Tri ân các Đức Cố Giám Mục Bùi Chu
Thứ hai - 17/08/2015 08:51
7835
Cách đây đúng hai năm, hết mọi con tim thuộc Giáo phận Bùi Chu ngậm ngùi trước tin Đức Cha Cố Giuse Hoàng Văn Tiệm (1938-2013), đột ngột qua đời sau 12 năm trong cương vị chủ chăn (2001-2013). Gia đình Giáo phận rơi vào cảnh tang chế. Một mặt, tất cả chỉ biết hiệp ý cầu nguyện để phó thác người cha chung cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, mặt khác luôn sát bên vị kế nhiệm, Đức Cha Tôma để cùng với ngài lo tổ chức an táng cách chu đáo.
Giờ đây khi có dịp nhìn lại 6 đời chủ chăn người bản xứ, chúng ta mới thấy được sự quan phòng cách nhiệm màu của Thiên Chúa đối với gia đình Giáo phận.
Có thể nói người đặt nền móng cho tòa nhà Giáo phận theo mô hình đậm chất Việt là vị Giám mục tiên khởi, Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948). Trong suốt 13 năm coi sóc giáo phận bắt đầu từ năm 1935 cho đến lúc qua đời vào ngày 27/11/1948, với kiến thức uyên bác thuộc giới nhân tài của miền đất Cố Đô Huế, ngài đã làm cho hạt giống đức tin do các đấng tiền nhiệm ngoại quốc gieo vãi càng bén rễ sâu vào mảnh đất Bùi Chu để trổ sinh hoa trái trong môi trường thuần phong mỹ tục mang nét Việt Nam.
Trên nền móng vững chãi ấy, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (1909-1988) là người xây dựng và tô điểm cho tòa nhà Giáo phận thêm mỹ miều. Với những nén bạc giá trị của kiến thức thu lượm được trong thời gian du học tại Rôma và Paris, Đức Cha Phêrô làm cho chúng sinh lời trong cương vị người quản lý tài ba và trung tín được cất nhắc trông coi Giáo phận bắt đầu từ lúc tấn phong giám mục vào ngày 04/08/1950 cho đến biến cố di cư vào năm 1954, đặc biệt đối vấn đề nhân sự của Giáo phận.
Một điểm chung nơi hai vị chủ chăn đầu tiên này là đều sinh ra ở ngoài Giáo phận Bùi Chu: Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn sinh tại Ba Châu, Huế và Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi sinh tại Tôn Đạo, Phát Diệm.
Sau biến cố 54, thời thế trở nên khó khăn. Lúc này, con thuyền Giáo phận lần lượt được trao phó cho những vị chủ chăn sinh ra tại chính mảnh đất Bùi Chu.
Người đầu tiên là Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, sinh ngày 31/07/1917 tại giáo xứ Quần Cống. Sau di cư, việc điều hành Giáo phận Bùi Chu được trao lại cho ngài trong tư cách Linh mục Tổng Đại Diện. Điều đầu tiên mà ngài nghĩ đến là đào tạo thợ gặt cho cánh đồng Giáo phận. Chính vì vậy, Chủng viện Mẫu Tâm được thành lập và vào trung tuần tháng Chín 1955 đã mở cửa tiếp nhận hàng trăm chủng sinh. Ngay khi được tấn phong giám mục vào ngày 10/11/1960, hơn hai tuần sau, vào ngày 27/11/1960, ngài đã truyền chức linh mục cho bốn thầy giảng để tiếp tục duy trì công việc mục vụ trên địa bàn rộng lớn vốn bị thiếu hụt sau di cư. Tiếp đến những hạt giống ơn gọi được ươm tại Chủng viện Mẫu Tâm do Đức Cha dầy công chăm sóc không ngừng triển nở. Nhờ vậy, vào ngày 08/12/1963, dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, quan thầy đệ nhất của Giáo phận, Giáo phận đã có được những hoa trái đầu mùa là 29 tân chức linh mục. Các vị mục tử này trong suốt nhiều thập niên của những thời điểm khó khăn nhất đã kề vai sát cánh cùng các Đức Giám Mục kế vị gánh vác những trọng trách của Giáo phận. Chính vì thế đời sống đạo tại các giáo xứ không bị ngưng trệ.
Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh qua đời vào ngày 11/02/1974 ở tuổi 57 sau hơn 13 năm coi sóc Giáo phận.
