Viết cho một tình bạn

Thứ bảy - 06/07/2019 19:23  5317
“Đời con như chiếc thuyền trôi, lênh đênh xuôi ngược dòng đời...”

16 giờ ngày 22 tháng 7 năm 2018
- H ơi! Em đã biết chuyện gì chưa? – Giọng anh trưởng ban thư viện run run.
- Em chưa? – Tôi ngạc nhiên.
- Em bình tĩnh nhé! – Anh nói chầm chậm.
- Dạ... Vâng... – Tôi đang nóng lòng.
- T đang trên đường từ bệnh viện về em ạ! – Giọng anh trầm xuống.
- Hắn làm sao thế anh? – Tôi thảng thốt.
- Tai nạn giao thông... – Anh nói ngắt quãng.
- Chắc không sao anh nhỉ? – Tôi lạc quan để an ủi mình.
- Anh không biết nữa?

Tôi tắt máy. Hoang mang. Bồn chồn. Lo sợ. Tôi không dám xác minh thêm. Cảm xúc thật khó để diễn tả thành lời. Tôi nghe tim mình đập thật nhanh. Tôi hình dung đủ mọi thứ về hắn lúc này: bệnh viện, xe cứu thương, chữ thập đỏ, bình ôxy, khóc lóc, máu me, hoa, khăn trắng,... Ôi! Trí tưởng tượng đáng ghét! Ôi! Trí tưởng tượng đáng thương! Tôi không muốn nghĩ nữa. Trong đầu tôi lộn xộn hiện lên biết bao hình ảnh về hắn, chập chờn biết bao kỷ niệm giữa tôi và hắn. Dẫu vậy, tôi vẫn mong manh hy vọng hắn chỉ bị gãy tay hay gãy chân gì đó thôi. Rồi tôi lại xuống chăm hắn mấy hôm.

Chúng tôi quen nhau cách đây đã gần 6 năm. Hai thằng ngồi cạnh nhau ở phòng chờ vào hôm đi nhập học đại học. Ngày ấy, trông hắn vừa đen vừa xấu, lại có vẻ chảnh. Hắn cầm chiếc Iphone 3 trên tay, cả buổi cắm cúi với trò chơi gì đó mà chẳng chú ý đến ai. Chắc tôi cũng chẳng quan tâm nếu như tôi không thấy hắn đeo một chuỗi tràng hạt trên tay. Tôi lân la hỏi chuyện.

- Cậu là người Công giáo à?
- Ừ. – Hắn trả lời gọn gàng.
- Cậu nhập học ngành gì vậy?
- Luật quốc tế. – Hắn đáp lại cụt ngủn, nhạt nhẽo.
- Đúng ngành của tôi rồi. – Tôi nghĩ thầm. - Cậu làm xong thủ tục chưa?
- Chưa thấy ai gọi tên. – Hắn nói vội vàng rồi lại cúi xuống.

Hoá ra hắn cũng nhập học đúng ngành của tôi. Đợi mãi không thấy mình được gọi, tôi đến hỏi thì mới biết ngành của chúng tôi buổi chiều mới làm thủ tục nhập học. Tôi và hắn ra về. Không nhiều ấn tượng cho lắm. Chẳng qua chỉ là sự tình cờ nhầm lịch. Nhưng sự tình cờ ấy đã bắt đầu cho một tình bạn. Chúng tôi dần dần hiểu về nhau hơn, thân nhau hơn sau những tháng ngày học chung.

Tôi và hắn trọ cách xa nhau. Tôi bị say xe nên năm thứ hai đại học, anh tôi để lại cho tôi chiếc xe máy Atech có tuổi thọ 21 năm. Nhiều lúc lên dốc cũng không bò lên được. Thế nhưng, thỉnh thoảng khi có việc, tôi lại phi xe đến phòng trọ hắn lúc ba giờ sáng để về sớm cho mát. Hai thằng bon bon trên chiếc xe ì ạch thở.
Cái nắng tháng Sáu (âm lịch) oi ả. Đã cuối ngày rồi mà nắng chưa chịu bớt chói chang. Con đường trải nhựa phả hơi hầm hập vào cõi lòng như đang bị thiêu đốt của tôi. Chiều cuối tuần, người ta ra đường đông hơn. Tôi lẫn vào dòng người đang tất bật ngược xuôi. Tôi muốn phóng thật nhanh nhưng tất cả dường như muốn ngăn cản sự vội vàng nơi tôi. Chẳng ai biết rằng tôi đang mang một nỗi lòng quá lớn.

Tôi và hắn không chỉ cùng quê, chung trường, chung lớp mà chúng tôi còn có chung lý tưởng ơn gọi. Tôi nhớ như in ngày tôi và hắn lên Toà Giám mục để nộp đơn vào lớp dự tu giữa năm 2013. Sáng hôm đó, hắn qua chỗ cha cố tôi rồi hai thằng lên đường với đầy háo hức, hy vọng, đợi chờ. Con đường đê gập ghềnh như thử thách những chàng trai trẻ. Bỗng nhiên xe hết hơi. Lịch hẹn đã sắp đến mà trên con đê vắng vẻ này lấy đâu ra chỗ sửa xe bây giờ. Lúng túng. Lo lắng. Chúng tôi mang xe máy vào gửi một nhà dân gần đó và mượn xe nhà họ để tiếp tục hành trình. Lời đề nghị của chúng tôi được lòng tốt của gia chủ mau mắn đón nhận. Nộp đơn xong, hai chúng tôi phải dắt bộ hai ki-lô-mét mới có chỗ sửa xe. Mệt mỏi nhưng cũng thật vui. Vất vả chút nhưng hạnh phúc. Thêm thử thách nhưng thêm kỷ niệm.
Hè 2016, chúng tôi rời phố thị, xa giảng đường, tạm biệt thầy cô, chia tay bạn bè với tấm bằng cử nhân luật quốc tế. Giờ đây, trong con tim chúng tôi luôn thao thức lý tưởng ơn gọi linh mục. Thật hạnh phúc, hai thằng lại chung lớp Tiền Chủng viện. Chúng tôi có thêm thời gian bốn tháng học cùng nhau. Ngoài những giờ học chung, chúng tôi còn lập thời khoá biểu riêng để khảo giáo lý và ôn tập ngoại ngữ. Chúng tôi động viên nhau nỗ lực, nhắc nhở nhau cố gắng hơn mỗi ngày để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Ngày công bố danh sách anh em trúng tuyển, chúng tôi hồi hộp, lo lắng. Chúa ơi! Có tên hai thằng. Chúng tôi chúc mừng nhau. “Lại cùng lớp rồi!”, tôi và hắn đều nói với nhau như thế. Hữu duyên tương phùng.
Bước vào môi trường học tập mới với nhiều bỡ ngỡ nhưng được học cùng nhau nên chúng tôi cũng an tâm phần nào. Tôi được bầu vào ban lễ tân thì hắn xung phong làm phó ban. Nhiều lúc hắn trêu tôi: “Chú không rời anh một tý nào à! Hết đại học, đi thực tập, lớp Tiền rồi Chủng viện, giờ lại cùng ban...”. Anh em trong lớp thắc mắc: “Hai thằng ai là anh, ai là em?”. Chúng tôi chỉ mỉm cười. Giữa tôi và hắn cũng chẳng biết nữa.

