Bài học để đời
Thứ tư - 23/09/2020 05:54
1430
Tạm biệt Hà Nội, nơi cuộc sống chật hẹp, xô bồ; tạm biệt mùa hè, mùa của nắng nóng oi bức, tôi trở về quê sau bốn năm đại học. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nên thời gian tôi được nhận bằng tốt nghiệp sẽ muộn hơn. Chính điều này đã tạo cho tôi cơ hội được về quê vào những ngày đầu mùa thu. Nơi đây, tôi như được sống lại kí ức tuổi thơ, quãng thời gian vô tư hồn nhiên, ít âu lo, suy nghĩ. Buổi sáng nơi làng quê mới yên bình làm sao! Cơn mưa đêm qua, khiến cho không khí càng thêm trong lành, dễ chịu, pha chút se lạnh của ngày thu. Ngoài kia, bầu trời u ám, chắc rằng vẫn còn mưa. Những lúc thế này, tâm trạng con người dễ bâng khuâng, hay suy ngẫm về cuộc đời, về những gì đã qua.
Ngồi trên ban công tầng hai, tôi nhắm mắt lại thư giãn, trong khi tay vẫn mân mê cốc nước ấm như một thói quen. Bỗng trong không gian vang vọng tiếng chuông từ ngôi nhà thờ giáo xứ. Tiếng chuông như xua tan đi sự yên tĩnh của không gian: kính!.. kính!… koong! chậm, dứt khoát, từng tiếng một nhẹ nhàng cất lên. Đó là tiếng chuông sầu, ai đó trong làng qua đời, ai đó đã về với Chúa đêm qua? Dù câu trả lời thế nào đi nữa, lòng tôi cũng trĩu nặng, lắng xuống. Tôi thầm đọc một kinh vực sâu cầu nguyện cho họ, và cho người bà đã mất của tôi; người mà chẳng bao giờ tôi quên được. Bà đã dạy tôi đọc kinh, dạy tôi lắng nghe tiếng chuông, và luôn nhắc nhở tôi: “Con đừng bao giờ mải chơi quá!”.
Đôi mắt tôi nhẹ nhàng khép lại để chìm vào dòng quá khứ ấy. Bầu trời lách tách những hạt mưa rơi, như muốn hòa cùng những giọt lệ trên đôi mắt tôi. Hình ảnh của bà hiển hiện lên trong tâm trí tôi, dù đã hơn bảy năm rồi. Khi ấy, tôi học lớp chín, cái tuổi đã biết suy nghĩ rồi, nhưng vẫn còn mải chơi lắm. Bà thường xuyên nhắc tôi, nhưng tôi vâng dạ cho qua chuyện. Một hôm, bà tôi đau đầu không đến nhà thờ đọc kinh được, bà nhờ tôi: “con ra nhà ông Bái mua cho bà mấy liều thuốc…”. Tôi vâng dạ cho xong mà quên câu cuối bà dặn: “chuông dòng ba kết thúc nhớ về nhé”. Tôi nhanh chân đạp xe băng băng trên con đường đầy lá cói mà người dân phơi để làm chiếu, rồi thầm nghĩ: “còn sớm mà đi chơi với đám bạn chút đã”. Thế là tôi đi qua nhà ông Bái độ một trăm mét, tới cây đa cạnh con sông cuối làng, nơi bọn trẻ trâu như tôi vẫn thường tụ tập tắm sông, nhảy cầu.
Mắt tôi càng nhắm chặt hơn, những âm thanh vui nhộn, náo nhiệt kéo tôi trở về với kí ức thuở nào. Ùm! Ùm! “chúng mày ơi, nhìn tao này”, a! haha! a! haha!, loạt tiếng cười rất sảng khoái, tự nhiên, pha thêm chút tinh nghịch chế giễu của những thằng ở dưới sông khi dõi theo pha nhảy cầu của thằng Tài. Tôi ngồi trên yên xe nhìn lấy làm thích thú, muốn nhảy xuống sông tắm cùng, nhưng thôi còn phải đi mua thuốc cho bà. Tôi đang chăm chú nhìn, bỗng có tiếng: “con gà, nhìn bọn tao đây nè!”. Tiếng thằng Trình hô vang, thì ra bọn nó đang ở trên một cành đa, chuẩn bị cho màn biểu diễn nhào lộn. Nó vừa thực hiện pha nhảy, cây rung dữ dội, những chiếc lá vàng rơi lả tả. Ùm! ùm! ùm, ba tiếng vang lên dồn dập. Một lúc sau, cả ba thằng Tính, Tiền, Trình cùng ngoi lên mặt nước, vừa lúc ấy những chiếc lá vàng cũng khẽ đáp xuống mặt sông, giống như những bông hoa dành tặng cho tiết mục biểu diễn vừa rồi. Không dừng lại ở đó, pha nhảy vừa rồi còn được tán thưởng bằng những tiếng cười giòn giã của những khán giả còn lại, trong đó có tôi.
Một khung cảnh thật vui mắt, kèm theo những lời mời chào của đám bạn, khiến tôi chẳng thể cưỡng lại, chúng đã lôi tôi xuống sông chơi cùng. Tiếng cười đùa của chúng tôi như lấn át tiếng chuông, và tôi cũng quên đi nhiệm vụ của mình, quên rằng bà đang chờ tôi. Cho đến khi trời đã xế chiều, nhưng chưa đến giờ lễ, tiếng chuông vang lên, tôi chợt bừng tỉnh nhớ đến lời bà dặn. Hồi ấy, tôi nào phân biệt được tiếng chuông báo lễ và tiếng chuông sầu. Thằng bé vẫn hồn nhiên, nhanh chóng mặc vội chiếc áo, đạp xe như bay đến nhà ông Bái mua thuốc, rồi phóng xe vội về nhà. Nhưng tất cả đã muộn, bà tôi đã về với Chúa…
Suốt thời gian sau đó, tôi ân hận lắm! Dù bố mẹ và mọi người an ủi rằng: bà mất không phải lỗi của tôi, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn thấy mình có lỗi. Hôm nay, cậu bé ngày xưa ấy đã tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành hơn. Giây phút chợt nghe tiếng chuông sầu vang lên, cũng là một lần nhắc tôi nhớ đến hình ảnh người bà kính yêu; nhớ đến các linh hồn. Tôi dặn lòng sẽ luôn siêng năng tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, làm những việc lành để cầu nguyện cho bà, cho những người quá cố. Ứơc mong, giờ này bà đang được hưởng hạnh phúc thanh nhàn bên Chúa và mỉm cười vì được nhìn thấy tôi, một đứa cháu ngoan hiền.
Tác giả: Vincent Nguyễn Thiên