Những hạt giống còn lại bị bứng khỏi vườn ươm Mẫu Tâm sau khi chủng viện bị đóng cửa đã được vị kế nhiệm là Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung, sinh năm 1898 tại giáo xứ Phú Nhai, gom lại để tự tay mình chăm sóc và cũng đơm bông kết trái được thêm 11 mục tử nữa cho Giáo phận.
Từ lúc được tấn phong giám mục vào ngày 29/06/1975 cho đến khi qua đời vào ngày 12/03/1987, Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung đã có gần 12 năm coi sóc Giáo phận.
Vị chủ chăn tiếp theo, Đức Cha Giuse Vũ Duy Nhất, sinh ngày 15/11/1911 tại giáo xứ Sa Châu. Năm 1987, ngài trở thành Giám mục Chính tòa Bùi Chu khi đã ở tuổi 76, và trước đó đã có 9 năm làm Giám mục Phó (được bổ nhiệm giám mục ngày 04/07/1979 và được tấn phong giám mục ngày 08/08/1979). Lúc này việc đào tạo ơn gọi linh mục đã trở nên khẩn thiết, nhưng lại ngặt vì nỗi không có một nơi nào để đào tạo từ khi chủng viện Mẫu Tâm bị đóng cửa. Cũng từ đó, lễ truyền chức linh mục thực sự trở nên xa lạ với công đoàn Dân Chúa ở Bùi Chu. Phải chờ đợi trong suốt 34 năm kể từ lễ truyền chức linh mục lần cuối cùng vào ngày 08/12/1963, giáo dân nơi đây mới được chính thức tham dự lễ truyền chức của 6 ứng viên chức tư tế do Đức Cha Giuse Vũ Duy Nhất cử hành vào ngày 03/10/1997.
Trước nhu cầu mục vụ gia tăng và con số muốn đi tu bị ùn tắc ngày một nhiều, Đức Cha Giuse đã âm thầm chuẩn bị nhân sự cho Giáo phận bằng cách gửi gắm trên dưới 100 người trẻ trong số đó vào Sài Gòn để được Đức Ông Gioan Trần Văn Hiến Minh và các cha gốc Bùi Chu trong đó trực tiếp đào tạo. Nhờ nhìn có tầm nhìn xa trông rộng của ngài, đội ngũ các thợ gặt của Bùi Chu được dồi dào như hôm nay.
Phaolô trồng, Apôlô tưới, Thiên Chúa làm cho lớn lên (x. 1 Cor 3, 6)
Người được mệnh danh là Apôlô của Giáo phận Bùi Chu không ai khác ngoài Đức Cha Cố Giuse Hoàng Văn Tiệm (1938-2013). Sinh năm 1938 tại giáo xứ Nam Phương, ngài được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Bùi Chu vào ngày 04/07/2001 và lễ tấn phong giám mục được cử hành vào dịp Lễ Cha Thánh Đaminh, quan thầy giáo phận, ngày 08/08/2001.
Trong suốt 12 năm coi sóc, Đức Cha Cố Giuse đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân sự và đặt một dự phóng bền lâu cho Giáo phận. Một mặt, ngài liệu cách sao cho đội ngũ được tạo âm thầm trong Sài Gòn từ thời vị tiền nhiệm sớm có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ to lớn trong giáo phận, mặt khác ngài hướng xa hơn bằng cách tính đến gửi một số trong đó đi du học tại Phi Luật Tân, Nhật Bản, Pháp và Rôma. Bên cạnh đó, về mặt cơ sở vật chất, ngài cố gắng sắp xếp sao cho một Đại Chủng Viện sớm được hoàn thành để có thể trực tiếp đào tạo thợ gặt cho cánh đồng giáo phận.
Nhờ bàn tay chăm sóc của ngài, đội ngũ linh mục giáo phận tăng đột biến và đạt tới con số 186 như hiện nay. Những đóng góp của ngài cho gia đình Giáo phận Bùi Chu quả là to lớn.
Ngày nay, các công việc mục vụ, cách sắp xếp và tổ chức trong giáo phận, cũng như công việc đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ càng được củng cố và kiện toàn hơn với Đức Cha Tôma đương kim.
Di sản mà các Đức Cố Giám Mục để lại cần được mỗi thành viên trong gia đình Giáo phận trân trọng và làm triển nở, đồng thời được mời gọi trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoành cảnh cuộc đời, đặt niềm tin tưởng vào một Thiên Chúa đầy yêu thương và quan phòng, « vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được ». (Lc 1, 37).
Ngày 17 tháng 08 năm 2015
Tăng Kỳ Mục