Năm Tu đức qua như thật nhanh. Chúng tôi có kỳ hè đầu tiên của đời chủng sinh. Tôi được ban đào tạo gửi giúp ban văn hoá còn hắn thì giúp ban thư viện. Những tưởng rằng chúng tôi sẽ tách nhau ra. Thế nhưng, ngay đầu hè tôi phải nằm viện I Nam Định. Nghe biết tin, hắn lên thăm và chăm sóc tôi. Hắn hay chọc tôi: “Chú ốm khéo nhỉ! Trong năm học không ốm mà ốm vào ngày nghỉ hè”. Rồi hắn động viên: “Thôi! Dưỡng bệnh đi. Anh lên chăm sóc là được rồi. Sau này anh già, nhớ mà chăm lại anh...”. Hắn đâu biết rằng, tôi không có cơ hội để chăm hắn. Hắn đưa cho tôi một tượng chịu nạn và một chuỗi tràng hạt rồi không quên nhắc nhở: “Cầm lấy! Nhớ đến Chúa nhé!”. Sau những ngày điều trị, tôi được bác sĩ khuyên làm việc nhẹ nhàng. Tôi thưa với quý cha và các ngài thương gửi tôi sang giúp ban thư viện. Thế là chúng tôi lại được làm chung với nhau. Tôi không biết rằng Chúa đã sắp xếp để tôi được gần hắn những ngày cuối cùng này.

Tôi lên giúp hè ngày mùng 1 tháng 7, muộn hơn so với anh em trong ban. Trông thấy tôi, hắn xuống xách đồ lên cho tôi và không quên trêu tôi: “Chú không rời anh được à!”. Tôi cũng không biết nữa. Thế là chúng tôi lại có nhiều cơ hội để hàn huyên với nhau. Chúng tôi nhắc nhớ về thời sinh viên, ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ kế hoạch sau khi giúp ban và tâm sự về niềm vui dâng hiến. Hắn rất yêu trẻ nên cuối tuần hắn thường đến một vài nơi để giúp và chơi cùng các em cũng như học hỏi kinh nghiệm về cách tổ chức trại hè. Hôm ấy hắn cũng đi giúp trại hè...
Tôi còn đang miên man trong dòng kỷ niệm thì đã đến ngõ quen thuộc dẫn vào nhà hắn. Tôi nóng lòng muốn biết tình trạng hắn thế nào nhưng lại cũng rất sợ một điều gì đó. Gần đến nhà hắn, tôi thấy mọi người đang ở đó rất đông. Chỉ chỏ. Lắc đầu. Khóc lóc. Tôi bỏ vội chiếc xe sang sân bên cạnh và chạy vào nhà hắn. Hắn đã nằm bất động. Tôi không tin những gì trước mắt tôi là sự thật. Tôi chưa và tôi không muốn chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Tôi chạy ngay đến chỗ hắn, nắm chặt tay “Từ nay anh và chú chia tay nhau thật rồi...”. T ơi! Chú hứa với anh những gì. Chú nói với anh làm sao. Nhìn khuôn mặt hắn đầy đặn mà. Không! Hắn đang ngủ đấy thôi, rồi hắn sẽ thức dậy. Tôi như muốn hét thật to lên. Chúa ơi! Con biết Chúa có dự định của Ngài nhưng phận con người quá yếu đuối để đón nhận. Bàn tay Chúa nhân lành đã cắt đứt ngang hàng chỉ, để bức hoạ cuộc đời T đang mải dệt còn mãi dang dở. Hai mươi bốn tuổi đời so với đất trời thì thật ngắn ngủi. Tai nạn thương tâm đến thật đắng lòng. Sự ra đi để lại bao nỗi tiếc thương.

Tôi như không còn phải là chính tôi. Một người đang mất đi một cái gì quá lớn. Hắn vẫn đây mà. Hắn vẫn nằm đây nhưng hắn đã đi một nơi rất xa, nơi ấy biết bao giờ gặp lại. Cha mẹ hắn như người vô hồn, thất thần lại gọi tên con nhưng chẳng rõ thành tiếng. Mấy ông anh đứng lặng người. Mới cách đây hai hôm, tôi cùng anh em trong ban về thăm nhà hắn. Bữa cơm hôm ấy cũng bằng ấy con người đang hiện diện ở đây. Tôi nhớ như in hắn còn nói với bố mẹ: “Bố mẹ nên nghỉ ngơi sớm, giữ gìn sức khoẻ”. Rồi hắn quay sang nhoẻn miệng cười nói với anh em: “Hôm trước (ngày rửa tội đứa cháu thứ ba của hắn hôm mùng 7 tháng 7) chỉ là bữa dạo thôi nhé”. Hắn còn chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi được giúp hè trên Đại Chủng viện, giữ được giờ thiêng liêng, ăn uống quá đầy đủ... Chắc phải lên được mấy cân”. Đêm hôm ấy, mấy anh em chúng tôi cứ nói chuyện mãi. Chẳng ai biết rằng hắn đã chuẩn bị cho một chuyến đi xa.

