Caritas - một tình yêu rộng lớn
Thứ tư - 12/08/2020 23:03
2901
Sau khi kết thúc năm Tu đức, chúng tôi xác tín hơn về ơn gọi theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Chính lúc ấy, ban Bác ái xã hội – Caritas, nơi chúng tôi được gửi về giúp kỳ hè, khi mỗi người anh em đang cháy ngọn lửa hăng say, nhiệt huyết trong sứ vụ đầu đời của mình. Hai tháng không phải là nhiều nhưng ý nghĩa biết bao khi chúng tôi đi khắp giáo phận mang theo niềm vui và tin thần hăng say phục vụ. Hơn 1.200 gia đình là hơn 1.200 hoàn cảnh khó khăn; hơn 1.200 Đức Kitô hiện diện ở nơi họ. Tuy chưa phải là hết những gia đình khó khăn nhưng “so bó đũa chọn cột cờ”, đó là những hoàn cảnh éo le, khó khăn cần sự hiện diện, chia sẻ tình yêu thương hơn cả.
CARITAS - một từ ngữ thật quen thuộc khi chúng ta dùng để diễn tả tình yêu thương, bác ái, một tình yêu bao la, quảng đại. Chút suy tư góp nhặt xin được chia sẻ các ký tự tương ứng với từ ngữ “C.A.R.I.T.A.S” như sau:
1. Christus (Chúa Kitô)
Chirtus có gốc tiếng Hy Lạp là Xριστός (Khristos), được dịch từ tiếng Hipri (Mashiah), nghĩa là “Đấng được xức dầu”.
Nói về Christus (Chúa Kitô), tôi xin dành để nói về những người khuyết tật. Trong sứ điệp gửi nhân ngày quốc tế người khuyết tật, ĐTC Phanxicô viết: “Trong ngày thế giới người khuyết tật, chúng ta đổi mới cái nhìn đức tin để nhìn thấy nơi mỗi anh chị em sự hiện diện của chính Chúa Kitô, Đấng đã làm nơi mình mọi cử chỉ yêu thương dành cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất” (x. Mt 25,40).
Trong hai tháng vừa qua, những người khuyết tật là những người làm chúng tôi ấn tượng hơn cả. Có những người nói với giọng trách móc: “Con đợi các Thầy từ sáng mà sao giờ mới tới”, phải chăng họ chính là Chúa Kitô đang mong mỏi chúng tôi chạy đến với Ngài. Tình thương và sự đón nhận lẫn nhau trong một thế giới bị ám ảnh bởi hình dáng bên ngoài là điều họ mong mỏi cộng đồng dành cho mình. Họ có thể dành cả ngày để kể những câu chuyện của riêng mình cho chúng tôi nghe, cho chúng tôi cắt móng tay, cắt tóc, của để dành… mà ngày thường không ai động vào được. Chính Đức Kitô hiện diện nơi họ và cũng chính Ngài đã giúp chúng tôi có thể làm những cử chỉ yêu thương dành cho những người anh em bé nhỏ nhất này.
Hạnh phúc mà mọi người khao khát, có thể được thể hiện nhiều cách, nhưng chỉ đạt được nếu như chúng ta có thể yêu thương. Luôn luôn là tình yêu thương. Ngoài ra, không còn cách nào khác. Biết bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ đã lại mở lòng với cuộc sống khi họ nhận ra mình được yêu. Với một cử chỉ yêu thương, có thể đổ đầy biết bao tình yêu trong một tâm hồn. 2. Agape, tiếng Hy Lạp άγάπή,
Theo Thánh kinh, Agape có nghĩa là tình yêu mang tính thần linh, hoàn toàn nhưng không, vô vị lợi và dám hi sinh chính mình cho người mình yêu. Tuy nhiên, con người cũng được Thiên Chúa mời gọi và ban cho khả năng yêu thương như thế (vì là hình ảnh của Thiên Chúa).
