Nam Lạng, điểm đến hy vọng!
Thứ tư - 14/12/2022 20:56
1539
Nhiều người trên thế giới đang say sưa trong không khí bóng đá tại Qatar, nơi hàng tỷ đô la đã được đổ ra dưới mọi hình thức để làm nên một trong những kì Worldcup tốn kém bậc nhất lịch sử. Dường như mọi ánh mắt, mọi con tim của những tín đồ bóng đá đều đang đổ dồn về những trận đấu cuối cùng của giải đấu, dù trực tiếp hay chỉ qua màn hình nhỏ, để cùng hòa quyện trong những cung bậc cảm xúc kì diệu với chỉ một trái bóng tròn. Trong một thế giới toàn cầu hóa, cùng sự phát triển tột bậc của công nghệ truyền thông và mạng xã hội, Worldcup đã trở thành một sàn diễn không chỉ của riêng các cầu thủ, nhưng còn là đấu trường của các quốc gia, các chính trị gia và của các nhà tài phiệt, để vẽ lên cho mọi người một “bức tranh ảo” về một thế giới phát triển đại đồng, nơi dường như chẳng còn đói nghèo, chẳng có khổ đau mà sự thật thì không phải thế….
Tuy nhiên, khi một kì Worldcup dần khép lại, thì ở bên kia thế giới, Giáo hội vẫn đang âm thầm sống trong tâm tình của những tuần cuối của Mùa Vọng, đón chờ mầu nhiệu Giáng Sinh. Giáo hội vẫn tiếp tục cho đi, tiếp tục mở ra với thế giới nơi những công việc không biết mệt mỏi với hy vọng chữa lành những vết thương, san phẳng những thung lũng, những hố ngăn cách của đói nghèo, của đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần nơi những con người đang leo lét giữa một thế giới thiếu hy vọng trong một xã hội tưởng như đầy hy vọng. Mùa Vọng không chỉ là thời gian sống tâm tình của niềm hy vọng, nhưng còn là thời gian để diễn tả niềm vui và trao ban niềm hy vọng bằng những hành động cụ thể mà chúng tôi, những chủng sinh, luôn được mời gọi trở thành những cộng tác viên của Chúa và Giáo hội, để trao ban một chút hơi ấm của Chúa cho những tâm hồn đang cần lắm một đôi tay và một trái tim….
Con người là một sinh vật hy vọng. Con người hiện hữu và sự hiện hữu chỉ còn ý nghĩa khi còn có niềm hy vọng. Chúng tôi là những chủng sinh đang được đào tạo để trở thành những người có niềm hy vọng và chuyên chở niềm hy vọng đến cho người khác, nhất là giữa một thế giới đang cần lắm những đôi tay rộng mở, những trái tim nồng ấm của niềm tin và hy vọng. Hành trình ơn gọi của chúng tôi có lẽ được đan kết bởi những chuyến đi, nhưng mỗi chuyến đi “được goi là bác ái” luôn là những chuyến đi để lại trong chúng tôi những bài học quý giá nhất. Đó không chỉ là cơ hội để chúng tôi trao ban và cho đi một chút yêu thương, một chút hy vọng cho những con người, những nơi mà chúng tôi được đến, dù đó chỉ là những đốm lửa nho nhỏ giữa mùa đông giá rét của tình người mà thôi, nhưng hơn hết, đó lại trở thành một dịp để chúng tôi nhận ra chính chúng tôi cũng là những người “được trao hy vọng, được làm bác ái” bởi những con ngươi mà chúng tôi gặp gỡ, vì nơi họ luôn có một niềm hy vọng, một niềm tin đang họa lại hình ảnh một Đức Ki-tô đang sống và đang khao khát đến và ở với nhân loại.
Chuyến thăm mục vụ bác ái lần này của anh em lớp thánh Phê-rô Nguyên Văn Tự là Giáo xứ Nam Lạng, giáo xứ vẫn được gọi lái là “năm lạng” hay “nửa cân”, một giáo xứ tuy không lớn về mặt nhân danh nhưng lại được trải rộng trên một địa bàn khá rộng với 5 xã, nơi mà nếu nhìn trên bản đồ thì giống một “bán đảo nhỏ” giữa những cánh đồng và những con sông. Với nhiều anh em thì cảm nhận trong lần đầu tiên đặt chân tới đây là một cảm giác “lạ”, nhưng với một vài anh em đã từng đến đây thì lại là môt cảm giác “khác xưa” vì nơi đây, một bầu khí mới dường như đang nhen nhúm và lan tỏa nơi gia đình giáo xứ nhỏ bé này, nhất là trong bầu khí đầy vui tươi và hy vọng chuẩn bị đón mừng Đại lễ Giáng Sinh mà cha xứ và mọi thành viên đang nô nức chuẩn bị mà nơi đó không thiếu những tiếng cười và bầu khí gia đình….