Sau đó, quý Cha trong ban đào tạo về chia buồn, cầu nguyện và lên kế hoạch tổ chức tang lễ. Tôi được Cha tổng linh giám đưa cho chiếc áo dòng để mặc cho hắn. Tay chân tôi run rẩy. Tim tôi bồi hồi. Chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày tôi mặc áo dòng cho hắn. Hắn có 62 ki-lô-gam thôi mà sao nặng thế? Hay lòng tôi đang nặng. Tôi xin phép hắn, làm dấu và cùng hai người nữa mặc áo cho hắn. Hắn mới mặc y phục cưới màu đen này chưa đầy bốn tháng. Hôm nay tôi thấy hắn mặc thật đẹp, trông hắn tươi tỉnh lắm y như hôm lãnh tu phục vậy.

Với lớp chúng tôi, ngày 27 tháng 3 năm 2018 thật là ngày hồng phúc. Sau gần một năm ở với Chúa, chúng tôi hạnh phúc khi được Đức cha trao tu phục. Cầm chiếc áo trên bàn tay run run, mắt đỏ hoe vì hồng ân Chúa thương. “Từ nay, các con không còn sống như những thanh niên ngoài đời, các con chính thức trở thành chủng sinh và là người của Giáo hội”. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên những lời dặn dò đó của Đức cha. Trong cuốn nhật ký, sau lời cám ơn và cầu nguyện cho bề trên, cha mẹ và mọi người, hắn có viết: “Lạy Mẹ Maria, xin cho tình bạn của con và H luôn đậm đà thắm thiết...”. Hắn đã mặc chiếc áo dòng dầu ngắn ngủi nhưng trọn đời chủng sinh của hắn.

Ngày đưa tang, tôi cầm ảnh hắn. Tôi nghe tiếng mấy bà đạo đức thì thầm chỉ chỏ: “Tội nghiệp!”, “Thầy này đẹp trai nhất nhà!”, “Lạy Chúa tôi! Cứ nhìn cái ảnh này thì bao giờ mới quên được...” cùng với những tiếng thở dài. Ừ! Tấm ảnh này đẹp... Hắn chụp ngay sau ngày lãnh tu phục. Nhìn hắn hạnh phúc lắm. Hắn đã kết thúc cuộc đời lữ hành trong hồng ân. Chúa gọi hắn đi ngay trong đời chủng sinh dẫu nhiều dang dở nhưng đẹp. Tôi cứ nghĩ hắn đang đi tu ở một nơi xa và chắc chắn một ngày nào đó chúng tôi sẽ hội ngộ. Sau nghi thức từ biệt, ca đoàn như đang nói hộ lòng hắn: “Xin vĩnh biệt mọi người. Tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại. Hẹn nhau trên Nước Trời”.

