CHƯƠNG 10: Đời tu trở về
Thứ sáu - 17/07/2020 05:27
1675
- Hoàng! Hoàng! Đi với bố chút nhé.
Hoàng vừa dọn dẹp ở nhà bếp sau bữa sáng, đang chuẩn bị bước về phòng thì cha Hảo gọi anh. Anh quay lại, hơi ngạc nhiên, hỏi cha:
- Đi đâu thế bố?
Cha Hảo mỉm cười, nói:
- Con còn nhớ em An không? Căn nhà của gia đình em ấy mới dựng xong tuần trước. Nay bố với các ông bà trong Ban Bác Ái mới tới thăm. Con đi cùng với mọi người luôn nhé!
- Là em An bị khuyết tật đó ạ? – Hoàng hỏi lại.
Cha Hoàng mỉm cười gật đầu, rồi trở lại phòng để chuẩn bị ít đồ đạc cho buổi sáng nay.
Hoàng cũng trở về phòng, thay quần áo rồi đi cùng với cha Hảo.
Em An mà dịp Tết vừa rồi, Hoàng có dịp cùng cha Hảo vào thăm. Ngoại trừ phần đầu xuống đến cổ là hoạt động được, còn lại mọi thứ trên cơ thể của An đã bị liệt. Thực ra đầu của em cũng chỉ có thể ngọ nguậy chút xói để gật hoặc lắc đầu. Nhưng em Hoàng vẫn ấn tượng bởi nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi.
Gia đình An nếu ai không trực tiếp đến sẽ khó tưởng tượng ra hết những cái khó khăn của họ. An là con út, trên An còn khoảng ba người chị nữa. Bốn người con, chỉ duy có An là bị nằm liệt một chỗ. Ba người chị của An đã phụ mẹ làm ruộng, làm vườn được rồi. Một mình mẹ An nuôi bốn người con qua số năm tháng bằng đúng số tuổi của An. Bởi từ lúc sinh ra An, nhìn thấy An, người cha đã bỏ đi và không thấy thông tin gì về nhà nữa.
Dịp nghỉ hè năm trước, Hoàng cùng một số anh em cùng lớp xin được lên giáo phận trên này để giúp hè. Sau gần hai tháng giúp xứ, Hoàng tiện đường về giáo xứ Bảo Lộc là nơi cha Hảo đang coi sóc, ở lại với cha hơn một tuần trước khi về quê. Trước ngày về, Hoàng đi cùng cha Hảo vào thăm gia đình em An. Ngày đó, căn nhà của gia đình An vẫn chưa được sửa sang. Hoàng vẫn nhớ như in cảnh tượng như khi bước vào một căn nhà của nông thôn Việt Nam trước 1945 đúng nghĩa (trong trí tưởng tượng của Hoàng). Mái nhà là rất nhiều lớp lá chồng lên nhau. Tường là những bức khung tre đan lại. Nền nhà là nền đất ẩm ướt thường xuyên, mùa nào cũng thế. Trong căn nhà, đồ đạc giá trị nhất là cái giường mà An nằm quanh năm. Lúc Hoàng hỏi cô Bình, mẹ của An rằng cô và các chị gái ngủ ở đâu, cô chỉ ngượng ngùng cười và nói: “mùa rét thì chúng con giải bạt ra gần cái bếp để nằm cho đỡ rét, còn mùa hè nóng nực thì mấy mẹ con lại giải bạt ra ngay chỗ cửa ra vào, vừa tiện chăm cho thằng bé, vừa thoáng mát”. Đúng thật! Ngôi nhà này thì mùa hè sẽ rất thoáng mát, gió sẽ xộc vào nhà lồng lộng. Nhưng có mấy ai muốn chui vào một nơi như thế này chỉ để tìm ít gió, ít thoáng cho mùa hè nữa. Chưa kể là khói từ căn bếp (cũng là dựng tạm bợ) ngay bên cạnh sẽ phả ra thẳng gian chính của ngôi nhà. Và còn mùa đông.
