ĐC Giuse Hoàng Văn Tiệm, tông đồ Đức Nữ Trinh
Thứ năm - 17/08/2017 06:11
8557
Lòng sùng kính Đức Mẹ đã trở thành một “di sản” châu báu của Giáo phận Bùi Chu. Tinh thần “mến Mẹ thiết tha” đã như thấm vào máu con dân Bùi Chu, nên đi đâu cũng mang trong mình, trong hoàn cảnh nào cũng muốn thể hiện, ở chân trời xa xăm nào cũng muốn cổ võ, loan truyền.
Lòng sùng kính đó được thể hiện trước tiên qua việc siêng năng lần hạt và truyền bá Kinh Mân Côi, rồi qua việc nhiều Chủ Chăn của Giáo phận nhận những khẩu hiệu, châm ngôn và hành động thấm nhuần tinh thần Maria mà điển hình là việc khấn dâng Giáo phận cho Đức Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1858, việc thiết lập nhiều Dòng Tu và hiệp hội đạo đức mang tước hiệu Đức Mẹ, như Dòng Mân Côi (1946), Dòng Khiết Tâm (1952), Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (1953), Dòng Trinh Vương, Dòng Thăm Viếng, hội Mẫu Tâm Từ Thiện, hội Mẫu Tâm Công Chức, hội Mẫu Tâm Học Sinh... Các Chủng viện gần đây nhất cũng đều mang danh Đức Mẹ: Chủng viện Mẫu Tâm (1955) và Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm (2010).
Ngày 17 tháng 8 vừa qua, vào rạng sáng ngày thứ Bảy ngay sau lễ Mông Triệu (lễ Mẹ được gọi về trời), một Tông đồ của Đức Nữ Trinh đã được “ơn chết lành trong tay Đức Mẹ”. Vâng, Đức Cha Giuse đã thiếp vào giấc ngủ ngàn thu ngay khi trên tay còn lần chuỗi và môi miệng còn vang câu “lời kinh Kính Mừng tựa muôn đóa hồng tỏa hương thắm nồng”...Nếu như ngày 8 tháng 8 năm 2001, con dân Giáo phận Bùi Chu đã nức lòng phấn khởi khi được chứng kiến tận mắt lễ phong chức Giám mục của Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB, giám mục Giáo phận Bùi Chu, thì ngày 21 tháng 8 năm 2013 vừa qua, sau 12 năm 9 ngày, họ lại phải đau lòng rơi lệ tiễn đưa Ngài về nơi an nghỉ cuối cùng. Dẫu biết rằng “sinh ký tử quy” và rằng “sự sống thay đổi chứ không mất đi”, nhưng sao lòng người vẫn cứ thấy buồn thương tiếc nhớ khôn nguôi và dòng lệ trên mi sao cứ tuôn rơi không sao cản nổi...
Dòng lệ cứ rơi vì ký ức ào về, những dấu ấn sống động như thể xóa đi một sự thật là “Đức Cha Giuse không còn nữa, Ngài đã ra đi” (Lời than của Cha Chính Giuse trước linh cữu). Hình ảnh một ông nội vui tính, một người cha cần mẫn, và một người mục tử hăng say nhiệt thành cứ hiện về đan quyện vào nhau, đầy ắp tâm tư đến trào tràn ứa mi...
Ông Nội vui tính
Biệt danh “Ông Nội” đã được con cái trìu mến dành riêng cho Đức Cha Giuse như một cách xưng hô thân thương ấm áp, không phải chỉ do bài hát “Em thương Ông Nội”[1] mà Ngài hay trình diễn, nhưng còn là vì cách sống rất “gia đình” của Ngài. Chẳng hạn trong cách xưng hô, ít khi Ngài xưng mình là “tôi” mà hay xưng “tớ” và gọi các cha trẻ, các thầy, các sơ là “các cháu”. Có lần đang loay hoay làm việc, chúng tôi thấy “Ông Nội” đi qua gọi “tẻ ơi” là biết ngay có “họp” đột xuất, lại có gì đó “sột soạt” để “lên tinh thần ghê gớm” đây. Cũng chẳng cao lương mĩ vị gì đâu, có khi chỉ là mấy cái bánh, cái kẹo, hay vài miếng hoa quả... Cái món khoái khẩu nhất của “Ông Nội” là vài lát pho-mát và nửa ly nước ngọt hoặc bia lạnh, hoặc chút rượu vang ... Bọn “tẻ” chúng tôi thích nhất cái câu “đúc kết” sau đó: “Các cháu có thấy tinh thần nó lên ghê gớm không?”... Tính “Ông Nội” rất thảo lảo, có cái gì là “giải quyết” ngay, “xử lý” hết, “để lâu nó nguội mất ngon”...
