Lắng nghe lúc cầu nguyện
Thứ hai - 12/12/2016 15:27
2730
Nếu bạn đang cố gắng sống trưởng thành trong đời sống cầu nguyện; hay nói cách khác, nếu bạn muốn trở nên một Kitô hữu có đời sống tốt lành hơn nữa qua mối tương giao với Chúa và tha nhân bằng những phương thức cầu nguyện cá nhân, thì tập sách nhỏ này quả sẽ rất hữu ích cho bạn. Phải thừa nhận rằng, hiện nay có rất nhiều sách có giá trị giải thích cho việc thực hành và suy tư thần học, đồng thời gợi ý những phương thức hữu ích trong việc cầu nguyện. Thực ra, tôi không hoàn toàn thiên về việc muốn viết một cuốn sách khác về đời sống cầu nguyện, thậm chí bạn bè đã khuyến khích tôi viết, nhưng khi cầu nguyện tôi cảm thấy cần phải viết một cuốn sách nhỏ về những phương thức cầu nguyện đơn giản mà tôi nhận thấy hữu ích cho đời sống của tôi với đầy những lo ra, chia trí. Phương thức này tôi đã học hỏi được nhiều từ những tác giả viết sách thiêng liêng, vì tôi đã đọc ngay từ hồi còn nhỏ tuổi. Trên hành trình thiêng liêng, tôi đã gặp phải nhiều gian truân, phải chiến đấu nhiều để thắng vượt, và có thể coi đây là chiến thắng hào hùng nhất của đời tôi. Tập sách nhỏ này được coi là phương thức cầu nguyện để tôi khỏi lo ra, chia trí.
Phương thức cầu nguyện trong tập sách mà tôi gợi ra đây rất giản đơn, không hẳn là một phương thức, nhưng lại đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Điều này chúng ta thường thấy qua cuộc đời của nhiều vị thánh, cũng như trong nhiều sách viết về đời sống thiêng liêng. Đó chính là cách giản đơn để lắng nghe lúc cầu nguyện.
Nếu bạn học cách lắng nghe, thì không những bạn lắng nghe được tiếng mọi tạo vật đang cầu nguyện cùng bạn, mà bạn còn lắng nghe được tiếng Chúa đang đồng hành cầu nguyện cùng bạn trong tâm hồn, tuy rằng lúc đầu còn mơ hồ và mờ nhạt. Thánh Augustinô dạy: “Chúng ta cầu nguyện không chỉ là hướng tới Thiên Chúa, nhưng cầu nguyện cùng với Ngài, Thiên Chúa cùng cầu nguyện và nên một trong chúng ta”. Nếu lắng nghe, bạn sẽ lắng nghe được tiếng Thiên Chúa, sau đó bạn sẽ lãnh nhận được tác động của Thần Khí trong tâm hồn mình lời hồi âm của Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, liệu chúng ta có quá kỳ vọng với tính siêu phàm này không? Tôi không nghĩ vậy, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong và quanh chúng ta chính là nền tảng rất vững chắc cho sự hiện diện của mọi tạo vật. Thế nên, tại sao chúng ta không học cách lắng nghe lúc cầu nguyện nhỉ? Một trong những thành quả của sự tiến triển cả tâm lý lẫn tâm linh là để trở nên nhận thức rõ hơn về thực tại và những mối liên hệ một cách có hiệu quả, thì việc lắng nghe cách chú tâm chính là một phần thiết yếu của sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng. Trong lĩnh vực tham vấn, chúng ta gọi điều này là sự cảm thông lắng nghe do một tham vấn viên hay một ai đó giúp đỡ mình. Để liên hệ được với thực tại, trước hết chúng ta cần phải biết lắng nghe. Chân lý sống động cao cả nhất chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trên và trong tất cả mọi thụ tạo. Phương thức cầu nguyện bằng việc lắng nghe tuy là một cách đơn giản, nhưng chính là con đường trực tiếp để nhận biết Chân Lý.