Hoàng đã đi thăm nhiều người đau khổ, nhiều hộ gia đình đói nghèo, nhưng không hiểu sao anh lại ấn tượng với gia đình của An. Có thể vì đây là gia đình chưa theo Đạo? Hay do nụ cười lúc nào cũng nở rộ của An? Hay giờ này anh mới tận mắt nhìn thấy một căn nhà nghèo đúng nghĩa, nghèo chẳng có gì để có thể gọi là của sở hữu. Có thể lắm. Bởi thường thường các gia đình khó khăn mà Hoàng từng tới thăm, chưa nhà nào Hoàng thấy gia cảnh khó khăn đến cùng cực như thế này. Nhưng cũng ít người nào trong hoàn cảnh ấy mà luôn tràn ngập tươi cười như gia đình An. Bởi thế, lúc ở nhà An đi ra, khi biết cha Hảo đang có ý định dựng lại căn nhà mới cho gia đình em, Hoàng đã nảy ra ý định sẽ đi xin tài trợ cho An và gia đình của em, tuy có thể không nhiều nhưng cũng đỡ phần nào. Bạn bè, người thân và rất nhiều người khác nữa, qua lời kêu gọi của Hoàng, đã quyên góp được hơn mười triệu đồng. Riêng Hoàng, ngoài số tiền cùng ủng hộ với mọi người, anh cũng bỏ tiền ra mua hai chiếc quạt máy cho An và gia đình. Bởi lúc thăm gia đình, anh tuyệt nhiên không thấy một chiếc quạt máy nào cả.
Lúc Hoàng thay quần áo xong, bước ra sân nhà thờ thì cha Hảo và mọi người cũng vừa tề tựu đủ. Các ông bà nhìn thấy, đều ngỏ ý chào Hoàng “chào thầy!”. Hoàng hơi ngượng ngùng, chỉ biết mỉm cười chào lại họ. Chắc mọi người trên đây vẫn chưa biết rằng Hoàng đã không còn tu nữa. Anh nhìn sang cha Hảo, cũng thấy cha để yên mọi chuyện như thế, không có ý sẽ giải thích hay đính chính lại cho mọi người.
- Nào! Lên xe thôi!
Cha vời mọi người cùng lên chiếc xe mười sáu chỗ đã đứng đợi sẵn. Hoàng về chiếc ghế phía cuối xe, cạnh cửa sổ. Anh vừa ngồi xuống được một lúc thì chiếc xe cũng bắt đầu lăn bánh.
Bên cạnh cửa sổ là cả khung cảnh của vùng đất mà cha Hảo đang coi sóc. Đoạn đường gồ ghề, bám đất khiến chiếc xe chao đảo nhiều lần. Bên đường là những căn nhà thô sơ. Trên mạn này, những ngôi nhà láng giềng cũng cách nhau đến gần cây số. Kèm với mỗi ngôi nhà là một khoảng đất đồi khá rộng để họ trồng thông, trồng những cây ăn quả hay bất cứ cây gì có thể đem lại kinh tế cho họ. Có nhiều đứa trẻ đang chơi bên vệ đường. Đứa trẻ nào cũng ăn mặc lấm lem, lấm lem lên tận khuôn mặt, đầu tóc của chúng. Màu đất vàng khè bám lấy từng ngón tay, ngón chân. Hoàng ngạc nhiên, quay sang hỏi một ông ngồi bên cạnh mình:
- Giờ này lũ trẻ không đi học sao ông?
- Có nhiều nhà nghèo quá nên họ chỉ dám cho con họ đi học các buổi chính ở trường thôi thầy ạ. Còn những buổi học thêm, học góp vào thì bố mẹ không dám cho chúng đi học. Tại không có tiền.
