Để hiểu về tục ăn trầu cau của người Việt, trước hết người viết sẽ đề cập tới cây cau, sau đó đi vào tục ăn trầu cau. Trước hết, theo tác giả Nguyễn Ngọc Chương, trong Trầu cau - nguyên nhất thư - triết thuyết Việt Nam, cây cau là cây vũ trụ: Cây cau là cây thẳng đứng đo bóng mặt trời, mặt trăng, thu hút cả trời - trăng. Thuật ngữ gọi là Gnomon, một thứ đồng hồ tự nhiên, đựng thời gian. Đó là cây vũ trụ, câu truyện đồng dao kể rằng:
“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đồng xa,
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”
Con mèo là mặt trời, ở trên mặt đất, con chuột ở hang, trong lòng đất là mặt trăng. Câu chuyện nói đến Âm Dương xoanh quanh cái nguyên nhất là cây vũ trụ. Mèo và chuột thay nhau trèo “cây cau” như ngày và đêm thay nhau hòa vào cây cau vũ trụ.
Câu chuyện đồng giao mèo - chuột cũng đề cập đến không gian của vũ trụ: “con mèo mà trèo cây cau”, trèo cây thẳng đứng, trục thẳng đứng. Cây cau là cây thẳng đứng, tập hợp của các đốt thể hiện các sự nối tiếp vĩnh cửu, cây vô hạn. “Chú chuột đi chợ đồng xa, đi theo mặt phẳng vuông góc với cột cây thẳng đứng với phương hướng và khoảng cách xác định. Trục thẳng đứng và mặt phẳng vuông góc vô hạn khiến chúng ta hình dung ra một không gian hình cầu vô tận. Mèo chuột về sau chuyển sang thành rồng phượng, Âm Dương của quy luật và sự luyến quyện của tiên tổ nam và tiên tổ nữ làm nảy nở giống rồng tiên. Xuất nguồn mèo - chuột là cơ sở gốc của huyền thoại. Mèo được thay bằng chim. Trong ngôn ngữ gọi chim chuột là để chỉ sự việc nam nữ có tình ý với nhau”.
Trầu cau thể hiện tính nguyên nhất ở chỗ 3 người cụm lại 1 cây cau, tảng đá do dây trầu quấn vào làm một, thể hiện tính nguyên đa. Các cá thể, phản thể trở về với một là thái cực. Thái cực là cái Một, nhập với vũ trụ. Vũ trụ là thời gian vô cùng và không gian vô tận nên thể hiện là người thành cây, đá… có nghĩa là vạn vật là một, lúc cái này lúc cái kia như tất cả là hoà đồng, chuyển đổi và nguyên nhất. Cũng như trong chuyện Tấm Cám, lúc là cây đào, lúc là quả thị, và lại là Cô Tấm.
Truyền thuyết Việt Nam giải đều trong những biểu tượng lãng mạn và nên thơ. Kể ra còn rất nhiều cách làm như thế. Âm Dương: lưỡng thể (số 2) trong Âm Dương thể hiện hai giới tính, nam và nữ đại diện cho quy luật Âm Dương gốc của mọi sự hòa đồng và mâu thuẫn phức tạp. Mọi phức tạp trong thế giới có là do lưỡng thể phức hợp ra muôn vàn muôn vẻ của cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp, vô cùng đến vô cùng của ác và thiện. Nhưng dù là lưỡng thể có rắc rối đến đâu rồi cũng dồn về nguyên nhất như nguyên lý trầu cau.
Trầu cau nhấn mạnh đến số Ba - Ba là tất cả, là phần thể của nguyên nhất, cũng là nguyên nhất. Cây cau là quá khứ, tảng đá là hiện tại, dây trầu là tương lai. Ba thì của một quá trình vĩnh hằng, vĩnh cửu của thời gian. Ba là Âm Dương hoặc là hợp nhất, hoặc là từ nguyên nhất là một ra hai thành ba. Nhân dân ta gọi cái cây thẳng đứng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau cho miệng thơm, môi đỏ.
Dựa theo tác giả Nguyễn Cừ trong Truyện cổ tích Việt Nam-tuyển chọn những truyện cổ tích Việt Nam hay nhất thì: tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mối lương duyên, và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, lễ cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở nên tục cố hữu của dân tộc Việt Nam.
————————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- X. NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG, Trầu cau – nguyên nhất thư – triết thuyết Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 2009, tr. 17-18.
2- Nt, tr. 58-59.
3- X. NHƯ HÙNG, Phong tục dựng vợ gả chồng, NXB Hải Phòng, Hải Phòng 2010, tr. 31.
4- X. NGUYỄN CỪ, Truyện cổ tích Việt Nam – tuyển chọn những truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, NXB Văn Học Tp. Hồ Chí Minh, Tp. HCM 2008, tr. 405-406.
Tác giả: Agape