Một chút tâm tình Mùa Chay
Thứ tư - 24/02/2016 22:07
5827
Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối, là thời gian trở về để nhìn lại chính mình với biết bao lẫm lỗi, thiếu sót với Chúa và tha nhân. Mùa Chay cũng hướng các tín hữu đến những giá trị đích thực của sự hoán cải, để chuẩn bị đón nhận những hồng ân cao cả và thiêng thánh mà Đức Giêsu muốn trao tặng. Mùa Chay còn cho ta cảm thức chờ đợi một Ađam mới, một công cuộc tái tạo mới, cuộc tái tạo mà nhân vật chính trong chương trình ấy là Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết. Người đã chiến thắng tử thần và sống lại hiển vinh sau những khổ cực mà Ngài phải chịu khi mặc lấy kiếp phàm nhân trong bản tính Thiên Chúa của mình. Bởi vậy khi bước vào Mùa Chay, người viết cũng là một trong những kitô hữu đang trên đường lữ thứ trần gian có đôi dòng suy tư theo lời mời gọi của Hội Thánh.
Mùa Chay mời gọi chúng ta ăn năn đền tội với ba chiều kích cụ thể: ăn chay hãm mình; siêng năng cầu nguyện và làm việc bác ái. Tuy nhiên, với sự hiểu biết còn hạn chế, người viết chỉ nêu lên một vài điểm về việc bác ái.
Mùa Chay đến đồng nghĩa với việc làm bác ái mà Hội Thánh luôn mời gọi. Nói thế không có nghĩa là chỉ Mùa Chay mới cần làm việc bác ái, nhưng Mùa Chay mời các tín hữu làm việc bác ái một cách thiết thực và hiệu quả hơn. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm những gì và như thế nào trong Mùa Chay để thể hiện được chiều kích bác ái theo đúng tinh thần Công giáo? Phải chăng là chúng ta làm những việc thật vĩ đại cho mọi người biết, hoặc là làm bác ái để cho mọi người chân nhận lòng bác ái ấy của mình?
Thiết nghĩ chẳng cần đến những việc vĩ đại mà bác ái xuất phát tự bản chất của con người. Chẳng thế mà chính Đức Giêsu đã mời gọi mỗi người chúng ta làm việc bác ái từ những việc rất bình thường như trong Tin Mừng Mt 25, 31-46 đã cho biết. Đến ngày sau hết, Thiên Chúa chỉ chia dân thành Chiên và Dê trong những tiêu chí đơn giản với những công việc hết sức nhỏ bé nhưng chứa đựng cả một tình yêu bao la. “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 35-36).
Bác ái chỉ cần thế, lời mời gọi của chính Đức Giêsu Kitô là thế, thật đơn giản và dễ thực hiện, nhưng nhìn lại thực trạng xã hội, ta không khỏi băn khoăn: Có phải việc bác ái cứ trôi đều như dòng chảy êm đềm của những con suối nhỏ bé trong cánh rừng? Dòng suối bác ái ấy không còn là dòng suối đúng nghĩa của thiên nhiên tạo thành nữa. Tại sao vậy? Vì xã hội luôn đầy rẫy những mưu mô, toan tính và hiểm họa đã tạo nên muôn vàn vật cản làm, một xã hội với biết bao chất độc hại. Rất nhiều mặt hàng được sản xuất mang nhãn hiệu Trung Quốc, cùng với những mưu mô xảo quyệt được tạo ra từ lợi ích cá nhân đã làm cho dòng chảy trở thành nhỏ giọt, thậm chí tắc nghẽn, và hậu quả là rác rưởi, sự ô nhiễm thế chỗ cho dòng chảy tự nhiên.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều yếu tố khác nhau của đời sống xã hội đã trở thành chất độc hại xóa mờ lòng tốt tinh tuyền của con người. Những công việc tốt đẹp thể hiện sự tương thân tương ái đã bị mai một, không còn thường xuyên xuất hiện trong xã hội ngày nay nữa. Dòng suối đã không còn lưu thông dễ dàng và nhuần nhuyễn. Thật nghịch lý khi xã hội ngày càng phát triển, những công việc bác ái lại càng phôi phai. Chúng ta không còn thấy nhiều việc bác ái như lời mời gọi của Thiên Chúa Tình Yêu gửi đến mỗi người, thay vào đó là những ích kỉ toan tính cá nhân.
Là Thiên Chúa trở nên xác phàm, Đức Giêsu không chỉ đồng cảm và thấu hiểu thân phận của con người mà còn làm gương sáng về đời sống yêu thương. Ngài mời gọi và trao cho ta phương tiện để thực thi lòng bác ái. Đó là của ăn, thức uống, quần áo, ngôn ngữ, thời gian... Điều quan trọng nhất vẫn là trái tim rộng mở của con người.
Trong cuốn “Con đường dẫn đến Tình Yêu”, Cha Anthony De Mello, S.J đã cho ta thấy phần thưởng tuyệt vời của việc bác ái. “Hãy đưa những người nghèo về đây” là tựa đề của một suy niệm hết sức thâm thúy về lợi ích của công việc bác ái. Ngài viết: “... bạn sẽ nhận thấy người hành khất (người nghèo) này đã đến nhà bạn với một món quà cho bạn – họ đã mở rộng trái tim của bạn ra trong niềm cảm thông và giải thoát tinh thần của bạn, nơi trước kia bạn chịu ức chế, giờ đây bạn được món quà tự do để không còn tránh mặt một ai và có thể đi bất cứ nơi đâu...”. Đó là hiệu quả của việc bạn tiếp rước, đón nhận những những người nghèo khổ, bất hạnh với những cử chỉ giúp đỡ tốt đẹp.
Phải chăng làm việc bác ái khó đến vậy hay nó quá tẻ nhạt để phải bận tâm? Thiết nghĩ việc bác ái phải được đặt lên hàng đầu. Nó cần thiết vì chính Thiên Chúa, Đức Giêsu và Hội mời gọi. Hãy lấy Đức Giêsu làm mẫu mực để yêu thương phục vụ. Hãy tận dụng những gì chúng ta có như nước lã, thức ăn, áo quần, sự tiếp rước, sự thăm viếng... Chúng ta không thiếu phương tiện để thực thi bác ái, nhưng nhiều khi thiếu tấm lòng rộng rãi và trái tim quảng đại mà thôi.