Lắng nghe cách chú tâm tuy giản đơn, nhưng chẳng dễ dàng gì. Điều đó thậm chí tại sao những tín hữu đạo hạnh thường kiến tạo cho mình một đời sống thiêng liêng kết hợp lời nói đi đôi với hành động, và họ luôn quy hướng về Thiên Chúa. Phương thức cầu nguyện bằng việc lắng nghe làm cho mọi thứ trở nên đơn giản, nhưng đồng thời cũng gây tổn thương cho bản thân ta, và đồng thời còn là nỗi lo sợ nữa. Lắng nghe giúp chúng ta mở lòng trí ra để đón Chúa, đón nhận lời Ngài trong mọi sự: Trong thế giới vật chất này, rồi trong Kinh Thánh, trong Giáo hội, trong các Bí tích và trong chính anh em đồng loại nữa. Lắng nghe khi cầu nguyện còn là dịp để chúng ta lắng nghe được giọng nói của Đức Kitô nơi người nghèo, người đau yếu, những người mà chúng ta yêu thương cũng như ghét bỏ.
Sự đáp trả
Đây là một thuật ngữ tâm lý nhận thức nổi tiếng giúp chúng ta thành công trong việc lắng nghe khi đáp trả những gì mình nghe được. Cũng giống như mọi nhận thức, lắng nghe là con đường hai chiều: Nếu tôi không đáp trả, thì trong tôi thực sự sẽ không lắng nghe được. Thường thì chúng ta không có khuynh hướng đáp trả tiếng Chúa mời gọi trong ta. Như vậy, nếu chúng ta không cầu nguyện thì chẳng có một ý niệm hay hình ảnh nào trong tâm trí mình cả.
Qua cuốn sách nhỏ này, tôi muốn đề cập đến việc lắng nghe tiếng Chúa và đáp lời lại tiếng Ngài. Hãy lắng nghe Thánh Thần, và hãy thực thi Thần Khí trong mọi biến cố của cuộc đời bạn! Để có thể trưởng thành trong việc lắng nghe, thì chúng ta cần phải thực hành một cách tiệm tiến. Trước tiên, chúng ta nên thỉnh thoảng tập lắng nghe và đáp lời lại tiếng Chúa, rồi dần dần chúng ta sẽ thực hành cách thường xuyên hơn, và cứ như thế chúng ta cứ gắng duy trì qua nhiều năm. Sự tăng trưởng dần dần trong việc lắng nghe này đôi lúc chúng giúp ta như thể lắng nghe được tiếng“các vì sao ban sáng đang hòa tấu nhịp nhàng” (x. Tb 38,7). Điều này có thể đẩy chúng ta vào những cuộc xung đột nội tâm ghê gớm. Vì khi lắng nghe được tiếng Chúa, lòng trí chúng ta phải mở ra để đón nhận lời Ngài. “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. (Người phán): các ngươi chớ cứng lòng” (x. Tv 95,7- 8). Chúng ta phải chú ý lắng nghe được cả “tiếng gió hiu hiu ở giữa cơn lốc” (x. 1V 19,18). Nếu tiếp tục học phương thức cầu nguyện bằng việc lắng nghe, thì chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa đang mời gọi ta“Hãy theo Thầy!” Nếu lắng nghe cách trung thành, chúng ta sẽ nghe được “một thứ âm thanh nhƣ tiếng nước lũ, như tiếng những nhạc công vừa gảy đàn vừa hát” (x. Kh 14,2).
Vài tuần sau khi viết gần xong phần này, tôi đã gặp phải một số lần thất bại trong việc lắng nghe tiếng Chúa nói trong tôi qua những biến cố thường ngày. Tôi nghĩ, tôi đã bị thử thách qua những biến cố đó mà dường như rất nhỏ bé tầm thường do ước muốn ích kỷ của mình kích động. Ý Chúa nói qua những sự ích kỷ, xấu xa hay nhỏ bé tầm thường này thế nào đây? Phải chăng Ngài cũng sẽ nói qua những điều này? Thật trái ngược, nhưng sự tốt lành của Thiên Chúa sẽ bao trùm tất cả, chính Chúa mời gọi chúng ta ăn năn hối cải và giúp ta biết nhìn nhận cách đúng đắn.
Vào một buổi tối nọ, tôi bị một vết nội thương nhỏ ở lưng tái phát đau khủng khiếp, đến nỗi gần như tôi không sao thở được. Khi hai người bạn hoảng hốt cấp tốc đưa tôi đến bệnh viện, tôi bị chìm trong cơn đau mà tôi chưa bao giờ gặp phải. Một cơn đau xóa mờ mọi nhận thức về những ký ức, cũng như tôi không còn ý thức được về thời gian, mà chỉ còn đọng lại cái cốt lõi của lý trí và một chút khả năng để hướng đến tương lai (chắc các bạn độc giả cũng đã từng trải về điều này! ). Những câu hỏi chợt nảy ra trong tâm trí tôi: Liệu ý Chúa có đang nói trong cơn đau này không? Tôi khẳng định là: Có! Tôi biết có ý của Ngài trong đó. Thiên Chúa muốn như vậy để chỉ cho tôi niềm khao khát như ngọn lửa mãnh liệt hầu sống và cảm nghiệm về sự chết. Tôi đã nghĩ là mình sẽ chết khi không thở được, nhưng chợt lóe lên trong tâm trí tôi một lời cầu xin tận sâu thẳm và tự phát giống như một tiếng vỗ mạnh “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót con!”Ngài đã nói trong nỗi đau đớn và sự sợ hãi của tôi. Tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã dạy cho tôi bài học của sự lắng nghe.
