Ave Maria
Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba với biết bao thách đố nhưng cũng chứa chan hy vọng. Thế giới hôm nay đang mở ra cho chúng ta rất nhiều kỳ vọng và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Giáo hội muốn đồng hành với tất cả mọi người hầu xây dựng thế giới giàu đẹp, huynh đệ, công bằng và yêu thương. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng ta cần phải đặt mối quan tâm hàng đầu tới các bạn trẻ vì họ là tương lai của đất nước và Giáo hội. Chính vì thế, Giáo hội đã dành riêng năm 2017 cho các bạn trẻ với chủ đề “chuẩn bị cho người hội hôm nay trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình”. Vậy mỗi chúng ta đang có thao thức gì cho các em, trước những thách đố của xã hội hôm nay? Trong bài viết này, người viết xin cùng các bạn suy tư một chút về đề tài: “Đồng hành thiêng liêng với giới trẻ” với ước mong được hiểu biết về người trẻ hơn, hầu có thể đồng hành với họ đặc biệt trong đời sống tâm linh.
I. Thực trạng về đời sống đức tin và đạo đức nơi người trẻ
1. Những vần đề bức thiết của người trẻ hôm nay
Nhân loại chúng ta đang bước vào thế kỷ XXI- một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên toàn cầu hóa hay thời đại văn minh trí tuệ. Toàn cầu hóa đang thổi một luồng gió mới vào thế giới đương đại mang lại cho con người, đặc biệt là các bạn trẻ rất nhiều cơ hội vươn lên và thăng tiến. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng mừng ấy, làn gió toàn cầu hóa cũng để lại một chứng khí rất độc hại cho giới trẻ hôm nay. Đó là tình trạng suy đồi về đời sống đạo đức, nhất là đời sống tâm linh.
Thực vậy, nhiều bạn trẻ hôm nay đang sống đức tin một cách rất hời hợt. Họ tỏ ra thờ ơ với việc đi lễ, đi nhà thờ vì họ cho đó là một việc làm vô bổ, mất thời giờ hoặc có đi thì căn ke từng phút theo kiểu “Cha ra con vào, Cha vào con ra”. Trong thánh lễ thay vì lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe cha giảng thì họ ngồi nói chuyện hoặc dùng điện thoại nhắn tin hay vào facebook để chát chít với nhau…; Số người trẻ có mặt tại các lớp giáo lý ở một số xứ đạo ngày càng ít đi . Đối với đa số các bạn trẻ học giáo lý là chỉ để lãnh các bí tích mà thôi nên khi lãnh các bí tích khai tâm xong thì phần đông các em đã từ bỏ môi trường giáo lý. Mãi đến lúc lập gia đình họ lại trở lại với lớp giáo lý như một điều kiện để được lấy vợ, lấy chồng. Những lớp giáo lý ấy thường rất ngắn, chỉ một tháng hay vài tuần thậm chí chỉ một tuần, có thể còn ngắn hơn nữa. Do đó có thể nói rằng kiến thức giáo lý nền tảng nơi các bạn trẻ còn rất hạn chế nếu không muốn nói là rất kém so với những kiến thức khác.Vì thế, việc khủng hoảng trong đời sống đức tin của người trẻ đang là một nguy cơ đáng lo ngại cho giáo hội.