Ngài cũng có khiếu kể truyện cười, “đầy một bụng”, móc cái là có truyện kể ngay... Ngồi với “Ông Nội” một lúc là các cháu cười không kịp phanh, cười ôm cả bụng... Có những câu truyện cười trào phúng đã phủ sóng cả quốc tế... chẳng hạn như câu truyện “giọt tiết canh làm bi xe đạp!”, “sao đốt pháo lại kêu?”, “cho rờ bụng được tiền”...
Nhiều khi một vài “đấng bậc” không thích lắm, vì xem ra làm thế “gần gũi bề dưới quá, mất cái uy của giám mục”, nhưng tụi “tẻ” thì thích lắm, chúng không thấy cái khoảng cách cha chú thường gặp, chúng không còn bị dị ứng bởi cái gọi là “gia trưởng” mà cảm nếm được cái ấm áp của “gia đình”. “Ông Nội” thì cứ vô tư: “Lỡ mang danh ‘ông nội’ thì biết làm sao? Làm sao đây, biết làm sao đây?...” Ngài cứ hay tự an ủi: “Kệ, cho tẻ nó thích”, rồi nhoẻn miệng cười một cách hồn nhiên trẻ trung. Về mặt này, Ngài đã kế thừa một cách tốt đẹp gia sản “Salêdiêng - Don Bosco”.
Người Cha ân cần
Nhớ về Đức Cha Giuse, chúng ta cũng nhớ về một hình ảnh của một người Cha cần mẫn. Ngài không chỉ là cột trụ đứng mũi chịu sào trong nhiều công việc trọng đại, mà còn thường chăm sóc mỗi ngày đời sống chung, từ những điều nhỏ bé nhất.
Mỗi lần đi đâu, Ngài đều mau chóng trở về, vì nhớ mái ấm Giáo phận. Có lần nhớ quá không chịu nổi thì đổi vé về cho nhanh. Đó là tâm hồn của một người Cha luôn gắn bó với con cái, với gia đình Giáo phận, không muốn rời xa, không muốn vắng mặt, vì “xa là nhớ” cái khung cảnh “gần nhau là cười” của “cả nhà thương nhau”. Lúc ở nhà, mỗi sáng, sau Kinh Sáng, Thánh lễ và bữa sáng, Ngài thường đi dạo một vòng nhà chung để “kinh lý” hết một lượt. Buổi chiều, sau 4 giờ cũng thế. Sau này chân đau, thì mỗi ngày hai chuyến “bình bịch” cũng đủ “tham quan” và “thăm viếng” toàn bộ khu vực nhà chung.
Đi đến đâu, xem thấy cái gì, cũng muốn chụp, muốn mua về cho các cha, các cháu ở nhà xem và thưởng thức. Cứ lần nào đi ngoại quốc thì cũng bị phạt “hành lý quá ký” vì có đựng nhiều tượng ảnh, xâu chìa khóa... về biếu các cha, tặng các cháu, trong khi cho mình thì chỉ có vài bộ trang phục bình dị. Tấm lòng người Cha là thế... miễn là con cái vui thì mình cũng vui rồi. Khi ai cho và biếu cái gì, Ngài đều mang chia chung cho mọi người trong nhà, chứ không dùng riêng. Cả nhà có vui cùng hưởng, có buồn cùng chịu... Ngày Tết, mọi người góp quà rồi kéo lô-tô... Người ít kẻ nhiều ai cũng có giải thưởng ôm về. Dịp Trung Thu và Giáng Sinh thì tổ chức văn nghệ bỏ túi, các ca sĩ giọng thuốc lá thuốc lào tha hồ khoe giọng... nhảy múa từng bừng. Ngài đúng là một người Cha nhiều sáng kiến, năng động và “chịu chơi”, khiến đoàn con ít khi có giờ mà buồn.
