Hạt hoa đen đơm nở muôn sắc hương
Thứ hai - 15/05/2017 15:29
2667
Một câu chuyện cảm động đầy tính giáo dục được kể lại như sau:
Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai ra phố, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp người tài xế da đen nào nên sợ hãi, bèn hỏi mẹ:“Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao ông ta lại đen thui như thế?”
Người tài xế da đen nghe vậy, trong lòng rất lấy làm khó chịu và tủi thân. Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai:“Chú tài xế này không phải là người xấu, ông ta là một người tốt con ah!”.
Chú bé nhíu mày một thoáng rồi lại hỏi tiếp:“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy có phải chú ấy đã làm một điều gì xấu lắm nên Thiên Chúa mới trừng phạt, bắt chú phải đen thui cả mặt mũi chân tay như thế chứ?”
Người da đen nghe xong, mắt ngấn lệ. Ông rất muốn biết người phụ nữ da trắng sẽ trả lời thế nào với con trai. Tiếng bà nhỏ nhẹ nói: “Ông ta là một người rất tốt, cũng không làm điều gì xấu xa cả. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu vàng, màu trắng…có phải không con?”
Cậu bé trả lời: “Vâng! Đúng ah!”
Bà lại hỏi tiếp: “Vậy hạt hoa của con có phải là màu đen không? Đứa bé nghĩ ngợi một lúc rồi trả lời: “Đúng thế ạ! Toàn là màu đen hết”. Bà mẹ vẫn tiếp tục dẫn dắt câu chuyện một cách nhẹ nhàng: “Hạt giống màu đen sẽ cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không con?”
Vâng! Bé trai đột nhiên ngộ ra vấn đề và nói: “A, con hiểu rồi, vậy là chú tài xế không phải là người xấu rồi! Cám ơn chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ. Con muốn cầu nguyện cho chú ấy và cám ơn Chúa về điều tốt lành này, mẹ ơi!”
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen thì nước mắt lăn dài trên má, ông thầm thĩ: “Vì những người da đen bị xem thường, nên suốt đời không ngoi đầu lên nổi. Hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về thân phận da đen của mình trong lòng người con, rồi thằng bé vì mình mà cầu nguyện và xin Chúa chúc phúc…Mình thực sự tạ ơn Chúa và cảm ơn bà ta rất nhiều!”
Lúc này, xe đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông nói: “Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ tôi cùng một câu hỏi ấy. Mẹ tôi bảo: vì chúng tôi là người da đen, nên tôi đành phải chịu thua kém thôi…Nếu khi xưa mẹ tôi biết nói giống như bà đã nói ban nãy, thì nhất định cuộc đời tôi đã đổi khác, hôm nay tôi đã có thể thành đạt hơn trong xã hội thay vì cứ tự ti mặc cảm suốt mấy chục năm qua…Xin tạ ơn Chúa, xin cám ơn bà và cháu bé dễ thương”.
Lời nói như con dao hai lưỡi, tác động làm thay đổi nhân cách một người nên tốt hoặc trở xấu. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi chúng ta nói những lời nói chân thành, nhẹ nhàng mang tính xây dựng thì sẽ làm cho người khác dễ đón nhận và sẵn sàng sửa đổi khi lời nói ấy giúp cho họ hoàn thiện bản thân hơn, làm cho tình huynh đệ mỗi ngày một gần hơn. Trái lại, những lời nói mỉa mai, châm chọc…sẽ có thể là nguyên nhân đưa tới hiểu lầm, tranh luận, đánh lộn, cắt đứt tình nghĩa huynh đệ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội, Giáo hội. M. Ruiz viết: “Lời nói giống như câu thần chú, và con người dùng nó như các thầy phù thủy áp đặt trên đồng loại…lời nói cũng có thể đi vào tiềm thức, và làm thay đổi toàn bộ niềm tin của chúng ta theo hướng tốt đẹp hơn, hoặc tệ hại hơn”.
Những lời nói cuối cùng của người da đen với người phụ nữ và đứa bé trước khi nói lời tạm biệt, cũng là một bài học nhắc nhở mỗi khi chúng ta muốn nói bất cứ điều gì. Có những lúc nóng nảy hay khi đang mang trong mình một mặc cảm về tội lỗi nào đó, khiến ta dễ thốt ra những lời chua cay gắt gỏng gây vết thương lòng cho người khác, dù ta không cố ý. Trong câu chuyện trên, chúng ta thấy cách người phụ nữ nói với đứa con, khi trả lời những thắc mắc, đã phá tan những mặc cảm, tự ti tủi hờn mà người tài xế da đen mang trong lòng từ khi còn nhỏ. Câu nói của người tài xế cũng lại là một minh chứng. Bà mẹ anh ta đã không đưa ra một lời giải thích thỏa đáng, khiến anh mất hết ý chí và nghị lực để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn công việc hiện anh đang làm.
Gabriele Adani đã từng viết: “Lời nói là một bản nhạc, một ca khúc. Nó là tinh thần được cụ thể hóa và thanh lọc giác quan. Chính vì thế nên nói năng và diễn tả những điều tốt đẹp nhất trong con người chúng ta là điều rất quan trọng. Mỗi một lời nói là một sứ điệp, và mỗi sứ điệp của chúng ta là một tia sáng trao ban sự sống. Mỗi một lời nói là một hạt giống, sớm muộn gì cũng sẽ đem lại hoa trái dồi dào”.
Giá trị của lời nói không thể cân đo, đong đếm, có giá trị sẽ đem tới một tương lai rực rỡ hay mù tối cho người khác. Vì thế, thận trọng trong lời nói là bài học vô cùng quý giá, thánh Phaolô đã ân cần khuyên nhủ các tín hữu Côrintô rằng: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29).
Nt. Mai Khôi, Đaminh Bùi Chu