Hoàng nhìn ra đường lần nữa. Những đứa trẻ đáng ra được đi học thì vẫn phải ở nhà, vẫn phải bỏ dở biết bao thời gian đáng ra chúng được học con chữ, cái số. Thỉnh thoảng, à không, khá nhiều lần Hoàng còn thấy cả những đứa trẻ đang vác trên mình những bó cây còn to hơn người của chúng, hoặc có những đứa đang lúi cúi đào xới gì đó trên các khoảng đất đồi rộng lớn. Chẳng biết họ có phải người Công Giáo không, nhưng Hoàng đều thấy thương họ quá. Trên này đa phần vẫn còn nghèo. Nhất là những đứa trẻ đáng ra đang được học hành tử tế mà vẫn phải lụi cụi làm việc quần quật kia. Thiếu giáo dục thì chúng sẽ đi về đâu? Sẽ lớn lên với một con đường dọn sẵn: đủ tuổi lên rừng sẽ nghỉ học, sẽ theo chân gia đình đi vào những cánh rừng bạt ngàn kia và cả cuộc đời chỉ biết cào, đào, xới và đợi ngày thu hoạch những vạt rừng kia sao? Họ không biết rằng muốn cuộc đời họ hay cuộc đời con cái họ thay đổi, thì phải học hành, phải được giáo dục cho tử tế hay sao? Hay do họ biết đó, nhưng họ lại quá nghèo để có thể toàn tâm toàn ý cho con cái đi học? Ôi! Cái nghèo. Nó không chỉ làm dạ dày người ta phải khổ, mà đến cái hy vọng cũng thật xa vời với họ. Biết đâu rằng trên những vạt đồi bạt ngạt kia, có những ông bố bà mẹ đã từng hạ quyết tâm cho con cái học hành đến nơi đến chốn, nhưng bị cái nghèo chiếm lấy hết tâm trí và hy vọng, để rồi phải đưa con lên núi và kéo cái hy vọng đó xuống sâu tận trong lòng mình. Những đứa trẻ cũng từng xúng xính áo quầ, sách vở, nhưng những bộ quần áo đẹp kia đã bị những bộ quần áo sờn rách thế chỗ, và trên vai chỉ còn những chiếc gùi, chiếc cuốc chứ không phải là những chiếc cặp đầy ắp sách và bút. Và mảnh đất nơi đây mới chỉ là một trong hàng ngàn mảnh đất vẫn còn đó những đứa trẻ phải xa rời con chữ nơi đây. Hoàng cứ ngồi trầm ngâm với biết bao câu hỏi như thế trong đầu, mà không biết phải tự trả lời mình như thế nào.
Không đầy một tiếng, chiếc xe đã đến bên nhà của An. Cha Hảo, Hoàng và khoảng ba, bốn ông bà nữa xuống xe. Căn nhà của gia đình An đã được xây dựng xong, một căn nhà cấp bốn vững chãi hơn căn nhà lá ngày xưa. Mẹ của An dẫn mọi người vào nhà. Không còn là căn nhà trống hoắc như ngày xưa. Đã có bộ ghế nhựa để khách khứa đến có chỗ ngồi uống nước cùng gia chủ. Bên cạnh là một chiếc giường mới, có nệm êm cho An nằm. Cũng không còn là căn nhà ẩm thấp và nóng nực. Trên giường của An đã có những luồng gió mát từ chiếc quạt điện mà Hoàng mua tặng. Chỉ có An là vẫn nằm đó, nhìn mọi người và cười thật tươi.
Cô Bình, mẹ của An, rót nước ra mời cha Hảo và mọi người. Không còn là người phụ nữ gầy gò và đen nhẻm của ngày trước. Cô Bình nay đã cười tươi hơn, trong đôi mắt có cái gì đó sáng hơn, dù mười đầu ngón tay, à không, cả bàn tay vẫn chai sạn và còn dính lại ít đất bùn. Ba người chị gái của An hôm nay được đặc cách phụ mẹ tiếp khách chứ không lúi cúi ngoài vườn như lần Hoàng vào thăm hồi Tết. Chúng cũng còn nhỏ quá. Chị cả cũng đâu tầm tuổi cấp Ba mà thôi. Thế mà, cũng giống những đứa trẻ trên đoạn đường vừa nãy, chúng phải ở nhà để mòn mỏi sống qua từng ngày, không hy vọng vào tương lai nào khác hơn. Đúng ra là không có quyền để hy vọng. Người ta phải đảm bảo là có đủ cơm ăn trước khi dám hy vọng điều gì khác. Chưa kể với một gia đình nghèo đến tận cùng như gia đình của An.
Hoàng tranh thủ ra ngồi với An trong lúc mọi người đang trò chuyện cùng nhau bên bàn nước tiếp khách.
Hôm nay nhìn An đã khang khác so với lúc Hoàng vào thăm em lần trước. Cánh tay, cẳng chân đã không còn khẳng khiu mà có chút da, chút thịt hơn. Trắng trẻo hơn. Quần áo trên người em không phải là một nhúm giẻ cũ, rách mà đã lành lặn hơn. Nụ cười của em thì vẫn tươi như thế.
Hoàng cầm lấy tay em An, nắm chặt, rồi nhìn em mỉm cười. Anh cúi xuống sát tai, cố nói thật chậm:
- Nhìn An khỏe hơn, béo hơn rồi nhỉ?
An nở một nụ cười toe, nói chầm chậm với Hoàng:
- Mát hơn, sạch hơn, thoáng hơn.
Hoàng nở nụ cười lại với An. Trước một nụ cười trong sáng như của em, Hoàng thấy nhẹ lòng hơn. Ánh mắt của An không xét nét, không soi mói. An nở nụ cười với Hoàng gần gũi, thân thiết và làm anh thấy mở lòng hơn. Nó khác hẳn với những gì mà anh phải trải qua ở quê mình những ngày trước. Thật may là anh đã quyết định lên vùng đất này, để có cơ hội cởi bỏ được những áp lực vô hình trong lòng mình.
Bên bàn uống nước, cha Hảo đang nói chuyện với cô Bình và các ông bà trong Ban Bác ái. Cha trao lại cho cô Bình những phần quà ủng hộ mà thời gian qua những nhà mạnh thường quân gửi cho gia đình cô. Nhấp ngụm nước chè ấm, cha nói:
- Vậy là giờ căn nhà đã hoàn thành. Mấy mẹ con cố gắng cày cấy, làm ăn. Cần giúp đỡ gì thì cứ nói với các ông bà bên giáo xứ, cha và mọi người sẽ kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình mình.
Cô Bình, mắt rơm rớm, nói với cha và các ông bà:
- Thực sự cảm ơn cha và giáo xứ. Gia đình con không phải người bên Đạo mà lại được cha và giáo xứ giúp đỡ nhiều như thế này. Con...con không biết nói gì hơn.
Cha Hảo cười xuề xòa, nói với cô:
- Không sao. Đâu phải cứ người Công Giáo mới đáng được giúp đỡ. Trong giáo xứ vẫn có một số gia đình mà cha và các ông bà đây đang giúp nữa mà. Chỉ mong sao mẹ con của cô sống tốt hơn, nếu được thì mấy đứa nhỏ sẽ được học hành tiếp. Cha cũng đang tìm cách.
Ông trùm Tá ngồi kế bên cha Hảo, nói:
- Cô Bình có định nhờ cha làm phép nhà cho luôn không?
Tất nhiên là cô Bình không từ chối. Hoàng ra phụ cha mặc áo choàng và dây các phép. Mọi người đứng dậy, ngay sau cha Hảo. Nghi thức diễn ra nhanh chóng, cũng bởi nhà cô Bình chưa có bàn thờ.
Trước lúc ra về, Hoàng đến bên An, nắm chặt tay của em một lần nữa. An ngẩng cao đầu lên, như muốn nói với Hoàng điều gì. Anh ghé tai sát lại, nghe từng câu nói chậm rãi của An:
- Thầy…cầu nguyện…cho gia đình…con…
Hoàng nắm chặt tay An, mỉm cười và nói:
- Chắc chắn rồi.
Trên chuyến xe về lại nhà thờ, Hoàng chìm trong im lặng với những dòng suy tư của mình.
Một người ngoại đạo nhờ mình cầu nguyện cho? Trong khi, Hoàng phải tự thú nhận với bản thân rằng, trong khi Hoàng đã không còn sống trong đời sống cầu nguyện từ bao giờ rồi. Kể cả trong những ngày ở chủng viện, mỗi giờ kinh hay Thánh lễ là một cái gì đó hơi áp lực, hơi nặng nề với anh. Không phải là không có những ngày tháng anh rất yêu thích những giây phút được ngồi trước Chúa, được dự Thánh lễ hay ngồi lần hạt Mân Côi. Đó là những ngày đã khá lâu trước đây, những ngày tháng Hoàng đang thao thức với đời tu hay lúc anh mới bước chân vào chủng viện. Dần dà, đời sống Chủng viện khiến anh thấy mình hơi ngột ngạt. Một nhịp sống đều đều, lặp đi lặp lại theo từng ngày. Cứ đến giờ nào là công việc của giờ đấy. Không một điểm nhấn. Không một hoạt động khiến anh hào hứng. Vốn Hoàng là người hướng ngoại, hướng ngoại hoàn toàn nên những nhịp sống đều đều đó khiến anh thấy mình không còn phù hợp. Anh đã mất bao nhiêu ngày tháng đi tìm lý do cho bản thân, với hy vọng có thể thay đổi mình, thay đổi để hợp với nhịp sống nơi đây hơn. Hôm nay, sau lời nhờ của An anh đã tìm ra được lý do tại sao lại ngột ngạt với đời sống chủng viện. Nhưng thật tiếc, anh tìm được lý do ấy khi đã lựa chọn rời chủng viện, thay đổi hướng đi của cuộc đời.
Một sự tiếc nuối tràn ngập trong lòng Hoàng ngay lúc này. Tiếc nuối vì đã tìm ra nguyên do tại sao mình ngột ngạt với đời tu. Tiếc nuối vì đã không thể thay đổi mình cho hợp với đời tu. Giờ, khi anh đã hiểu lý do tại sao, thì tất cả đã quá muộn. Anh hụt hẫng. Anh trống rỗng. Cả đoạn đường từ nhà An về nhà thờ, Hoàng cứ ngồi im lặng một góc. Anh cứ thế chìm trong yên lặng giữa những tiếng nói cười vui vẻ của các ông bà trên xe.
***
Bữa tối đã dọn dẹp xong, Hoàng định lang thang quanh nhà thờ trước khi về phòng nghỉ. Xung quanh nhà thờ đã chìm vào yên lặng. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng rả rích của dế hay của những loài côn trùng khác.
Trời trên miền núi, dù chưa đến mùa đông nhưng khi trời tối vẫn có những cơn gió lạnh. Nhà thờ Bảo Lộc lại còn nằm ở trên núi cao, xung quanh gần như chẳng có gì che chắn. Một cơn gió lành lạnh chợt thổi đến, Hoàng đút tay vào túi áo cho ấm. Tay anh chạm phải cỗ tràng hạt mà anh đã cho vào túi áo của mình lúc nào không biết. Mỗi lần đi đâu, Hoàng vẫn cho tràng hạt vào túi áo như một thói quen trước nay vẫn thế. Chiếc áo gió anh đang mặc, không biết anh đã cho cỗ tràng hạt vào từ bao giờ.
Hoàng lấy cỗ tràng hạt ra. Cỗ tràng hạt mà anh được Liên – đứa em gái thân thiết trong lớp ơn gọi ngày xưa, tặng cho anh trong ngày anh chuẩn bị thi chủng viện. Liên với Mai là hai đứa em mà Hoàng quý mến trong lớp ơn gọi. Lớp ơn gọi ngày ấy tụ họp được gần bốn chục người mà Hoàng là người lớn tuổi nhất trong đó. Ai cũng hừng hực khí thế trong những ngày mới tham gia lớp ơn gọi ấy. Những buổi sáng Chúa Nhật đi quét nhà thờ, đi dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà thờ. Những buổi đi thăm người nghèo, người đau ốm trong giáo xứ. Nhờ cha xứ mà Hoàng cùng các bạn trẻ ấy có cơ hội được sống gần với đời tu, được biết đến những công việc bác ái hay những giờ cầu nguyện taize mà Hoàng đã từng rất yêu thích. Rồi cứ dần dần, những đứa trẻ ngày ấy cũng đến tuổi trưởng thành và đi học. Bốn chục con người ngày ấy cứ rụng dần, rụng dần. Có những đứa ngay từ khi học cấp Ba đã xin rút khỏi lớp ơn gọi. Còn đa phần là lên Đại học, có người yêu và cất những kỷ niệm về một thời ao ước dâng hiến đó trong quá khứ. Gần chục năm kể từ ngày thành lập, lớp ơn gọi chỉ còn lại Hoàng, Mai và Liên.
Mai và Liên là hai người ít nói, hay trầm ngâm trong lớp ơn gọi ngày ấy. Tự nhiên trong suy nghĩ, Hoàng cũng thấy dễ gần gũi với hai người hơn. Không phải vì định kiến người đi tu hơn hay kém với người thường, nhưng giữa những người chung lý tưởng dễ nảy nở những tình thân hơn với người ngoài. Ba anh em rất hay chia sẻ, tâm sự với nhau trong những ngày chập chững bước vào đời tu. Hoàng là người đi trước, hay được hai người tìm đến để chia sẻ về những ước mơ, những khó khăn. Trong tâm trí, Hoàng cũng mặc định đó là hai đứa em gần gũi với mình, nên anh cũng hay tâm sự và chia sẻ với hai đứa rất nhiều. “Biết tin mình bỏ về như thế này, không biết hai đứa nó sẽ nghĩ và trách mình như thế nào nữa?”. Từ ngày Hoàng về cũng chưa thấy Mai và Liên liên lạc gì với anh cả.
Cầm cỗ tràng hạt trên tay, lòng Hoàng hơi trùng xuống. Ngày hôm ấy, trước khi Hoàng lên chủng viện, Liên từ nhà Dòng về để chào anh. Cô từ từ đưa ra cỗ tràng hạt, cùng lời nhắn với Hoàng:
- Anh phải cố gắng đến cùng, kiên trì đến cùng. Em sẽ luôn cầu nguyện cho anh, nên anh cũng đừng quên phải cầu nguyện cho đứa em này nhiều nhé. Đời tu lúc nào cũng cần lời cầu nguyện hơn mọi thứ, nên mong anh luôn vững mạnh và bình an.
Từ ngày ấy, cỗ tràng hạt trở thành vật bất ly thân của Hoàng.
Cầm cỗ tràng hạt trên tay, Hoàng lại bất giác nhớ đến nụ cười cùng lời nhờ của An lúc sáng nay. Từ ngày từ chủng viện về, Hoàng ít khi ngồi đọc kinh hay cầu nguyện một mình. Những ngày trước, việc cầu nguyện trở thành một thói quen khiến cho anh không còn hào hứng hay yêu thích. Từ ngày về, anh lại thấy mình không còn mục đích gì cho những lúc ngồi cầu nguyện một mình. Nhưng lời nhờ của An hôm nay khiến anh thấy mình có một mục đích nho nhỏ cho việc cầu nguyện của mình.
Hoàng tìm một chỗ phẳng, ngồi xuống, rồi lần từng hạt một trong chuỗi hạt và nhẹ nhàng đọc kinh. Lâu rồi Hoàng mới tự một mình đọc kinh như thế.