Chúng tôi dịp tới thăm một bà cụ tại Thức Hoá. Điều đập vào mắt chúng tôi là hình dáng gầy gò và căn nhà lụp sụp. Bà không có gia đình, cuộc sống hằng ngày của bà đơn giản đến mức tối thiểu. Khi chúng tôi tới bà còn đang đi bắt ốc. Ấy vậy, khi ông trưởng Caritas của giáo xứ giới thiệu đây là các Thầy trong ban bác ái – Casritas đến thăm bà thì lại oà lên khóc. Chúng tôi trao cho bà món quà của ban bác ái giáo phận, nhưng bà nhất định không nhận và đòi biếu lại chúng tôi. Bà nói: “Trong nhà con có ít tiền để con lấy thêm gửi về Chủng viện nuôi các Thầy”. Có trường hợp lại nói rằng:“ Thầy chuyển phần quà này cho những người khó khăn hơn con”.
Tôi liên tưởng tới câu chuyện bà góa nghèo trong Tin mừng bỏ tiền vào hòm tiền trong Hội Đường, Chúa đánh giá bà góa này đã bỏ tiền vào thùng nhiều hơn mọi người, vì người ta bỏ của dư, của thừa vào thùng tiền, còn bà góa bỏ tất cả sản nghiệp, tất cả của cải cải mình, số tiền dùng nuôi sống bà trong nhiều ngày… Quả thật, những gì tôi nhận được còn giá trị hơn gấp trăm lần những gì tôi mang đến và những gì tôi mang đến không là gì so với tấm lòng quảng đại của những bà goá, những bà goá ngay bên cạnh chúng ta.
3. Recapitulatio (quy tụ)
Nhân loại được tập họp thành một mối như công trình sáng tạo quy hướng về Chúa Kitô và được phục hồi một cách siêu việt nơi Người. Chúa Giêsu cứu độ thế giới qua biến cố Nhập thể, Thập giá và Phục sinh. Nơi Người, vạn vật và biến cố lịch sử được quy tụ, khôi phục và thành tựu.
Công trình sáng tạo đó của Thiên Chúa thật lạ đôi khi vượt khỏi những suy đoán của con người: xen giữa những con người lành lặn, khoẻ mạnh, thông minh là những anh chị em bị liệt, đao, động kinh… Họ cũng là những thụ tạo trong kế hoạch nhiệm màu của Thiên Chúa. Để ngang qua họ tôi cảm nhận được nghị lực sống, sự đơn sơ, hài lòng với cuộc sống nơi họ mà đôi khi tôi bị lãng quên khi mải chạy theo kiến thức, sự nghiệp. Họ là mặt trái của tấm thảm sáng tạo của Thiện Chúa, mặt phải tấm thảm cho tôi thấy quyền năng của Thiên Chúa, nơi còn lại tôi thấy được sự kỳ diệu nhiệm màu của Ngài. 4. Incarnatio (Nhập thể)
Từ này diễn tả tình yêu cứu chuộc mà Thiên Chúa dành cho con người nơi Chúa Giêsu. Hài nhi Giêsu nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ Maria khi chào đời, được Thánh Giuse bao bọc âu yếm. Nói đến đây, tôi xin dành để viết về công việc Bảo vệ sự sống – Caritas Giáo phận.
“Mỗi lần nghĩ tới việc những thai nhi phải rời bỏ bụng mẹ, bị tước quyền làm người, chúng tôi không cam lòng, lặn lội cả đêm mưa đi tìm, đón “các em” về chôn cất, đỡ tội”- Đó là lời tâm sự chân thành của ông trưởng bảo vệ sự sống tại một giáo xứ - hạt Quần Phương. Lời tâm sự đó làm tôi rưng rưng, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tham dự Thánh lễ chôn cất thai nhi. Cảm xúc của mỗi anh em một khác nhưng chung lại đều là nỗi buồn, xót xa. Ông còn tâm sự :“Chúng con làm công việc này nhiều người dị nghị. Họ bảo thai nhi ở đâu mà nhiều thế, chắc chúng nó toàn lấy cục thịt rồi bảo là thai nhi”. Những lời tâm sự của ông tôi làm tới giờ vẫn không thể quên. Tôi không thể có câu trả lời cho riêng mình cho những dằn vặt, nỗi niềm xót xa. “Nạo phá thai” ba từ đó vẫn luôn ám ảnh đâu đó, như một lời lên án, cảnh tỉnh xã hội loài người.
