Nét riêng trong ngữ nói của giáo dân Bùi Chu
Thứ hai - 15/07/2019 19:14
3023
Đạo Công giáo đi vào Việt Nam từ những năm giữa thế kỉ XVI (1533), khởi điểm tại làng Trà Lũ và Ninh Cường thuộc tỉnh Nam Định. Cuộc sống của người giáo dân nhộn nhịp và phát triển theo dòng chảy của thời gian. Cùng với đó là đời sống thiêng liêng của họ không ngừng thăng tiến từng ngày. Giáo dân nơi đây đạo đức và thánh thiện qua từng câu kinh, tiếng hát mỗi ngày. Mỗi câu kinh của người giáo dân như một lời cầu nguyện, lời thì thầm dâng lên Chúa. Do đó, giọng điệu, cung bậc lúc đọc kinh, lúc hát nhẹ nhàng, sâu lắng và da diết khi trầm lúc bổng. Đây chính là lí do khiến cho vùng đất Nam Định nổi tiếng với nét riêng trong ngôn ngữ địa phương: Nói ngọng “L” và “N”.
Đi dọc theo quốc lộ 21, sâu xuống vùng Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy những huyện gần biển - là những nơi được tiếp xúc và gắn bó với đạo Công giáo từ những ngày đầu vào Việt Nam, ta có thể gặp những con người giáo dân hiền lành và mến khách. Vào mỗi buổi sáng, trưa, tối người giáo dân lại tới nhà thờ đọc kinh, và tham dự Thánh lễ. Ta sẽ dễ dàng nghe nhận ra sự đặc biệt trong những lời kinh của người giáo dân nơi đây. Họ cất tiếng kinh : “Nạy Chúa, Chúa nà Đấng...”, “Nạy Nữ vương, Mẹ Nhân nành” (Lạy Chúa, Chúa là Đấng.... / Lạy Nữ vương, Mẹ Nhân lành). Sự đặc biệt đó nằm trong phát âm của họ: họ nói ngọng giữa L và N. Điều này đã xuất hiện từ rất lâu rồi, nó có ngay từ khi ông cha nơi đây biết đọc kinh. Người giáo dân nói chung trên toàn cầu, họ nhận thức được rằng, mỗi câu kinh, mỗi lời ca là một lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa. Do đó, mỗi câu kinh, lời ca ấy được trau truốt trong từ ngữ, và trong cả giọng điệu, cung bậc phát âm. Với người giáo dân Nam Định giáo phận Bùi Chu nói riêng, điều này càng được chú trọng hơn nên không bất ngờ khi họ nói ngọng “L” và “N”. Nếu để ý kĩ hơn, ta có thể bắt gặp được cả sự phát âm ngọng của họ trong cả S - X và Tr - Ch”. Tuy nhiên, điều này không phổ biến mà chỉ diễn ra ở một vài khu vực nào đó.
Qua tiếp xúc và trò chuyện với họ, ta có thể dễ nhận ra nét riêng của người dân nơi đây là nói ngọng giữa L và N. Họ nói chuyện rất tự nhiên và thanh thoát với nhau nhưng lại không mấy ai để ý về chuyện phát âm sai giữa L và N. “Nay bác nàm ở nhà bà Nan à ?” - (Nay bác làm ở nhà bà Lan à?). Thực tế, người dân nơi đây phát âm chữ N và L thành L thấp. Điều này khác biệt với người dân Hải Dương và một số ít vùng ven đó, họ nói N thành L.
Trải qua thời gian, người dân sống tập trung trong một cộng đoàn giáo xứ, đời sống sinh hoạt gắn liền với nhau, nói chuyện, và đọc kinh cùng nhau. Cứ thế cho tới tận bây giờ, không ai bảo ai, họ vẫn nói chuyện và đọc kinh và vẫn nói ngọng L và N. Từ các thế hệ già “chuyển giao” cho thế hệ trẻ và cho con cháu họ. Chính môi trường cộng đoàn giáo xứ, gia đình đã lưu giữ được nét thú vị này của người dân Công giáo. Đây được coi như nét riêng trong văn hóa, trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của người nơi đây. Nói như thế không phải là tất cả người dân Bùi Chu đều nói ngọng, vẫn có một số ít tự chỉnh sửa được cho bản thân qua thời gian rèn luyện, đặc biệt là những người trẻ được đi học, được giao lưu với các vùng miền văn hoá khác. Như vậy, mỗi người hoàn toàn có thể luyện tập để ngôn từ sử dụng hàng ngày trong giao tiếp được chuẩn chỉnh hơn, nhưng vẫn giữ được nét tinh hoa văn hóa của quê nhà trong lời ca, tiếng hát và cả câu kinh chúc tụng Thiên Chúa.