Có lẽ, hẳn bạn đã biết thế nào là lắng nghe, nhưng bạn đã lắng nghe khi cầu nguyện chưa? Bạn có biết lắng nghe khi bạn đang có một cuộc sống yên ổn không? Bạn có thể lắng nghe tốt hơn chưa? Hoặc bạn có cảm thấy tội lỗi khi mình chỉ lắng nghe mà không thực thi điều nghe được không? Mỗi khi hồi tưởng về quá khứ hay nghĩ về tương lai, bạn đã biết lắng nghe chưa? Hoặc khi bạn sắp xuôi tay nhắm mắt từ giã cõi đời này và nhận thấy mình còn mang trọng tội, bạn có biết lắng nghe không? “Thiên Chúa là Đức Chúa gọi con người và hỏi: Ngươi ở đâu?” (x. St 3,9).
Bạn có học cách lắng nghe khi mình cảm thấy hài lòng về những điều tốt mình làm không? Khi vui hay lúc buồn, bạn có biết lắng nghe không? Tập sách nhỏ này nhằm giúp bạn học biết cách lắng nghe mỗi khi cầu nguyện, cũng như trong những biến cố của cuộc đời.
Cầu nguyện nghĩa là gì?
Chúng ta đều biết: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Cách nói này có vẻ xa vời trong tâm trí ta. Vì khi cầu nguyện, ý chí chúng ta thường giảm xuống nhanh chóng, lúc này trong tâm trí ta cảm tưởng giống như một vật gì đó được tung lên cao rồi bị rơi bịch xuống đất cách nhanh chóng. Như vậy, việc cầu nguyện của chúng ta chẳng khác nào một bài tập vô ích. Nói cách khác, nó cũng giống như việc chúng ta tung ném những trái bóng vào không trung vậy. Đôi khi, có những lúc chúng ta cảm thấy mình cầu nguyện cách sốt sắng, đó chính là lúc ta cầm lòng cầm trí được và cảm thấy mình đang có tiến bộ. Lần sau, khi chúng ta nghe nói đến phương thức hồi tưởng hay tĩnh tâm và khi áp dụng theo phương thức này, thì chúng thực sự giúp chúng ta tăng khả năng suy gẫm. Chúng ta cầm lòng cầm trí được lâu hơn và tâm trí ta dần hạ xuống cách êm dịu hơn.
Những phương thức cầu nguyện này thường làm thay đổi cả cuộc đời của một người khi chúng được áp dụng cách triệt để. Tuy nhiên, với bất cứ phương thức nào đi nữa, thì không phải lần nào chúng ta áp dụng cũng thành công. Đây là việc cần phải thực hành cách trung thành, đôi khi cũng cần phải nghỉ ngơi thư giãn. Như thế, phương thức cầu nguyện này có thể trở thành gánh nặng cho chúng ta. Vậy chẳng khác nào việc chúng ta cứ lặp đi lặp lại những nỗ lực cầu nguyện vô ích với một danh sách trải dài. Có lẽ, chúng ta cũng học được một điều gì đó từ những phương thức hồi tưởng này, cũng như những phương thức nguyện gẫm truyền thống. Tất cả đều có một mẫu số chung là giúp chúng ta tập trung sự quan tâm vào đời sống nội tâm, hay những đoạn Kinh Thánh, hoặc những chân lý trong đạo. Đó là những phương thức lĩnh hội và hồi âm (cảm nhận và đáp lời) những biến cố trong tâm hồn, thế giới tư duy nội tâm trong tình cảm và nơi trực giác của ta. Câu hỏi được đặt ra cho những phương thức này là làm thế nào để bắt đầu một đời sống cầu nguyện?
Giuse Đỗ chuyển ngữ
Nguồn: Benedict J. Groeschel O.F.M., CAP, Listening at prayer, Paulist Press, New York, USA.
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 97-102.