Việc khủng hoảng đức tin dẫn đến việc các bạn trẻ hôm nay đang đánh mất đi định hướng cho cuộc đời. Tâm trạng thường gặp thấy nơi người trẻ hôm nay là: chán nản, bất mãn với hiện tại, hoang mang lo lắng cho tương lai, không còn niềm tin vào cuộc sống, họ sống mà chẳng có chút hào hứng nào. Bởi không có niềm tin, không có lý tưởng nên người trẻ thường coi thường đạo đức. Chủ nghĩa tục hóa và thực dụng đã và đang ăn sâu vào từng con người khiến họ không đủ can đảm thoát khỏi chính mình để sống theo những tiêu chuẩn đạo đức. Vì thiếu đạo đức nên các thanh niên thường có những biểu hiện vô lỷ luật, coi thường luật pháp, chẳng biết kính trên nhường dưới, sống phóng đãng chiều theo những thú vui nhục dục như nạn sống thử, nghiện ngập, ly hôn, bạo lực[1]…Đặc biệt do ảnh hưởng của văn hóa phương tây và sự xâm nhập một cách mạnh mẽ đặc biệt từ phim ảnh, internet, văn hóa phẩm đồi trụy, cùng với sự tiếp thu một cách lệch lạc đã khiến cho một bộ phận không nhỏ nơi giới trẻ có những quan niệm sai lầm, lẫn lộn giữa tình yêu và tình dục. Tình yêu dường như đã bị họ đánh đồng với tình dục. Họ cho rằng để đi tới hôn nhân cần phải sống thử, hợp thì lấy, không hợp thì bỏ. Họ đâu nghĩ rằng hành động đó đã xúc phạm lớn lao tới phẩm giá của hôn nhân, phẩm giá của con người. Họ đã biến con người thành một đồ vật và hôn nhân trở thành một trò chơi “trẻ không chơi thì già hối hận”. Chính não trạng này đã đưa người trẻ đến lối sống “yêu cuồng sống vội” hay người ta còn gọi là “mì ăn liền” và đã để lại biết bao hậu quả đáng tiếc như phá thai ngoài ý muốn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam năm 2013 có khoảng 44% người trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân[2] và theo thống kê của hội kế hoạch hóa gia đìnhViệt Nam năm 2013 cho thấy tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tăng cao. Mỗi năm có khoảng 700.000 ca nạo hút thai trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên. Những con số trên phần nào phản ánh lý tưởng và giá trị sống của người trẻ hôm nay[3].
2. Những dấu chỉ lạc quan về người trẻ hôm nay
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề bức thiết chúng ta cũng vẫn còn những dấu chỉ để sống lạc quan và hy vọng. Người trẻ hôm nay tỏ ra nhạy bén trong những lĩnh vực mới mẻ như tin học, kỹ thuật số, chế tạo rôbốt, mạng lưới toàn cầu… Họ mau chóng nắm bắt thành quả của công nghệ hiện đại, nâng cao kiến thức và giúp ích cho đời . Tinh thần hiếu học rất lớn nhờ truyền thống cha ông để lại. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ vẫn giữ vững đức tin trước những thử thách cám dỗ. Nhiều bạn bạn trẻ vẫn chịu khó tham dự thánh lễ Chúa Nhật, siêng năng học hỏi Lời Chúa, giáo lý, tích cực tham gia các hội đoàn, các phong trào Công giáo… rất nhiều bạn trẻ đang dấn thân cho sứ vụ gieo trồng đức tin qua những lý tưởng cao đẹp trong các Hội dòng, Chủng viện[4]…Cách nào đó các bạn đang làm cho khuôn mặt Đức Kitô được tỏa sáng trong mọi lãnh vực.
Sau khi điểm qua một vài thời sự về giới trẻ hôm nay chúng ta thấy vẫn còn dấu hiệu cho sức trẻ và tiềm năng của xã hội và Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi trăn trở và ưu tư trước những dấu hiệu sa sút và những thách đố chồng chất mà người trẻ đang và sẽ đối diện. Thiết nghĩ, việc đồng hành thiêng liêng với giới trẻ là một việc tối cần để có thể giúp họ tìm kiếm ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời.
II. Một vài gợi ý về việc đồng hành thiêng liêng với giới trẻ
Xã hội và Giáo hội luôn đặt kỳ vọng nơi các bạn trẻ,vì một tương lai tươi sáng của Giáo hội, vì một tiền đồ vững chắc của dân tộc. Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh việc giáo dục thế hệ trẻ như một sứ mệnh cấp thiêt của Giáo hội: “Quả thực hoàn cảnh của thời đại chúng ta làm cho việc giáo dục thanh thiếu niên ngay cả việc tiếp tục huấn luyện giới trưởng thành, trở nên ngày một dễ dàng và khẩn cấp hơn”[5]. Thực vậy, tuổi trẻ được ví như một chiếc bình sành tuy sáng bóng và rất đẹp nhưng lại cũng rất mong manh, có thể vỡ toang bất cứ lúc nào. Hơn bao giờ hết, họ cần được yêu thương, hướng dẫn và nhất là đồng hành thiêng liêng. Bàn về vấn đề “đồng hành thiêng liêng với giới trẻ” có lẽ các bậc cha anh đi trước sẽ có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ. Đây không phải là một vấn đề mới của Giáo hội hoàn vũ nhưng với Giáo hội Việt Nam thì có thể nói rằng đây chỉ là những bước dò dẫm hầu đáp ứng nhu cầu thực tế nên còn rất giới hạn và khiêm tốn. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận các công tác đồng hành thiêng liêng với giới trẻ tại các giáo phận, giáo xứ, các dòng tu… rất tốt và rất mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn chưa có tính cách đồng bộ và thống nhất, chưa đi sát với cuộc sống thực tế của các bạn trẻ, thậm chí đôi khi còn chú trọng nhiều đến hình thức bề ngoài. Theo suy nghĩ cá nhân người viết, để việc đồng hành thiêng liêng với các bạn trẻ được tốt thì cần có những hoạch định cụ thể. Dưới là một vài gợi ý về việc đồng hành thiêng liêng với giới trẻ hôm nay.