Chúng tôi cầu nguyện cho nhóm của ông vì ngoài ông ra còn tất cả các con cái trong gia đình đều được ông mời gọi tham gia vào công việc này, cầu nguyện cho những ai tham gia vào sứ mạng bảo vệ sự sống của Giáo phận. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai đang có ý định phá thai: Xin cho đứa con của họ được chào đời, được làm người. Hy vọng lúc nào đó, số thai nhi bị sát hại giảm dần, giảm nhanh. Được như thế, chúng ta mong rằng văn minh của xã hội loài người không phải là văn minh sự chết, nhưng là văn minh của tình thương và sự sống.
5. Testis (chứng nhân, chứng tá)
Sứ mạng của người kitô hữu là trở thành chứng nhân của Đức Kitô qua cuộc sống, lời nói và hành vi của mình.
Công tác bác ái luôn đi đôi với người làm bác ái. Quy mô, tính chất của từng việc làm ấy cũng đòi hỏi khả năng, trình độ, sự nhiệt huyết của những con người thực hiện. Ý thức được tầm quan trọng của những người tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp cho công việc bác ái, ban Caritas đã tổ chức những khóa tập huấn cho cộng tác viên từng tiểu ban trong Caritas Giáo phận nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng cũng như cách tiếp cận với những đối tượng cụ thể. Tôi may mắn được trở thành học viên của hai khóa: Cách chăm sóc người khuyết tật và kỹ năng truyền thông cho người HIV. Điều đầu tiên làm tôi ấn tượng là hình ảnh của một lớp học đặc biệt. Các bạn học sinh ở nhiều lứa tuổi và đến từ khắp nơi trong giáo phận, nhưng có một điểm chung là tinh thần say mê học hỏi, năng động, vui tươi. Tất cả đều ý thức rằng mỗi cá nhân là một chứng nhân của Chúa Kitô qua cuộc sống, lời nói và hành vi của mình. Một chứng nhân với một tinh thần nhiệt huyết là chưa đủ nhưng cần được đào tạo để công việc “làm chứng cho Chúa” được thực hiện cách hiệu quả nhất. Nhờ sự truyền đạt của những giảng viên có tâm và có tầm, lớp học luôn duy trì được sự vui tươi, tập trung và kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của từng học viên. Và với những gì được trực tiếp trải nghiệm, tôi tin chắc rằng trong balo của những “Testis” không chỉ là một tấm lòng quảng đại, dấn thân nhưng còn đầy ắp những tri thức, trải nghiệm quý báu. Sứ vụ mang tình yêu của Chúa đến những hoàn cảnh khó khăn sẽ ngày một triển nở tốt đẹp hơn.
6. Apostolatus (việc Tông đồ)
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được Chúa sai đi như các Tông đồ. Việc Tông đồ có thể là trực tiếp giúp người khác nhận biết đức tin Kitô giáo và đưa họ gia nhập Hội Thánh; hoặc gián tiếp làm cho men Phúc âm thấm nhập mọi chiều kích của cuộc sống con người rõ ràng nhất vẫn là việc bác ái.
