Lễ tấn phong giám mục chỉ có 4 người
Thứ năm - 22/10/2015 04:35
9964
Hồi đầu tháng 11 năm 1960, sau một ngày Chúa nhật, Đức Giám (Khi đó Đức Cha Tĩnh mới chỉ làm Giám Quản Tông toà) kêu mệt, và thầy phòng bộ nói là Đức Giám ốm nặng. Ngài bỏ cả lễ, cả dậy học và cũng không tiếp khách. Mọi người đều rõ là Đức Giám vốn khoẻ, nhưng người ta lại bảo: Ai vốn khoẻ không mấy khi ốm thì lúc ốm lại hay ốm nặng. Tin Đức Giám ốm nặng truyền đi rất nhanh, đặc biệt là các Dòng nữ tu. Mọi người nghe tin đều sốt sắng cầu nguyện cho Đức Giám. Thầy phòng bộ cũng chuyển lời Đức Giám dậy các nhà chung nhà dòng phải làm tuần 9 ngày cầu xin Đức Mẹ cho Ngài.
Ngày 10 tháng 11 năm ấy, thời tiết đã vào đầu đông, tại bến đò Cát (qua sông Hồng) lúc sẩm tối, có hai người khách bộ hành dắt xe đạp đứng đợi với dáng vẻ trầm ngâm. Một người có khuôn mặt to mập, và tuy trời không mưa, nhưng vẫn khoác một chiếc áo khoác bằng vải bạt, chân đi ủng, và cho dù đã đội chiếc mũ cát có vành cụp xuống che đến nửa mặt, vẫn còn lộ ra dáng quen quen. Người kia trẻ hơn, dáng điệu nhanh nhẹn, mặc bộ đồ nâu gụ, có vẻ sốt ruột, lúc thì nhìn với sang bờ bên kia, lúc lại nhìn về phía sau như băn khoăn có ai cùng sang chuyến đò, lúc lại nhìn vào căn nhà của bác lái đò.
Nhà bác lái đò đã lên đèn. Bên cạnh chiếc đèn dầu le lói, còn có cái điếu thuốc lào cứ chuyển từ người này sang người khác trong ba người đàn ông đang ồm ồm kể lại chuyện xưa, đôi khi chen vào mấy câu thô tục. Người ngồi giữa có lẽ là bác lái đò, bác nói hết chuyện đánh Tây đến chuyện làm đò, lúc nào bác cũng cho mình là vai chính trong câu chuyện. Cứ sau khi rít một hơi thuốc lào, bác lại mở đầu bằng một câu tục rồi mới chuyển sang đầu đề khác. Hơi thuốc lào toả ra bến bãi, làm cho khách đợi đò vốn nghiện thuốc lào cũng thấy miên man, nhưng ông không vào rít vui một điếu, mà chỉ đứng tựa vào chiếc xe đạp chờ đợi.
Trời tối hẳn, dòng sông trôi lừ đừ như đang mang nặng phù sa và cũng như đang mang nặng nỗi ưu tư. Làn sương thu lảng vảng trên lớp sóng vỗ nhè nhẹ. Bờ sông bên kia hiện lên một đốm sáng mờ. Con đò nhỏ vẫn nằm ở bờ bên này. Tiếng sóng vỗ đều đều vào mạn thuyền khiến cho khách tha hương có cảm giác lênh đênh và hẳn là liên tưởng tới bài thánh ca "Lạy Mẹ là Ngôi Sao sáng .... ", nên khách đợi đò ngước nhìn lên bầu trời sao thưa thớt, e ấp trong không gian lành lạnh.
Đợi cho đến lúc đêm tối, không còn nhận ra mặt người quen, người khách trẻ mới ghé vào tai ông khách nói nhỏ mấy câu gì đó, rồi mới rụt rè bước tới căn lều của bác lái đò, đứng ngoài hỏi vọng vào :
- Chào bác lái, bác giúp em sang đò bây giờ được không ?
- Việc đếch gì mà cần thế ? Bác lái hỏi qua giọng thuốc lào đặc sệt.
- Chả là bố em bị chó cắn, hôm nay thấy sốt, sợ là chó dại nên phải đưa đi ngay.
- Sao không đi sớm mà bây giờ mới đi ?
- Thì em đi làm vừa mới về, ăn xong miếng cơm rồi thu xếp đi ngay, cũng còn phải vay thêm tí tiền nên mới muộn màng thế này, bác vui lòng giúp cho.
Người ngồi bên phải bác lái thì nhìn chằm chằm vào khách xin đi đò, như cố khám phá ra một khuôn mặt ngờ ngợ quen. Còn người kia cứ ngồi quay vào như tư thế cũ, đến lúc này mới quay ra nói một câu buông thõng sau một tiếng tục :
- Nài làm đếch gì. Cứ thêm cho hắn mấy hoa thuốc lào là hắn đưa sang ngay đấy mà !
Chộp ngay lấy cơ hội, khách xin đi tiếp luôn:
- Tất nhiên là em sẽ trả thêm bác lái chứ.
Chỉ chờ có thế, bác lái đò vớ lấy điếu châm lửa rít một hơi sảng khoái, rồi mới chậm chạp xê qua hai người kia đang ngồi hai đầu chõng, uể oải thả chân xuống đất, đứng dậy vươn vai một cái, quơ tay với lấy mái chèo dựng bên cạnh cửa liếp, rồi bước ra bến.
- Xuống đò nhanh lên !
Thực tế thì chẳng cần phải đợi bác lái ra lệnh, anh con trai đã mau mắn rút chiếc ván gỗ trên thuyền, đặt thoai thoải xuống bãi rồi đưa xe bố lên trước. Anh đỡ bố lên đò rồi mới đem xe mình lên.
- Đi được rồi đấy bác ạ. Đến lượt anh lại giục bác lái đò.
Con đò hơi bập bềnh lúc quay mũi, rồi êm ả lướt sóng sang ngang. Lúc này trăng thượng tuần cũng vừa đủ ánh sáng để cho thấy bóng con đò trên mặt nước và tạo ra những bọt sáng nhịp nhàng theo tiếng khua nước của mái chèo.
Ra gần giữa dòng, người con buông một câu hỏi ngớ ngẩn vào bóng đêm :
- Nhà ông lang chữa chó dại đi lối nào vậy bác ?
Khỏi cần đến vẻ ngớ ngẩn của câu hỏi, bác lái thủng thẳng đáp :
- Qua đò đi một đoạn, đến đường chính thì ngược lên, đến đường Vũ Thắng thì cứ đi hết cho tới ngã ba rồi lại ngược lên cho tới ngã ba Cổ Việt, đến đấy hỏi người ta chỉ cho.
Người con vừa phân vân vì câu hỏi ngớ ngẩn của mình, vừa mừng thầm vì bác lái đò chỉ đúng con đường thầy trò định đi.
Đò cập bến. Trả tiền đò xong, hai bố con lại tiếp tục đi. Ông bố cảm thấy nhẹ nhõm như vừa qua một khúc gian lao của đời người. Lòng ông vang lên câu "Deo gratias - Tạ ơn Chúa". Người con giơ tay lên ngang mặt nhìn đồng hồ dạ quang: Đã quá 8 giờ.
Chắc hẳn bác lái đò còn vào quán chỗ có ánh đèn, rít một khói thuốc, rồi mới quay đò trở về bến mình.