1. Phương pháp đồng hành 1.1. Sống đức tin
Người đồng hành cần giúp các bạn trẻ sống đức tin bằng việc năng tham dự thánh lễ, thực hiện việc đọc kinh sáng tối; tham gia những sinh hoạt trong giáo xứ; thực hành phút hồi tâm; tham gia những buổi tĩnh tâm, hành hương, hoặc linh thao… Mời gọi khuyến khích các em nhất là các em sinh viên tham gia các phong trào công giáo như sinh viên Công giáo, linh hoạt viên, giáo lý viên, nhóm mùa hè xanh, bảo vệ sự sống, nhóm tình yêu trong sáng… để sau những ngày tháng học tập các em trở về mang theo những điều đã được học hỏi giúp cho đời sống đức tin phát triển tại quê hương của mình. Bên cạnh đó cần mạnh dạn phát triển những mô hình mới, những “sân chơi” lành mạnh như các câu lạc bộ, tổ chức những buổi giao lưu, học hỏi, thuyết trình về đức tin, thành lập các nhóm phục vụ và nhóm chia sẻ Lời Chúa…để các em không những có cơ hội củng cố đức tin mà còn học hỏi giao lưu học hỏi lẫn nhau. Tổ chức những chuyến đi tông đồ hoặc từ thiện để các em có cơ hội tiếp cận với thực tế hầu mang lại những giá trị sống thật. Đó cũng là cách rèn luyện những giá trị đạo đức tốt đẹp vốn là hành trang nhân bản không thể thiếu của bạn trẻ Kitô hữu khi bước vào đời. Đồng thời cần đổi mới phương pháp học giáo lý sao cho hợp thời và hấp dẫn hơn như học giáo lý qua học giáo qua Gameshow, Youcat, forum giáo lý….
1.2. Trưởng thành nhân cách
Không chỉ sống đức tin, người đồng hành cần giúp cho các bạn trẻ sống nhân cách bằng việc gần gũi thân thiện để hướng dẫn các em, nhất là nêu gương sáng về đời sống đạo đức thật sự cho giới trẻ và giới thiệu những mẫu gương sống tốt nơi người trẻ vì “lời nói gió bay, gương lành lôi cuốn”. Mặt khác, người đồng hành cũng cần bắt kịp nhịp sống của các em qua việc cập nhật những thông tin hằng ngày, nghiên cứu những khám phá của khoa học trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là là tâm lý học về nhịp sống trẻ trước những thay đổi không ngừng của thế giới xung quanh.
2. Bầu khí đồng hành
Ngoài việc giúp giới trẻ sống đức tin nhà đồng hành để ý đến một yếu tố tối cần và rất quan trọng quyết định kết quả của việc đồng hành thiêng liêng đó là bầu khí đồng hành. Vậy đâu là bầu khí đồng hành tốt?
Trước hết nhà đồng hành cần tạo sự gần gũi, yêu thương, tin tưởng để các em dễ dàng đến chia sẻ và thực hành những điều chỉ dẫn mà vị linh hướng đưa ra. Để thực hành được điều này nhà đồng hành cần phải hòa mình với giới trẻ như một người bạn như cùng ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi với họ…. Tuy nhiên, người đồng hành “hòa mình” chứ không “hòa tan”. Đôi lúc người đồng hành cũng cần phải có thái độ cương quyết để các em biết tôn trọng kỷ cương và những quy định của tập thể. Tuy nhiên, người đồng hành cần lưu ý cương quyết chứ không phải nghiêm khắc. Chẳng hạn, có những em bụi đời hay những em học sinh cá biệt thì không những dùng kỷ luật mà còn phải gần gũi, thuyết phục. Có những trường hợp đặc biệt rất cần thấu hiểu nguyên nhân sâu xa để cảm thông và nâng đỡ. Cần trang bị cho các em nhất là các sinh viên sự quân bình giữa kiến thức học đường và kỹ năng sống. Ngoài ra, người đồng hành cần có thời gian và kiên nhẫn lắng nghe những nhu cầu của giới trẻ để hiểu và cảm thông với các em hơn. Bởi vì mỗi em là một nhân vị có một lịch sử riêng cần được trân trọng và khám phá, có những tổn thương cần được chữa lành . Đó chính là huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã ghi dấu nơi các em. Cần giản dị, gần gũi và yêu thương các em như một người cha người mẹ, người bạn sống cùng, sống với để các em xem mình là chỗ dựa cho các em trong mọi lúc. Cần nhạy bén trước những nhu cầu của các em, đi bước trước để các em chia sẻ. Mặt khác, muốn hiểu các bạn trẻ, người đồng hành cần tìm hiểu tâm lý lứa tuổi; nỗ lực mà các em vươn tới; thái độ phản ứng của các em trước những điều xảy ra trong cuộc sống; sở thích nhu cầu cũng như lý tưởng của các em để giúp các em vượt qua những khủng hoảng và vượt qua những khó khăn thử thách. Để làm được điều này, người đồng hành cần có ơn Chúa Thánh Thần để biết mình phải làm gì và học nơi mẫu gương đồng hành của Chúa Giêsu - người đồng hành đại tài.
