Nữ tu Đaminh cầu nguyện cho thế giới
Thứ sáu - 06/03/2020 04:14
1915
Những ngày này cả thế giới xôn xao trước nạn dịch Covid 19. Mọi hoạt động ngưng trệ, các lễ hội tạm ngưng, các trường học đóng cửa. Các nữ tu Đaminh Bùi Chu đang sinh sống tại khu vực miền Nam cũng lo âu. Trước hoàn cảnh bất lợi đó, Bề trên các Cộng đoàn đã quyết định tổ chức tuần tĩnh tâm năm. Các nữ tu đón nhận điều này như là cuộc nội tâm hóa trước thực cảnh bất lợi. Trong những ngày này, mỗi nữ tu ý thức tĩnh tâm không phải là một sự chốn lánh hay nghỉ ngơi nhưng là cơ hội để mọi người mở tâm hồn ra với thế giới. Trong không gian thanh vắng, bầu khí ấm áp chan hòa tình chị em, cánh cửa tâm hồn chúng con như rộng mở hơn với thế giới đang oằn mình trước thảm cảnh. Cùng với những lời kinh, lời nguyện cầu cho thế giới, các nữ tu bước từng bước trong hành trình tâm linh.
Bước thứ nhất là “Tri ân”. Tri ân là nét đẹp của tâm hồn Kitô hữu nói chung và của các tu sĩ nói riêng. Thái độ tri ân không làm cho con người yếu nhược đi, nhưng làm cho ta được trở nên người hơn, tiến gần tới Thiên Chúa và tha nhân hơn. Tạ ơn Chúa vì trong cơn dịch của thời đại, nhiều mảnh đất trù phú bỗng thành đất chết, nhiều gia đình đau khổ vì chứng kiến người thân phải cách ly, còn cả đói ăn, đói thuốc, đói tình thân..., nhưng các nữ tu nhỏ bé, vô danh được bình an ngồi bên nhau cảm nghiệm tình yêu Chúa và tình chị em trong gia đình thánh hiến Đaminh. Chị em tạ ơn vì những hoa trái ngọt ngào nhận được trong đời sống chính là quà tặng nhưng không của Chúa ban.
Bước thứ 2 là “Tạ lỗi”. Trong xã hội, mỗi khi hạ mình xin lỗi ai là chứng tỏ mình chấp nhận thua cuộc, kém cỏi. Đối với Kitô giáo, tạ lỗi còn mang chiều kích thần học. Quì gối thống hối, ăn năn trước Thiên Chúa là chấp nhận để Chúa biến đổi tâm hồn. Trước khi hành động như thế, một thứ cảm xúc hỗn tạp xảy ra, có giằng co, lo âu, khắc khoải, bồn chồn; nhưng những phức tạp ấy lại đưa đến sức mạnh biến đổi một người từ dữ dằn, độc đoán, ích kỷ, hiềm thù thành một con người khiêm nhường cúi xuống trước Thiên Chúa và tha nhân.
Thế nên đừng bao giờ khoác cho mình bộ áo quan tòa xét đoán hoặc dán nhãn cho ai, chỉ dựa vào bề ngoài. Để sống được tâm nguyện này ta cần tập nhìn bằng cách nhìn của Chúa. Ngài yêu các tội nhân biết quay đầu trở lại hơn người công chính không biết sám hối: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Thật vậy, giữa một tâm hồn tội lỗi bỗng ngày kia xuất hiện cánh hoa tím sám hối thì điều gì sẽ xảy ra? Thiên Chúa rất nhạy bén và đặc biệt yêu mến những điểm nhấn đó hơn một đồng cỏ xanh cứ bàng bạc chẳng hứa hẹn khởi sắc. Một lời tạ lỗi, một lần quì gối sau bao lần sai phạm, bất tuân đủ để có được một chỗ trong trái tim của Đấng giàu lòng thương xót.
Bước thứ ba “Nhạy bén với dấu chỉ thời đại”
Sau tâm tình tri ân, tạ lỗi, tâm hồn con dừng lại để nhìn về quá khứ xa xưa của loài người. Từ biến cố con người tham vọng xây tháp Babel chạm được tới trời, để Thiên Chúa thấy rằng con người không thua kém. Anh Quốc tự mãn vì có tàu Titanic không gì có thể nhận chìm. Tất cả những tham vọng đó của con người bỗng tan tành mây khói chỉ bằng một vụ nổ, một tảng băng trôi. Và nay một chính thể ôm mộng bá chủ thế giới có thể sụp đổ do một con vi rút siêu nhỏ. Bao bài học xưa và nay vẫn còn đó nhưng con người có biết dừng lại để đọc được bài học Chúa muốn nói ? Trong tình cảnh hiện nay, trái đất đang nóng đỏ những cảnh báo về sức lây nhiễm, số tử vong do nạn dịch, nhiều Kitô hữu không dám đi lễ, có những nhà thờ phải đóng cửa, đời sống tâm linh ảnh hưởng không nhỏ.
Là Kitô hữu, chúng ta cần tin tưởng rằng dù chết hay sống trong nạn dịch Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương quan phòng. Điều duy nhất chúng ta cần lo lắng và sợ hãi là phải sống sao cho đẹp lòng Chúa, cho thanh thản. Nếu chết sớm mà linh hồn ở trong tình trạng ân sủng thì còn hơn sống dài trong vũng lầy tội lỗi.
Lạy Chúa trong sâu thẳm của con tim yếu đuối, con dâng nhân loại cho Lòng Thương xót. Con tin Chúa có dự phóng và kế hoạch cho từng người, từng biến cố. Chúa không giả điếc làm ngơ trước thế giới đang chìm trong đau khổ, nhưng chính con người đang tìm cách đẩy Chúa xa khỏi cuộc đời họ do sự tự mãn, tự kiêu để rồi lại oán trách, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mỗi khi những điều bất lợi xảy đến. Ước gì thảm cảnh này là một biến cố thức tỉnh lương tâm nhân loại để kéo con người về lại với Thiên Chúa và tha nhân.
Tác giả: Nữ tu. Scholastica Vũ Hiền, ĐMBC