Cha Gioakim Vũ Cao Đường: "Biết đọc biết viết"
Thứ tư - 28/10/2015 23:12
2995
Sau biến cố 1954, trong số hơn hai chục cha còn ở lại trong giáo phận Bùi Chu, thì cha già Đường là bậc vị vọng, uyên thâm hàng đầu. Lúc đó ngài coi sóc 3 giáo xứ: Sa Châu, Ngưỡng Nhân, Hoành Nhị, đôi khi phải “hộ tống” cho cha già Sỹ (Thức Hóa) và cha già Trụ (Du Hiếu) vì 2 cha quá già yếu. Thời Đức cha Đaminh Lê Hữu Cung làm giám mục giáo phận, cha được bầu là cha chính giáo phận.
Cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 1960, gặp lúc cha già Sỹ ốm mệt, phải nhờ cha già Đường xuống làm phúc (tĩnh tâm) ở Thức Hóa một tuần.
Một buổi chiều, có 3 cán bộ từ xã Giao Châu đi 2 chiếc xe đạp đến tận Thức Hóa gặp cha để ghi lý lịch vào danh sách Điều tra. Sau khi ghi xong các mục cần thiết như họ tên, năm sinh, quê quán…Đến mục trình độ văn hóa, cha khai: “Biết đọc biết viết”. Ba cán bộ nhìn nhau, một người vặn lại: “Cụ là linh mục mà khai là biết đọc biết viết, làm sao chúng tôi dám ghi vào. Bây giờ người dân họ đi học bình dân học vụ có mấy tháng, đã là biết đọc biết viết rồi!”. Cha cười nhạt: “Các ông nhầm rồi, như thế là họ mới đọc được chữ, viết được chữ, chứ làm sao họ đã biết đọc biết viết. Các ông tưởng biết đọc biết viết là dễ lắm à !”. Ngài chỉ vào bản điều tra các cán bộ vừa ghi: “Đây này, tôi là linh mục, các ông lại ghi là “ninh mục” như thế các ông đã biết đọc biết viết chưa ?”. Lúc đó ba cán bộ dịu giọng: “Xin cụ cứ “ướm” trình độ khoảng lớp mấy để chúng tôi ghi vào cũng được”. Cha trả lời: “Bây giờ tôi không đi học nữa, các ông cũng cứ “ướm” mà ghi vào”.
Quá nửa thế kỷ rồi mà lời nói của cha già cố Gioakim Vũ Cao Đường như luôn nhắc nhở tôi phải học tập tu luyện trong cách viết, cách đọc. Viết làm sao để “ngắn không thiếu, dài không thừa”; viết làm sao để người khác dễ đọc dễ hiểu, viết làm sao mà khen không phải là “nịnh bợ”, chê không phải là “lên án”, người được khen không tự mãn, người bị chê không tủi hờn. Đặc biệt trong lĩnh vực Truyền thông Công giáo: Viết làm sao để đem Chúa đến cho mọi người bằng cách “Đưa vào mạng xã hội Lời Ngài dù một câu cũng vừa” (ca khúc Niềm vui Truyền thông). Viết làm sao để không phải “ôm” cả một đọan Lời Chúa đưa vào mà vẫn toát lên được hết tâm tình của đoạn Lời Chúa mình muốn trưng dẫn, để bậc thượng trí không cảm thấy “nhạt”, người bình thường vẫn cảm nhận được.
Vấn đề “biết đọc” cũng nhiêu khê không kém. Mạng xã hội hiện nay có triệu triệu cái để đọc, nhưng đọc cái gì, đọc với mục đích gì, phân biệt được cái mình đọc hữu ích hay độc hại. Điều này buộc người đọc phải có sự tỉnh táo, cân nhắc. Đọc xong cần điểm lại xem người viết gửi tới người đọc thông điệp gì, mình đã “thưởng thức” được chất bổ, hay “uống” phải thuốc độc…
Lại còn cách đọc nữa! Đọc phải phân câu chiết cú, sạch quê, đúng phong cách đọc từng nơi, từng lúc: đọc Kinh Thánh trên giảng đài khác, đọc lời chúc mừng khác, đọc lời phân ưu trong đám tang khác, đọc diễn văn khác với đọc thơ, đọc chuyện… Ối giời ơi! Thật quá khó!
“Khó” không có nghĩa là “không làm được”, nếu cố gắng học hỏi, tập viết, tập đọc nhiều, ắt kết quả mỗi ngày một khá hơn.
Cảm ơn Cha già cố Gioakim Vũ Cao Đường đã dạy chúng con bài học chỉ với 4 chữ, để chúng con suy ngẫm và học tập suốt đời.
Tác giả: Đaminh Đinh Năng