Con đường đưa hắn ra nghĩa địa có vẻ như dài lạ. Tôi nhớ đêm Giáng Sinh năm ngoái. Chúng tôi được ra ngoài nhà thờ chính toà xem văn nghệ và dự lễ vọng. Ăn tối xong, tôi và hắn nhanh nhẹn đi bộ ra bến Fatima để xem hang đá và cầu nguyện cùng nhau. Hôm đó, chúng tôi gặp ông già Noel nhí thật dễ thương. Mới đó thôi. Đây đã là lần cuối tôi đi cùng hắn. Đoạn đường tôi sẽ đi giờ không còn hắn sánh bước. Trống vắng. Chơi vơi. Hụt hẫng.
Cầm bông hoa tươi đặt lên quan tài hắn mà tâm tư tôi rối bời, ngổn ngang. Thân xác hắn đã được chôn vùi. Tôi như chết đứng người giữa những tiếng kêu khóc, gào thét. Hắn đã đi xa thật rồi ư? Mới ngày nào còn chuyện trò to nhỏ thì hôm nay phương trời xa cách. Mới đây thôi còn cùng nhau vui cười thì giờ là cả một trời thương nhớ. Mới hôm nào quấn quýt nô đùa thì giờ đây kẻ ở người đi. Mới ngày nào tình thương gắn bó thì nay cảm nghiệm rời xa. Mới ngày nào còn bên nhau thì hôm nay chỉ còn là nỗi nhớ. Nhớ ngày nào niềm vui gặp gỡ thì hôm nay nước mắt đưa đường... Hắn về nơi mênh mang đất hứa cuộc đời mà! Nơi ấy, tôi và mọi người cũng sẽ đến thôi. “Biết nói gì khi biệt ly. Biết nói gì cho người đừng khóc bây giờ. Biết nói gì cho người đừng gọi tên tôi... Thôi! Chúc tôi lên đường bình an nhé”. Tôi nghĩ hắn đang nói thế.

Tiễn đưa hắn về đến nhà thì trời nổi dông gió. Cơn dông hung dữ như muốn cuốn trôi đi tất cả. Trận mưa kia như muốn rửa sạch tất cả. Tôi nhớ đến ngày nhập học Đại Chủng viện (30/8/2017). Chúng tôi lên trường cũng trong một con mưa lớn. Cơn mưa như muốn bỏ lại tất cả những nông nổi, đam mê của tháng ngày trai trẻ. Con mưa ấy cũng như chút níu kéo, chút nuối tiếc tuổi thanh xuân. Cơn mưa ấy như đánh dấu một hành trình mới trong đời dâng hiến. Cơn mưa hôm nay...

Còn đó những dự định dang dở. Vẫn còn đấy những kế hoạch hai thằng đã tính toán. Còn đấy một tình bạn. Còn đấy những tháng ngày. Người ta nói đúng: Cái nặng nhất trên thế gian này là ký ức. Kỷ vật cuối cùng hắn tặng tôi là một chuỗi tràng hạt hôm chúng tôi đi dã ngoại cùng chủng viện ở linh địa Châu Sơn vào ngày cuối năm học. Lời hắn dặn tôi còn như vang vọng mãi: “Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé!”.
Ngày 31/8, tôi xuống nhà hắn và ra phần mộ thắp hương cho hắn để chuẩn bị lên trường tiếp tục tu học. Gia đình hắn vẫn chưa bớt nguôi ngoai. Tôi cũng chẳng nói được gì. Con đường ra nghĩa trang trải đầy hoài niệm. Bên đường, sóng lúa dập dờn theo những làn gió nhẹ trong ánh nắng đầu thu như thôi thúc bước chân tôi mau hơn. Trên phần mộ hắn, cỏ đã nhú mọc. Mấy cánh bướm chờn vờn đùa giỡn với ngọn cỏ, nửa như muốn bay nửa như muốn đậu. Vài chiếc lá chao đảo bay xuống dùng dằng bịn rịn như chưa muốn lìa cành. Tôi đứng ngẩn người như kẻ chờ hái ký ức. Lưu luyến. Vấn vương. Hụt hẫng. Sợi nhớ sợi thương.

Nấm mồ của hắn đưa tôi về một hiện thực xa cách. Nấm mồ gọi tôi về định mệnh của kiếp người. Nấm mồ dẫn tôi về một hình bóng đã qua. Nấm mồ dạy tôi về sự mỏng manh của kiếp nhân sinh. Nấm mồ nhắc nhở tôi cố gắng trong giây phút hiện tại. Lời chia sẻ cuối cùng của hắn trên trang Facebook cá nhân được người thân nhắc lại: “Đời con như chiếc thuyền trôi, lênh đênh xuôi ngược dòng đời...”. Con thuyền ấy đã sớm cập bến đợi. Con thuyền ấy đã hồi hương. Con thuyền ấy không còn lênh đênh xuôi ngược. Con thuyền ấy không còn nổi trôi giữa biển đời hoang mang nghi ngại. Con thuyền ấy không còn mang chở cát bụi cuộc đời.