Trụ sở Toà Giám mục Thái Bình ở ngay bên cạnh nhà thờ Chính toà. Đứng ở đường phố nhìn vào tiền diện nhà thờ thì phía tay phải là TGM, phía tay trái là đài Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình . Hai cánh cửa sắt quanh năm bám chặt vào nhau, chỉ rời ra dịp lễ Chúa Ki-tô Vua là Quay Thầy Giáo phận, đồng thời cũng là ngày chầu lượt của Giáo xứ Thái Bình. Một cửa sắt bên cạnh chỉ mở ra vào giờ kinh lễ sáng. Ngoài ra, ai muốn vào TGM thì phải đi lối cạnh, qua một tu sở của chị em nữ tu Đa-minh, vòng sau đài Đức Mẹ, sang qua mặt tiền nhà thờ, rồi mới vào một cửa cạnh nhỏ bên kia: Đó chính là cổng TGM. Thực ra, trừ mấy dì nữ tu sở tại, còn những người khác, để tránh những con mắt tò mò từ bên ngoài, lại đi vòng lên phía đầu nhà thờ, rồi mới vào TGM.
Hai bố con sang đò ban nãy đạp xe mải miết bây giờ mới tới thị xã. Người con nhìn lại đồng hồ: gần chín rưỡi rồi. Đến ngã tư, người con vẫn đi trước dẫn đường đạp nhanh hơn, nhưng không rẽ ra lối cầu Bo để đi thẳng vào đường phố dẫn tới TGM, nhưng lại cắm đầu đạp thẳng lên phía chợ, đến lối phố nhỏ dẫn vào nhà thờ Chính toà. Ông bố chắc đã hiểu ý, nên cũng lặng lẽ đạp nhanh theo sau. Đến gần nhà thờ, hai chiếc xe đạp kìm lại chầm chậm, rồi dừng lại ghé sát vào một khung cửa đen ngòm.
Hình như đã có người đợi sẵn phía trong cửa, vì trong khi ông bố rút khăn lau mồ hôi, chỉ thấy người con ghé sát miệng vào khe cửa nói nhỏ, thì hai cánh cửa đã từ từ mở ra.
Chủ nhà là một phụ nữ trung tuổi, mặc bộ đồ đen. Chiếc khăn vuông đen thắt mỏ quạ hầu như che kín gần hết khuôn mặt. Khách không chào chủ, mà chủ cũng không nói lời gì với khách. Sau khi cánh cửa đã đóng lại, hai bố con dựng xe vào cạnh tường rồi lặng lẽ theo sau chủ nhà. Cả ba nép vào bóng tối quanh qua đài Đức Mẹ, len sát chân tường đi vòng qua đầu nhà thờ, và cứ thế tới cổng TGM. Bà chủ nhà gõ nhẹ vào cánh cửa ba tiếng đều đặn rồi lắng tai nghe. Chờ mấy giây lại gõ ba tiếng nữa. Lúc này có tiếng chân người phía trong bước ra tới cửa. Người này ghé sát vào lỗ khoá hỏi nhỏ : Ai đấy ? - Bà chủ nhà cũng ghé sát miệng vào lỗ khoá trả lời một câu gì đó vắn tắt không nghe rõ. Thế là có tiếng chìa khoá tra vào lỗ khoá, và cửa mở ra có vẻ hết sức cẩn mật, nhưng vẫn còn nghe được tiếng cót két của mấy chiếc bản lề đã cũ. Hai bố con biến vào trong cửa giữa bóng đêm, còn bà chủ lúc nãy men theo tường quay trở lại.
Ba người đi qua một căn nhà cao tầng là nhà xứ, rồi mới tới căn nhà Đức Cha. Qua sân, dưới ánh trăng lờ mờ, hai bố con mới nhận ra người đi trước là một thanh niên khoảng mười bảy, mười tám tuổi, nhưng có dáng điệu rất thận trọng. Tới cửa, anh làm hiệu cho hai bố con dừng lại, rồi đi tới một góc tường, vụm tay vào một ống kẽm và nói vào đó mấy tiếng. Thì ra cái ống dẫn nước đó được sử dụng làm ống hơi để báo tin thay cho điện thoại. Chỉ mấy phút sau đã có người cầm ngọn đèn dầu nhỏ ở lầu trên bước xuống, đi dọc theo hành lang rồi tới mở cửa. Lần này không cần ai giới thiệu, người mở cửa đã nói ngay: "Mời Đức Cha lên". Người cầm đèn quay lại cài then cửa rồi tiến lên trước dẫn đường. Lên cầu thang, qua mấy phòng thì tới phòng Đức Cha. Qua mấy lời thăm hỏi, cả hai đấng ngồi xuống ghế đối diện nhau.
Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ lúc đó đang làm Giám mục Giáo phận Thái Bình. Tuổi ngài đã quá bảy mươi, nhưng vẫn còn minh mẫn, chỉ có sức khoẻ là giảm sút và hầu như đau yếu triền miên. Ngài ra hiệu cho người giúp việc có khuôn mặt niềm nở vừa đưa Cha Tĩnh và người tuỳ tùng vào. Người đó cúi đầu chào hai đấng rồi đi ngay. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, hai đấng trao đổi với nhau mấy phút, chỉ vừa uống xong chén trà nóng, rồi cả hai mặc lễ phục và sang nhà nguyện liền ngay đó. Thế là cuộc tấn phong Giám mục cho Đức Cha Tĩnh diễn ra trong trịnh trọng, âm thầm và sốt sắng. Ngoài vị Chủ phong và vị Thụ phong, chỉ có thầy phòng bộ giúp lễ và người tuỳ tùng Đức Cha Tĩnh tham dự.
Sau này Đức Cha Tĩnh có kể lại rằng: Ngài đã đem theo sẵn một tấm bánh gatô, và sau khi nghi thức đã xong, về phòng Đức Cha chủ phong, Ngài đã cắt bánh và dâng lên Đức Cha Đaminh chủ phong tỏ lòng biết ơn và như để ăn mừng chức Giám mục của Ngài theo tục lệ cổ truyền.
Xong mọi việc, Đức Cha Tĩnh và người tuỳ tùng vội vã ra về. Hai cha con không trở về lối đò Cát, mà lại đi ra lối đò Sáu. Lần này "anh con trai" lại phải nói là bà cụ ngoại bên kia sông yếu mệt, nên hai bố con cần sang gấp. Thế là ông lái đò và đứa cháu cho sang ngay. Hai cha con đi theo lối vào họ Liên Thượng để về nhà, tránh đi qua lối bệnh viện. Về tới cổng nhà đã gần ba giờ sáng, nhưng cổng chưa mở, vì Nhà Chung ba rưỡi mới báo thức. Người tuỳ tùng lại phải quanh ra lối trước, đi qua nhà dân vào lối nhà in Thánh Gia cũ để mở cổng cho Đức Cha.
Về tới phòng, Đức Cha trút bộ áo cải trang, mặc áo chức, rồi bảo người giúp việc đã đồng hành với mình cả một đêm dài: "Ta vào nhà nguyện tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã".
Thứ sáu thì mọi người được tin Đức Giám đã khoẻ lại và thông báo sáng thứ bảy, ngài sẽ dâng lễ tại nhà thờ Chính toà để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Mọi người đều vui mừng. Đức Cha còn chỉ thị hôm ấy phải có 4 thầy giúp lễ cho trọng thể. Mãi sau này mới có người hiểu được sự kiện "giúp lễ 4 thầy" này.
Sau đó, có lần các cha hỏi về việc Đức Cha thụ phong Giám mục, Đức Cha chỉ cười và mượn lời thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu để trả lời: "Có những việc chỉ sau này lên trời mới biết được".
Trong lịch sử Giáo phận Bùi Chu đã có cuộc tấn phong Giám mục của Đức Cha Thánh Vinh trong hầm kín tại nhà ông Huyện Hinh (Ninh Cường) với mũ giấy gậy tre, nay lại có cuộc tấn phong Giám mục của Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh cũng "hoành tráng" không kém.
Lm. Jos. Thanh Bình
Trích tạp chí Tâm Thiện, kỳ 9