Nhưng nói thế không có nghĩa là Ngài chỉ chăm lo tới những nhu cầu ngắn hạn của con cái. Bên cạnh những việc chăm lo đời sống nói trên, Ngài cũng thao thức cho con cái mình được thăng tiến về tu đức và tri thức. Một loạt các cha, các thầy, các sơ được gửi đi du học nước ngoài (Ý: 15 người; Pháp: 15; Philippines: 10; Nhật: 2; Mỹ: 7...). Học viện liên tu sĩ Têrêsa Avila được mở ra từ năm 2002 để giúp các nữ tu thăng tiến đời sống thánh hiến. Nhất là Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu được thiết lập vào năm 2010 sau “bao nhiêu nước mắt và đau khổ” (như Ngài thường hay chia sẻ) đã trở thành trường đào tạo với hàng trăm chủng sinh, không chỉ riêng của Bùi Chu mà còn có cả chủng sinh của các nơi họp về nữa.
Hơn nữa, bên cạnh việc lo liệu cho con cái có điều kiện học hành, Ngài còn trực tiếp nghiên cứu giảng dạy. Trước khi về Bùi Chu, Ngài đã có kinh nghiệm giảng dạy tại Học Viện Salêdiêng (1973-1975) và tại Đại chủng viện Hà Nội (1995-2001). Trong thời gian này, Ngài đã biên soạn bộ sách Thần học Luân lý Mục vụ giúp chủng sinh có cái nhìn cụ thể và hữu dụng về các vấn đề thực tế, giáo trình Thánh Mẫu Học[2], . Sau này, dù làm giám mục rất bận bịu, Ngài vẫn dành thời giờ biên soạn các bài giảng mỗi lễ Chúa Nhật, lễ trọng và các bài huấn đức mỗi buổi sáng cho các chủng sinh và các nữ tu.
Dĩ nhiên, để có thể làm được như thế, người Cha đã phải hao mòn, hy sinh vất vả rất nhiều. Nhưng đã là Cha thì kể gì hy sinh vất vả... Đó cũng là tấm lòng của một người Mục tử, một người “Cha” đúng nghĩa như danh xưng mà các tín hữu vẫn dành cho các vị mục tử trong Giáo hội.
Mục tử hy sinh
Trong bài ca “Đến muôn đời”, Đức Cha Giuse đã tự bộc bạch rằng: “Đời con, bao nhiêm năm sương gió nổi trôi, bao nhiêu năm nước mắt đầy vơi”. Có lần Ngài đã chia sẻ về quãng đời ba chìm bảy nổi chín lênh đênh đó, thật là cam go trắc trở chông gai...
Về với Bùi Chu, Đức Cha Giuse đã hiểu là phải dấn thân vào một chặng đường mới đầy gian lao. Ngài đã linh cảm điều đó trong bài ngỏ lời đầu tiên vào cuối thánh lễ tấn phong giám mục (8/8/2001) với bài suy niệm “Người bảo sao cứ làm như vậy” (Ga 2,5).
Tuy nhiên, chính trong những gian lao đau khổ ấy, “tình yêu Chúa tuôn xuống luôn dạt dào” và tấm lòng người Mục tử cũng được biểu lộ, dâng trao. Mười hai năm chín ngày trong cương vị Giám mục, Ngài đã hy sinh tận tụy với một nhiệt huyết không mệt mỏi. Từ việc kiến thiết khu vực Tòa giám mục, xây nhà nguyện Tòa Giám mục, xây Đại Chủng viện (cơ sở 1 rồi cơ sở 2), trùng tu Nhà nguyện Dòng Kín (Nhà Nguyện Thánh Thể), lấy lại khuc vực Khoái Đồng... đến việc lo mở trường, mở lớp và chuẩn bị nhân sự cho công cuộc đào tạo linh mục và tu sĩ cho Giáo hội[3]. Đôi chân của Ngài hầu như không ngừng nghỉ để luôn rảo bước tìm mọi cách để nâng Giáo phận đi lên. Nơi đâu trong Giáo phận cũng có in dấu chân mục tử của Ngài, khi thì ban phép Thêm sức, lễ khấn dòng, lễ tạ ơn; khi thì thăm viếng các Cha già ốm đau hoặc chủ tế Thánh lễ An táng cầu nguyện cho các ngài; khi thì khánh thành nhà thờ, nhà nguyện, nhà giáo lý, các tượng đài...; khi lại là dịp đại hội hội đồng mục vụ, gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, ơn gọi... Nơi đâu Ngài cũng rao giảng hăng say để khích lệ mọi thành phần dân Chúa sống đạo, truyền đạo và cố gắng làm gương bằng cách sống giản dị, bình dân, gần gũi, xốc vác... Cách sống giản dị là cách biểu hiện của một tấm lòng hy sinh quên mình vì tha nhân. Đó là triết lý sống yêu thương quên mình của “hạt giống” Tin Mừng và “chính là gia sản tinh thần Cha để lại cho chúng con, được dệt nên từ những lời cầu nguyện và đời sống đơn giản, hy sinh nhiệm nhặt của Cha” (trích Lời cảm ơn trong Thánh lễ An táng Đức Cha Giuse của Đức Cha Tôma).
Nhưng có lẽ những hy sinh ít người biết đến lại là những hy sinh âm thầm mà Ngài đã lặng lẽ gánh chịu. Có khi là những hiểu lầm, cứng cỏi, chống đối; có khi là những khó khăn trăn trở về đời sống linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giới trẻ...; có khi là những phức tạp của những mối tương giao đạo đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái... Gánh nặng của hơn bốn trăm ngàn giáo dân, gần một ngàn tu sĩ, gần hai trăm linh mục... Gánh nặng của một buổi giao thời đầy nhiễu nhương, của một nền đạo đức đang xuống cấp trầm trọng, của những trào lưu sống đang nhạt dần đức tin và lòng đạo, của một thế giới quá nghiêng về vật chất và hưởng thụ...
Mái tóc Ngài vì thế mỗi, ngày bạc thêm; đôi chân mỗi ngày đau thêm; sức lực mỗi ngày hao mòn thêm... và rồi Ngài đã hoàn thành lễ hy sinh toàn hiến của mình vào lúc 4 giờ sáng thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2013.
Tông đồ Đức Nữ Trinh
Suy gẫm về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Cha cố Giuse, chúng ta tự hỏi: đâu là bí quyết giúp Ngài hoàn thành một cách tốt đẹp sứ vụ mục tử của mình với niềm vui trao ban của một “Ông Nội vui tính” và tấm lòng của một “Người Cha ân cần”? Không khó khăn lắm để chúng ta đưa ra câu trả lời: đó chính là lòng sùng kính Đức Mẹ tha thiết. Vâng, câu nói cửa miệng của Đức Cha Cố là “Cầu xin Đức Mẹ ban ơn”, có gì khó khăn là lại họp nhau lần hạt. Quả thật, nhìn lại hành trình dương thế của Đức Cha, chúng ta thấy dường như Ngài đã làm tất cả những gì có thể để tôn vinh Đức Mẹ và nhờ Mẹ mà đi đến thành quả tốt đẹp.
Khi sáng tác nhạc chẳng hạn, Ngài viết về Đức Trinh Nữ rất nhiều và hay nhất. Ta thấy chỉ trong cuốn “Du dương lời thánh ca” thôi, cũng có thể đếm được 42 ca khúc dâng Đức Mẹ do Ngài sáng tác, trong đó có những bài ca thật hay với những lời ca thật ngọt ngào: “Con yêu Mẹ, con hát lên cho Mẹ nghe...” (Con yêu Mẹ con hát), “Mẹ ơi, con mến Mẹ thật nhiều...” (Con mến Mẹ thật nhiều), “Maria là Mẹ của con” (Mẹ yêu con bé nhỏ), “Mùa hoa đã tới, con hái hoa, con hái hoa dâng Mẹ yêu...” (Mùa hoa đã tới), “Như ánh mặt trời rực rỡ...” (Người Nữ khải huyền)... Gần đây 12 ca khúc tiêu biểu trong số đó đã được ra mắt qua album “Người Nữ Khải huyền” [4]. Những ca khúc hát về Mẹ đơn sơ, êm ái, dịu ngọt, như những lời ca tiếng hát hồn nhiên mà một trẻ thơ hát cho Mẹ mình nghe... Con trong lòng Mẹ, Mẹ ở bên con, yêu thương trìu mến, che chở giữ gìn... Vì thế, khi làm giám mục, câu khẩu hiệu cũng là lời nhắn bảo của Đức Mẹ: “Người bảo sao con cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Trong việc kiến thiết Tòa Giám Mục, Ngài cho làm vườn Ave 1 và 2 (150 Kinh Kính Mừng bằng nhiều ngôn ngữ để cho thấy sự phổ biến khắp thế giới của lòng sùng kính Đức Mẹ), rồi Nhà nguyện Ave Maria, Tràng hạt Mân Côi bằng đá lớn, nhiều tượng Đức Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau... Ngài cũng đã tôn phong nhiều Đền thánh kính Đức Mẹ như Đền thánh Mẹ Thiên Chúa (Trung Lao), Đền thánh Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Thức Hóa) và xin Tòa Thánh cho Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Phú Nhai) lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Không những thế, về học thuật, Ngài cũng đóng góp một giáo trình Maria học để giúp tìm hiểu thần học về Đức Trinh Nữ[5] và nhiều bài giảng, bài viết rất hay về Đức Mẹ.