Sắp tháng 9 rồi đấy. Tôi tự bảo lòng mình rồi thì thầm với hắn: “Sắp đến sinh nhật anh và chú rồi đấy!”. Tôi chắc hắn nghe thấy và đang mỉm cười. Tôi hơn hắn một tuổi nhưng chúng tôi sinh cùng tháng và chỉ cách nhau có 5 ngày. Ngày còn đi học, chúng tôi cùng trong một nhóm có 10 người (5 nam, 5 nữ). Tôi là nhóm trưởng. Dĩ nhiên, ngoài việc giúp đỡ nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm bài vở, đề cương ôn tập thì việc tổ chức dã ngoại, vui chơi cũng không thể thiếu. Tôi và hắn được nhóm chọn ngày 15 tháng 9 để tổ chức sinh nhật chung. Cũng không cầu kỳ gì, không bánh, không nến nhưng có niềm vui, có hạnh phúc, có tình bạn, có sẻ chia. Trước mỗi kỳ thi, năm anh em siêu nhân chúng tôi thường tổ chức bữa cơm thân mật để lấy động lực. Đồng thanh tương ứng. Chỉ cần một cú điện thoại triệu tập là tất cả chúng tôi có mặt đầy đủ, đúng giờ. Tôi nhớ đến những lời hát của hắn trong những buổi liên hoan. Giọng hắn ngang lắm nhưng hắn lại là cậy văn nghệ của nhóm, tự tin thể hiện. Tất cả chỉ còn là nỗi nhớ.
Tôi trách hắn: “Chú còn nợ ngày gặp mặt đấy nhé!”. Trước khi chia tay cánh cửa đại học, tôi và hắn cùng nhóm đã tổ chức đi thăm gia đình của các anh em. Chúng tôi hồ hởi dong duổi trên những con đường quê ở Hà Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nam Định. Ngày ấy, chúng tôi hẹn nhau 10 năm nữa sẽ đoàn tụ đông đủ. Bây gờ thì lời hứa hẹn ấy đã không thể rồi. Ngày tập họp chắc chắn sẽ không đủ đầy... Hôm mùng 7 tết vừa rồi, biết bố tôi bị ốm nặng, hắn đã gọi điện cho hai anh bạn thân ở Thái Bình và Quảng Ninh về thăm bố tôi. Tối hôm đấy bốn anh em chúng tôi cũng “khớ”. Và hôm đấy cũng coi như ngày gặp mặt sớm của nhóm chúng tôi.
“Anh đi học đây! Cầu nguyện nhiều cho anh nhé!”, tôi nói với hắn trước khi ra về. Hành trình ơn gọi của tôi sẽ còn nhiều gian nan, thử thách đòi buộc tôi cố gắng rất nhiều. “Giờ con phải tu cả phần của T nữa nhé!”. Lời bố của T gửi gắm tôi. Hay đó là lời nhắc nhở tôi.

Thoáng chốc đã gần một năm hắn đi xa. Mọi người vẫn còn nhắc nhiều về hắn, nhất là trong những buổi gặp gỡ. Chắn chắn gia đình hắn, tôi và những ai từng biết hắn cần một thời gian nữa để nguôi ngoai. Ở nơi xa kia, tôi tin rằng hắn vẫn đang dõi theo tôi, cầu nguyện cho tôi, nâng đỡ tôi. Mãi mãi một tình bạn T nhé...

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Thầy Đaminh được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Tác giả: Hùng Lê – Cồn Bẹ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập526
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm456
  • Hôm nay55,174
  • Tháng hiện tại604,515
  • Tổng lượt truy cập70,632,272
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây