Tản mạn về tiếng Việt thời “loạn lạc”

Thứ sáu - 20/08/2021 21:39  1043
tieng nuoc toiAi đi học, chắc cũng nhiều phen đau đầu nhức óc với những khái niệm và định nghĩa. Đáng nhẽ, chúng phải là thứ rõ ràng, minh bạch nhất để từ đó người học có thể xây dựng nền tảng tư duy. Vậy mà, đây lại trở thành cửa ải, chướng ngại vật đầu tiên với không ít người.

Lấy ví dụ một người mới bước vào thế giới triết học, người đó sẽ đụng đến lý thuyết Form của Plato ngay từ những bước chập chững đầu tiên. Thế nhưng, trong tiếng Việt, người ta lại không thống nhất nổi tên gọi của lý thuyết này. Một cái từ Form thôi mà có ít nhất mấy cách dịch theo tôi được biết: mô thức, hình thái, tượng, hình thức, hình mẫu, mô hình.

Học được một thời gian thì người đó sẽ gặp cái cụm từ "Ngũ Đạo của Thánh Tô-ma." Tôi nghe sao thấy đao to búa lớn, huyền bí nhưng kì thực chỉ là năm cách chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa. Đơn giản thế thôi mà người ta cứ làm phức tạp, rắm rối.

Ấy là chưa kể nhiều khi các học giả lại chế tác từ ngữ khiếp quá, xa quá, chỉ khổ sinh viên nát óc ra mới mong hiểu nổi các cụ muốn nói ý gì. Trong khi nếu nói thẳng tuột ra bằng tiếng Anh thì ai cũng hiểu liền.

Ví dụ nếu ai đó nghe từ “tách bạch thẳm sâu” lần đầu tiên mà chưa nghe giải thích thì liệu người đó có hiểu nổi người nói muốn nói điều gì không? Phải mất công một hồi mới hiểu, à, thực ra nó là “discern conscience”- tạm dịch là biện phân hoặc phân định lương tâm. Thế thôi, rất nhẹ nhàng, không có gì khó. Ngôn ngữ phải là cầu nối ngắn nhất để trao đổi tư tưởng, vậy mà ở đây người ta lại phải đi qua một cái nhịp cầu trung gian khác trước khi đi vào thảo luận.

Vì chưa có một hàn lâm viện có đủ uy tín và thẩm quyền để đưa ra qui chuẩn thống nhất nên trong những thuật ngữ hàn lâm này, tiếng Việt vẫn hãy còn rất “phong phú,” thậm chí có thể nói là đến mức “loạn lạc.”

Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô rất đề cao mô hình “synodal church.” Người ta lúng túng trong việc dịch ra Tiếng Việt chữ “synodal.” Có vị thì dịch là “Hiệp hành,” người khác thì cho là “công đồng tính.” Vị khác thì lại gọi là “tính đồng nghị.” Ôi thôi, cứ gọi là trăm hoa đua nở. Thành ra trước khi trình bày một vấn đề, người ta lại nhọc công khai quật lại định nghĩa, hiểu và gọi tên thế nào mới đúng ý mình muốn nói. Tôi thấy đây là việc làm lãng phí thời gian vì nội việc tranh luận thuật ngữ, bàn chuyện chữ nghĩa, cách gọi tên đã hết ngày rồi, còn đâu thời gian, sức khỏe, tâm trí mà bàn sâu, mở rộng vấn đề được.

Vì vậy mà nhiều lúc tôi tự hỏi: có nhất thiết phải dịch ra tiếng Việt mọi thứ không? Ngôn ngữ tiếng Việt giàu có phong phú thật đấy, nhưng chắc chắc không phải là hoàn hảo để có thể dung nạp chân trời kiến thức. Như một vài ví dụ đã chỉ ra tiếng Việt không tải nổi một số ý niệm triết học hoặc thần học. Vậy thì tại sao mình không chấp nhận dùng từ nguyên gốc đi cho lẹ, cho tiết kiệm thời gian. Sao cứ nhất thiết phải chế, phải nặn ra một từ tiếng Việt để rồi làm khó sinh viên làm chi?

Tôi có người bạn ở Thái Lan cho biết thế này: ở đây các chủng sinh nhiều khi đọc văn kiện ghi bằng tiếng Thái, họ không hiểu nổi được vì dịch giả dùng những từ gốc Pali để dịch. Bản văn tiếng Thái nghe cao siêu, trừu tượng. Nhưng khi các chủng sinh đọc bản tiếng Anh thì lại thấy dễ hiểu, đơn giản hơn rất nhiều.

Và tôi nhận ra một điều tương tự, người ta cũng có xu hướng sử dụng từ Hán Nôm để chế ra những từ vựng mới để dịch. Thành ra, muốn hiểu được một số khái niệm, người học buộc phải thông hiểu chữ Hán Nôm mới mong hiểu ngọn ngành được.

Theo thiển ý của tôi, gặp những thuật ngữ mà tiếng Việt không thể truyền tải đầy đủ nội dung, sắc thái ý nghĩa của từ gốc, chúng ta nên để nguyên, không cần dịch ra tiếng Việt.

Thực sự đây không phải là điều gì mới và lạ lẫm. Ngay cả trong khoa học, gặp những thuật ngữ mới, người ta cũng không nhọc công dịch sang tiếng Việt làm chi cho mệt ( ví dụ như những khái niệm spin, quark, vector, …).

Trong nhà đạo thì có từ Amen cũng không cần dịch ra tiếng Việt mà ai cũng hiểu, cũng sử dụng linh hoạt được.

Chẳng những Ta mà Tây cũng thế, có những từ họ cũng giữ nguyên gốc vì họ biết dịch là mất đi gần hết sắc thái ý nghĩa rồi. Ví dụ, trong việc chú giải Kinh thánh, người ta vẫn dùng chữ “genre, Sitz im leben” để bàn chuyện mà không nhất thiết phải dịch qua tiếng Anh.

Vậy đó, chuyện ngôn ngữ quả là rắc rối! Chỉ mong sao các bậc có vai vế sớm thống nhất chuyện đặt tên để lớp học trò bớt khổ. Amen.

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay34,294
  • Tháng hiện tại894,655
  • Tổng lượt truy cập78,898,106
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây