Nhìn về quá khứ có thực sự cần thiết?
Thứ bảy - 20/05/2017 15:27
3609
Trong Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ban hành tông thư, trong đó mời gọi các tu sĩ nhìn về quá khứ với niềm tri ân:
“Nhìn về một lịch sử phong phú của đặc sủng, khởi đầu là tác động của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một lối sống đặc thù, để đọc các dấu chỉ thời đại với cặp mắt đức tin, để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo hội một cách sáng tạo. […] Đây không phải là chuyện khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi”.
Xem ra lời mời gọi này đi ngược với con người thời nay với công nghệ tiên tiến vốn có những dự phóng cho tương lai và còn bao nhiêu công việc trước mắt phải lo. Liệu nó có thực sự cần thiết cho những tu sĩ sống đời thánh hiến nói riêng và các tín hữu nói chung hay không khi chúng ta dành chút thời gia nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ?
Thưa rằng, việc làm này rất có giá trị và cần thiết nơi mỗi chúng ta vì tất cả cuộc sống cá nhân hay đời sống cộng đoàn của mỗi dòng tu không phải chỉ có hiện tại và tương lai nhưng những gì có được ngày hiện tại và những kế hoạch cho tương lai được xây dựng trên nền móng vững chãi của quá khứ và được bồi đắp qua theo năm tháng. Việc nhìn lại quá khứ để có hướng đi cho tương lai là việc làm khôn ngoan giúp tránh được những vết xe đổ và tránh được sự lệch hướng đồng thời luôn xác định được căn tính của cá nhân cũng như của cộng đoàn.
Có lẽ những thế hệ trước không đòi hỏi hay hy vọng đời sau phải nhớ hay biết ơn mình. Nhưng việc nhớ để tri ân các tiền bối lại giúp cho hậu sinh nhận ra sự huyền nhiệm của bàn tay Thiên Chúa quan phòng trên mọi nẻo đường lịch sử cuộc đời. Lịch sử là những gì đã qua không trở lại, nhưng nó để lại cho tương lai những Thông điệp mà ta cần ngoảnh đầu nhìn lại mới hiểu được.
Nhìn lại quá khứ để nhận ra giá trị của hiện tại, đồng thời biết trân trọng và bảo tồn những di sản… Điều ấy làm cho cuộc sống chúng ta thắm đượm tâm tình tri ân về những gì đã lãnh nhận. Cuộc sống chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay, gom góp những hy sinh lớn lao thầm lặng, những giọt nước mắt, mồ hôi đôi khi pha lẫn những giọt máu đào và bao hy sinh công sức của những tâm hồn đã quảng đại cho đi trước chúng ta. Điều đặc biệt là có bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa trong mọi biến cố ấy. Ngài hiện diện không như vị khách bàng quan nhưng là cùng con người thực hiện những ước mơ kiến tạo một thế giới tốt đẹp. Đó là cách Ngài cho con người cộng tác để cùng làm nên lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đời mình.
Nhìn lại để tri ân và để sống cho cân xứng những gì mình đã được kế thừa cũng là một điều hợp tình hợp lý. Học cách để biết ơn và dạy cho thế hệ sau cùng có chung tâm tình ấy là điều thiết thực nhất ta có thể làm trước khi rút lui khỏi thế giới. Điều này cũng nhắc ta trước khi muốn khởi xướng những dự kiến tiếp theo không nên quên hoặc tìm cách loại bỏ các giá trị tốt đẹp cổ nhân để lại. “Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết lên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các con những điều trọng đại hơn nữa”[1].
Nhớ về quá khứ không có nghĩa là đứng lại dưới cái bóng của những thành công hay tự ti vì thất bại, nhưng để ta can đảm đối diện ngay cả với sai lầm của quá khứ, để sống có ích hơn. Ai rồi cũng có ngày lui vào dĩ vãng. Nhưng chúng ta chọn ra đi theo cách nào? Để người sau không quên nhưng luôn nhớ khi nhìn đến những gì tốt đẹp ta đã làm. Ý tưởng này có thể sẽ thúc đẩy bạn mạnh dạn tiến bước và tiếp tục những dự phóng được gợi hứng ngay từ những dở dang trong quá khứ. Biết đâu chính bạn sẽ là người khai sáng một kế hoạch mới hay mở lối vào tương lai cách tốt đẹp. Đừng quên hôm nay sẽ là quá khứ khi ngày mai tới. Nếu vứt bỏ những gì đã qua cũng có thể ta đang tự đánh mất chính mình. Vì quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một khoảng cách rất ngắn ngủi.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
[1] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25/03/1996, số 110.