3. Viễn tượng đồng hành
Trong việc đồng hành với các bạn trẻ chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tìm ra những phương cách đồng hành trong hiện tại nhưng còn phải hướng đến tương lai. Vậy đâu là những viễn tượng đồng hành mà chúng ta cần nhắm đến? Thiết nghĩ trong tương lai cần có những khóa học đồng hành với người trẻ để học hỏi, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm thực tế và đào tạo thêm nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm trong việc đồng hành với giới trẻ. Bên cạnh đó cũng cần tạo điều kiện để có những lưu xá dành cho các bạn trẻ đi học hoặc đi làm xa nhà có điều kiện sống chung với nhau, giúp nhau bớt đi những cám dỗ, cạm bẫy và đồng cảm nâng đỡ nhau, phát triển đời sống luân lý và đức tin. Mặt khác việc sống chung như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc hướng dẫn và đồng hành. Ngoài ra, nhà đồng hành cũng nên mở những lớp đào tạo kỹ năng sống cho người trẻ, hướng nghiệp và những giai đoạn đặc biệt như chuẩn bị lập gia đình, những lớp giáo dục giới tính cho người trẻ, hoặc tư vấn Oline, các trang mạng xã hội, khuyến khích các em viết sách báo, đồng thời giúp các em biết cảm thụ cái hay cái đẹp, cái thanh cao của cuộc sống. Chẳng hạn nhà đồng hành có thể giới thiệu những bản nhạc, bức họa, tác phẩm văn chương, cuốn sách nổi tiếng…để giúp các bạn trẻ khám phá và say mê những vẻ đẹp bất hủ, những thú vui tao nhã và đào tạo một tâm hồn hướng thiện.
III. Kết luận
Qua những gì vừa trình bày trên cho thấy, đồng hành thiêng liêng với giới trẻ đang là một nhu cầu cấp bách và khẩn thiết cho Giáo hội và thế giới đang sống trong một thời đại biến chuyển như vũ bão về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin… với những thách thức tích cực lẫn tiêu cực; cách riêng trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hôm nay. Chúng ta cần ý thức rằng: tiếng kêu cứu của người trẻ giữa những thách đố của xã hội, của những bất ổn và tan vỡ, của những tệ nạn đồi trụy và nghiện ngập, đồng thời cũng là của những khát vọng sống hạnh phúc và được cứu độ đòi hỏi mỗi người chúng ta tích cực dấn thân và đồng hành với người trẻ để xây dựng tương lai tốt đẹp cho họ. Chúng ta không ngồi đó chờ họ đến, mà phải tích cực tìm đến với họ; điều mà lúc nào chúng ta cũng có thể làm được là trao ban cho họ Đức Kitô. Đây cũng là ước mong của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 171: “Hiện nay đang cần có những người nam, nữ biết dựa trên kinh nghiệm của bản thân để bảo vệ đoàn chiên của mình”.
[2] .X. LINH SAN, “Tình trạng sống thử trước hôn nhân”, http//.www.thanh niên.vn, truy cập ngàu 1/3/2017. [3] X.KIM ANH, “Sống thử”, sa,http//www.suckhoedoisong.vn, truy cập ngày 1/3/2017. [4] X. TRẦN NGỌC ĐĂNG, “Giới trẻ đức tin và ơn gọi”, trong Ra Khơi 2013, Lưu hành nội bộ. [5] X. CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, dẫn nhập, tr. 77.