết những phép lạ diễn ra quanh cháu: mẹ cháu với ơn Chúa và nghị lực sống được hơn mười năm qua là một phép màu. Em cháu sinh ra (được 15 tháng tuổi trước khi bố qua đời 2007) không lây nhiễm mầm bệnh của bố mẹ là điều hiếm hoi. Cháu bệnh, và gia đình tồn tại là nhờ tình Chúa thương qua bao tấm lòng quảng đại. Cháu cảm nghiệm được nhiều ân huệ nhiệm màu trong cuộc đời cháu. Nhưng cháu vẫn chưa thấy có hy vọng của tương lai. Chưa thấy có loại thuốc nào chữa được loại bệnh của cháu, nếu có thuốc thì cũng chẳng dám nghĩ tới. Cháu chưa nghe nói có phép lạ nào chữa bệnh này! Đôi lần cháu ao ước nếu Chúa gọi, có dòng tu hay cộng đoàn nào đón nhận, cháu sẵn lòng dâng hiến “tấm thân cùi” này, dầu không làm được gì thì cháu cầu nguyện cho mọi người. Nhưng cháu chưa nghe nói có dòng tu nào mở cửa cho phận người như cháu, mặc dầu trên thế giới có nhiều linh đạo: Tu hiến thân vì người nghèo, người khốn khổ, người bị bỏ rơi!

Cháu sợ! Sợ một tương lai xa vời, hiện cháu còn nhỏ, còn được mọi người quý mến đỡ nâng, nhưng rồi đây lớn lên, cháu sẽ làm gì! Quanh lũy tre làng, chỉ trồng lúa, cháu phải kiêng nước, kiêng bùn thì làm được gì? Đi xa thì ai cho trọ, ai thuê làm. Cháu sợ nhất là cá tính của người con trai sẽ có lúc nổi loạn, khi bế tắc đường cùng sinh “thù đời”, hay nhưng khao khát đơn thường của người đàn ông sẽ trỗi dậy tìm “một nửa” của mình. Ai sẽ đón nhận cháu! Khát vọng được sống, khát vọng được chia sẻ khát mong nối dõi! Bao nhiêu ao ước muốn như một người bình thường, cháu cũng không dám nghĩ tới.

Nhiều người đã thương mến, động viên nâng đỡ, cháu luôn ghi nhớ, nhưng phần đa họ chỉ cho cháu “con cá”, cháu cần có “cần câu” một hướng đi của cuộc đời. Cháu muốn tự tay câu cá để nuôi sống chính mình và với trách nhiệm của người con cả nuôi mẹ, chăm em. Xin ai cao minh chỉ cho cháu con đường tương lai, hành trang của cháu cần chuẩn bị là gì ???n

Viết cho cháu,
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập377
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm330
  • Hôm nay46,993
  • Tháng hiện tại279,305
  • Tổng lượt truy cập77,073,553
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây