Đức Maria, mẫu gương sinh Chúa cho đời
Thứ bảy - 31/12/2016 01:01
2511
Trước hết, “Sinh Chúa cho đời” là trách nhiệm của Ki-tô hữu, những người đã được lãnh nhận Phép Rửa. Trong Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân nhấn mạnh đến vai trò của người Giáo dân trong Giáo hội: Ngày nay, trong Hội thánh cũng như trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, có những hoàn cảnh mới mẻ đang đòi hỏi hoạt động của các giáo dân một cách hết sức đặc biệt… Thật vậy, mỗi người đã được nên giống Đức Ki-tô nhờ Đức tin và các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, cũng được tháp nhập vào Hội thánh như một chi thể sống động và họ là chủ thể tích cực trong sứ vụ cứu độ của Hội thánh[1]. Họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Ki-tô giáo trong Hội thánh và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình (LG.15). “Vì ơn gọi riêng, người giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (LG.31)[2].
Các thánh, là những mẫu gương đã ‘sinh Chúa cho đời’: Khi nói đến truyền giáo, thường chúng ta tưởng tượng những gì to tát, khó khăn. Chúng ta cùng dõi theo bước chân của các nhà truyền giáo: Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê chỉ đi từ Phương Tây sang tới Phương Đông, còn chị thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su chỉ sống trong bốn vách tường Dòng kín Cát-minh, thế mà thánh nữ cũng là bổn mạng của các xứ truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Thế nghĩa là “mỗi người theo mức độ của mình” (Ep 4,7), chúng ta truyền giáo bằng nhiều cách thức khác nhau: trước hết là ăn ngay ở lành, sau là làm việc thiện, thực thi đức bác ái….Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Ma-ri-a, đã sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và ‘sinh Chúa cho đời’ ra sao?
Thánh Au-gus-ti-nô đã cảm nhận rất sâu sắc về đặc ân của Đức Ma-ri-a, Mẹ đã “Sinh Chúa Giê-su trong lòng tin để sinh Chúa trong lòng dạ[3]. Suy tư về các điều kiện thực tế liên quan đến việc Nhập Thể mà không nhìn về người nữ-tức là trinh nữ Ma-ri-a, Mẹ Ðức Giê-su đã từng gắn bó và hợp tác hết sức mật thiết vào trong công tác thực hiện mầu nhiệm ấy, là một thiếu sót lớn. Quả thế, ngoài Thiên Chúa toàn năng ra, ai đã mang lại cho loài người sự hiện diện thể lý của Ngôi Lời Thiên Chúa trong nhân tính của Ðức Giê-su, nếu không phải là Ðức Ma-ri-a qua việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa với lời thưa "Xin Vâng" trong ngày Truyền Tin? Chính nhờ lời thưa "Fiat", Ðức Ma-ri-a đã thốt lên, mà biến cố kỳ diệu vĩ đại là Nhập Thể đã thành hiện thực. Kinh Truyền Tin hằng ngày nhắc cho chúng ta sự kiện ấy: "Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền," và giây phút ấy "Ngôi Lời đã nhập thể làm người (đã trở thành xác phàm)". Qua lời "Xin Vâng," Ðức Ma-ri-a đã thực sự hiện diện ngay từ giây phút khởi đầu Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Và suốt trong toàn bộ tiến trình tiến hành Mầu Nhiệm ấy, trong những thời điểm trọng đại, không bao giờ Ðức Ma-ri-a lại không có mặt: Mẹ hạ sinh Ðức Giêsu trong đêm Be-lem; Mẹ ở bên cạnh để nuôi dưỡng, nâng đỡ Ngài trong cuộc sống âm thầm tại Na-za-reth, và âu yếm "ghi khắc hết mọi kỷ niệm ấy trong tâm khảm của mình;" Mẹ lặng lẽ có mặt trong cuộc đời công khai thừa hành tác vụ của Con mình, và can đảm chứng kiến-với tất cả tâm tình thông dự, giờ phút Con mình tự hiến trên đồi Cal-vê. Mẹ cũng sẽ tham dự vào các biến cố hiển vinh trong ngày Phục sinh, trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Ðó là những sự kiện lịch sử. Càng ngẫm suy về những điều ấy, ta càng thấy rõ hơn vai trò lớn lao cao cả của Ðức Trinh Nữ][4].
Gần đây, Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng nói về cách thức Thánh Mẫu trong hoạt động truyền giáo trong Giáo hội (EG.288), vì: “Mẹ chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa giữa trần gian, trong dòng lịch sử và trong đời sống hằng ngày của mỗi người chúng ta và của tất cả mọi người. Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và siêng năng tại Na-za-reth, Mẹ của sự sẵn sàng, vội vã ra đi khỏi làng để giúp đỡ người khác (x.Lc 1,39-45). Sự năng động của công chính và thân thương, của chiêm niệm và hướng đến người khác, đó là điều làm cho Mẹ trở thành mẫu gương cho Giáo hội để Phúc-Âm-hóa. Chúng ta cầu xin Mẹ, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, giúp Giáo hội trở thành ngôi nhà dành cho nhiều người, một người Mẹ cho tất cả mọi dân tộc và có thể sinh ra một thế giới mới[5].
Trên con đường lữ hành Đức tin, chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương truyền giáo của Mẹ bằng cách lắng nghe và thực thi Lời Chúa như Mẹ, để ta cùng được Chúa chúc: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Đồng thời, chúng ta hãy gia tăng lòng đạo đức bằng nhiều hình thức khác nhau trong Giáo hội để tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo hội, Mẹ của mỗi người chúng ta. Có như thế, chúng ta mới có thể cùng Mẹ ‘Sinh Chúa cho đời’ trong sứ mệnh của người trong cánh đồng truyền giáo…
Giuse Phạm Quang
[1] x.GIOAN PHAO-LÔ II, Tông huấn Người Ki-tô hữu Giáo dân, Nxb Tp.HCM, 1996, Số 3, tr.8-9. [2] x.ĐẶNG Văn Nghĩa, Tu đức Truyền giáo. [3] x.CGKPV, Phần Kinh Sách, Lễ Truyền Tin. [4] x.Jean MILET, Nhập thể, vấn đề và mầu nhiệm, Felipe Gómez Ngô Minh chuyển ý. [5] x.PHAN-XI-CÔ, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng-Evangelii Gaudium, Nxb Tôn Giáo, 2014, số 288, tr.232-233.