Chỉ sau khi đến với những anh chị em kém may mắn, tôi mới hiểu được việc tông đồ đơn giản chỉ là: một nụ cười chân thành khi gặp nhau; lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên; cũng có lúc chỉ là những giây phút thinh lặng để hoà theo đôi dòng lệ, chuỗi cảm xúc xao xuyến nơi họ… hay ngang qua những việc làm thực giản đơn: thấm khăn ướt lau mồ hôi, phủi bụi nơi chiếc thảm đã hơn 3 năm chưa một bàn tay sờ chạm tới; tặng cho họ một vài cuốn sách họ yêu thích… Việc tông đồ chỉ đơn giản là thế vậy mà bấy lâu nay tôi đã bỏ lỡ, lãng quên không làm. 7. Solidarietas (sự liên đới), mối liên kết với nhau
Hành trình hai tháng, chúng tôi đã được đến thăm, trao quà và động viên những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Giáo phận. Là những Chủng sinh trẻ còn quá nhiều bỡ ngỡ, rụt rè nhưng điều ấy không còn là rào cản khi chúng tôi được quý Cha, quý Ông bà Trưởng Ban Caritas của các giáo xứ chào đón và đưa đến từng gia đình. Điều đó chứng tỏ rằng có một mối dây liên kết tuyệt vời giữa những con người luôn sẵn sàng hy sinh, gắn bó và thao thức về công việc Bác ái. Tình liên đới ấy được thể hiện rõ nhất là khi tôi tới trao chiếc xe lăn cho một em thuộc Giáo xứ Tây Đường, Giáo hạt Ninh Cường. Em bị liệt đôi chân, bố mẹ chia tay nhau và em đang ở với bà ngoại năm nay đã ngoài 90. Cha xứ cùng ông trưởng Ban Caritas của Giáo xứ đã chờ và đón tôi. Tôi cảm nhận thấy niềm vui trên gương mặt Cha xứ và ông. Sau khi tiếp đón tôi tại phòng khách Giáo xứ, ông trưởng đã dẫn tôi đến với gia đình em nhỏ, ông có những lời động viên gia đình, nói chuyện vui vẻ cười đùa cùng với em nhỏ bị liệt. Ông giúp tôi đến gần hơn với mọi người trong gia đình nhờ sự giới thiệu đầy đủ và hóm hỉnh nhưng cũng đầy tình yêu của ông. Tôi cảm nhận dường như không có chút khoảng cách nào giữa mọi người trong gia đình này. Tất cả như một đại gia đình thân thương. Khi tôi ra về, đã có cả những giọt nước mắt rơi, nhưng rơi vì hạnh phúc, vì tình yêu thương, vì ấm tình người. Quả thật, tình liên đới ấy làm tôi thêm yêu mến hơn với công việc bác ái mà tôi đang thực hiện. Điều ấy giúp tôi nhiều hơn trong sứ vụ mà tôi đang lãnh nhận. Bạn và tôi chúng ta hãy cùng nhau chung tay!
Bottom of FormC.A.R.I.T.A.S, bắt nguồn từ tình yêu Chúa Kitô bằng MỘT TÌNH YÊU VÔ HẠN. Tuy những cảm nhận chỉ giới hạn trong hai tháng nhưng không phải vì thế mà làm cho chúng tôi bớt “say”. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tàn, chuyến hành trình nào rồi cũng có ngày phải chia tay. Hành trình Đỏ - Caritas đã kết thúc, nhưng mỗi một giáo hạt, mỗi một giáo xứ, dù đi qua hay ở lại cũng đều ghi dấu trong lòng mỗi người chủng sinh trẻ chúng tôi những kí ức, những kỉ niệm chẳng thể phai mờ. Sứ vụ đầu tiên của đời chủng sinh đã kết thúc và chúng tôi sẽ viết tiếp câu chuyện trên hành trình tu luyện, nhưng những kỉ niệm đẹp sẽ còn trong tim và sẽ là hành trang thôi thúc chúng tôi bước tiếp trên con đường theo Thầy Giêsu chí thánh. Sẽ nhớ những niềm vui, nỗi buồn nơi Caritas. Những con người bé nhỏ bị xã hội lãng quên, bị bệnh tật, nghèo đói vây quanh lại là những người Thầy dậy chúng tôi những bài học vĩ đại. Sau hai tháng, tôi nhận thấy rằng làm bác ái đòi hỏi hy sinh và đôi khi có cả những hiểu lầm, bác ái đòi hỏi phải có sức khỏe, nhưng trên hết là phải có một trái tim biết yêu thương, để trái tim của chúng ta cùng chung nhịp đập với trái tim của những người cùng khổ, và rung lên những nhịp đập nơi những mảnh đời nơi những phận người đang bị lãng quên. Thật vậy, lòng nhân ái, yêu thương là một tình cảm cao quý giữa con người với con người trong mọi thời, mọi lúc. Thứ tình cảm ấy vượt lên trên cả không gian và thời gian như sợi dây kéo con người sát lại gần nhau trong cái lạnh của đất trời. Tạ ơn Chúa vì chính khi phục vụ người nghèo là chúng tôi tìm gặp được sự đồng cảm, sự quan tâm, yêu mến nơi những người xung quanh. Đó cũng là điều mà Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta: “thực hành đức bác ái là cách tốt nhất để rao giảng Phúc âm”.
Tác giả: Vinhsơn Công Thành