Anh em chúng tôi, dưới sự hường dẫn, sắp xếp của cha xứ và quý ông trong ban hành giáo, được đến thăm một số gia đình, một số hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật với tâm thế không chỉ để cho đi mà là để được nhận lại chính niềm hy vọng, chính niềm tin mà mỗi anh em chúng tôi đang hun đúc cho sứ vụ trong tương lai. Dẫu chỉ là một góc khuất của một thế giới đầy những góc khuất, nơi vẫn còn nhiều lắm những phận người cần đến nền văn hóa quan tâm, dẫu chỉ là những món quà thật đơn sơ, những lời động viên, thăm hỏi dù nhỏ bé nhưng chân thành và chan chứa niềm hy vọng của mỗi người anh em, cùng với những chia sẻ, những kinh nghiệm đức tin đầy sống động của những phận người mà chúng tôi gặp gỡ, dẫu chỉ là những giây phút ngắn ngủi được gặp, được cảm thông… nhưng nơi mỗi người mà chúng tôi gặp gỡ, chúng tôi đều nhận ra niềm hy vọng, niềm tín thác lớn lao của họ vào một Thiên Chúa yêu thương, quan phòng. Từ đó, chúng tôi cũng nhận ra sự đa dạng của đau khổ đang giăng mắc không chỉ trên thân xác,mà cả trong tâm hồn, nơi những kiếp người, nhưng vượt lên trên những đau khổ ấy là một sự phong nhiêu của niềm hy vọng mà qua chia sẻ chúng tôi nhận ra nơi chính những con người đang phải chịu những hoàn cảnh, những bệnh tật hay những đau khổ, để rồi chính chúng tôi lại học được nơi những con người ấy niềm hy vọng, sự tín thác mà đôi khi hay nhiều lúc trong cuộc đời, nhất là khi chưa phải trải qua nhiều đau khổ, chúng tôi không thể sống và cảm nhận được, thậm chí lãng quên và cũng bị cuốn vào vòng xoáy của một thế giới ảo đầy dẫy những cạm bẫy và vũng lầy êm ái của tội lỗi và đam mê…
Một Mùa Vọng lại sắp qua đi và không khí Giáng Sinh đang tràn ngập trên mọi nẻo đường, chúng tôi lại trở về với thực tại của cuộc sống chủng sinh, nhịp sống nơi chúng tôi đang được đào tạo và tự đào tạo để trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Chuyến đi bác ái Mùa Vọng dù ngắn ngủi, nhưng chúng tôi đã đến để sống cùng một phần nào đó của bức tranh toàn cảnh một giáo xứ, một giáo hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Ki-tô với những chi thể vẫn còn đầy những thương tích cần được chữa lành. Chuyến đi sẽ để lại trong lòng mỗi anh em chúng tôi những cung bậc khác nhau của cảm xúc, của tình yêu và của sự cảm thông đầy tình người, tình Chúa, nhất là sẽ trở thành những bài học, hành trang quý báu cho hành trình trở nên trong tương lai, nơi sứ vụ đang chờ đón chúng tôi trong một thế giới tưởng như không có đau khổ nhưng còn đầy khổ đau và ngày càng có một hố sâu ngăn cách giữa con người với con người.
Nơi cha xứ và giáo xứ Nam Lạng, nếu một cha giáo quê hương đã ví Nam Lạng như một đống lửa đang âm ỉ, chỉ chờ một người đến để thổi bùng nó lên, thì có lẽ cha xứ Giuse đang cùng với thầy xứ và mọi người thổi bùng lên ngọn lửa đang âm ỉ ấy, để mỗi ngày ngọn lửa đức tin nơi giáo xứ được tỏa sáng và lan tỏa đến mọi người xung quanh, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Chúng con cảm ơn cha xứ, cảm ơn giáo xứ đã giúp chúng con được đến, được nhận và được học hỏi rất nhiều….
Nơi Chúng con cũng muốn nói lên lời cám ơn và niềm hy vọng nơi cha chủ nhiệm Phao-lô, một vị mục tử trẻ và tràn đầy niềm vui, đã cùng đồng hành và nâng đỡ anh em chúng con, nhất là luôn thắp lên ngọn lửa hy vọng nơi anh em chúng con. Ước mong với sự đồng hành của cha, đống củi nhỏ là tập thể lớp, nơi 16 anh em như, những ngọn lửa có thể đang leo lét sau một năm giúp xứ, sẽ được thổi bùng lên và có thể tỏa sáng trong khả năng và bổn phận của mình để mỗi ngày một vững bước trên đường tu….
Và cuối cùng, sau chuyến viếng thăm mục vụ này, “đi thật xa để trở về”, để nhận ra những vùng ngoại biên cũng đang cần được thắp lên niềm hy vọng, cần được quan tâm đó chính là những người thân trong gia đình, trong lớp và trong môi trường sống xung quanh, những người cũng đang đặt nhiều niềm hy vọng và đang phải vất vả nhiều vì tương lai mỗi anh em. Để rồi ngọn lửa của niềm tin và niềm hy vọng sẽ luôn được lan tỏa và sưởi ấm một thế giới đang cần lắm hơi ấm của niềm tin và tình yêu hy vọng, nhất là chính mỗi người cũng nhận ra nơi sâu thẳm tâm hồn mình còn đầy góc khuất của những vùng ngoại biên đang khát hơi ấm của Chúa Hài nhi, để mỗi anh em biết chuẩn bị một tâm hồn xứng đáng cho Chúa đến ở giữa và biến đổi cuộc đời….