Yêu mến Mẹ thật nhiều như thế, Ngài cũng được Đức Mẹ thương, lo liệu cho mọi việc tốt đẹp. Hầu như Ngài khấn xin gì tốt đẹp, Đức Mẹ cũng ưu ái ban cho. Có lẽ món quà mà Ngài ấp ủ và vui mừng nhất chính là Đại Chủng Viện Bùi Chu. Năm 2009, nhân dịp đi dự buổi họp mặt các Giám mục Salêdiêng trên toàn thế giới, Ngài đã lặn lội sang tận Fatima để khấn xin Đức Mẹ cho việc mở Đại Chủng Viện. Quả nhiên, mấy tháng sau, vào ngày 7/12/2009, Tòa Thánh đã phê duyệt nguyện vọng mở Đại Chủng Viện và rồi năm học đầu tiên đã được khai giảng vào niên khóa 2010-2011. Khi nhận được văn thư của Tòa Thánh, việc làm đầu tiên của Ngài là tạ ơn Đức Mẹ đã thương nhận lời.
“Mẹ về trời, Mẹ dọn chỗ cho con đi...” Đức Cha Giuse đã ước nguyện như thế trong ca khúc “Mẹ về trời”. Vâng, đúng như Đức Cha đã dự cảm: ngày ra đi của Ngài đã xảy ra vào sáng sớm ngày thứ Bảy ngay sau lễ Lễ Mẹ Lên Trời. Trong bài giảng Thánh lễ An táng, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo cũng đã gợi lên ý tưởng đó: “Tên Đức Mẹ luôn ở trên môi trên miệng Đức Cha. Khi nghe nói Đức Cha được Chúa gọi về Nhà Cha vào ngày Thứ Bảy, con cái Bùi Chu đã nói ngay cách hết sức bộc phát: ‘ Đúng là Đức Mẹ đã xuống đón Đức Cha về trời vì Đức Cha chúng con có lòng mến yêu Đức Mẹ lắm.’”...
Một kết cục rất ý nghĩa và đầy hy vọng cho vị Tông đồ của Đức Nữ Trinh, vì nếu “Mẹ ở bên con yêu con mãi mãi” khi con sống đời dương thế, thì “Mẹ dọn chỗ cho con đi” về thiên đàng. Từ đây con hết chặng đường “cất bước bao chông gai” để bước vào cõi vĩnh hằng “cùng Mẹ gặp Thiên Chúa cho thỏa lòng khát khao” để cùng “ca vang một lời, lời tình yêu”[6].
Đức Cha Giuse đã khuất bóng, nhưng hình ảnh một Ông Nội vui tính, một người Cha ân cần, một Mục Tử hy sinh và nhất là tinh thần “mến mẹ thiết tha” của Ngài còn sống mãi trong lòng con dân Bùi Chu: “Người bảo sao cứ làm như vậy” (Ga 2,5).
Kính mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ (8/9)
và mừng sinh nhật lần thứ 75 của Đức Cha Giuse (12/9)
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
(Trích Ra Khơi, số 8, số đặc biệt, 12/9/2013, tr. 37-40)
[1] Một bài ca có tính sinh hoạt hài hước “chế” lời theo nhạc ngoại: “Em thương ông nội, em thương ông nội / Trời cho mái tóc để đi đâu / Mà ông nhất quyết cạo trọc cái đầu / Gặp lúc mưa rào ông tính sao.” [2] Hoàng Văn Tiệm, Này là Mẹ Con – giáo lý về Đức Maria, Tủ sách Ra Khơi, TGM Bùi Chu, 8/12/2010. [3] Nổi bật nhất là năm 2007, có tới 64 phó tế xuất thân từ chiếc nôi Chủng viện Bùi Chu. Đặc biệt từ khi Đại Chủng viện hoạt động chính thức (2010) tới nay, nhiều thầy học xong tại các học viện hoặc hoàn thành chương trình đào tạo trong hoàn cảnh đặc thù đã tìm được nơi thuận tiện để kiện toàn chương trình học của mình qua các lớp mục vụ ngoại khóa để tiến tới chức linh mục.
[4] Hoàng Văn Tiệm, “Mẹ về trời”, trong CD 12 ca khúc về Đức Mẹ, do Lm. Bùi Ninh biên tập. [5] Hoàng Văn Tiệm, Này là Mẹ Con – giáo lý về Đức Maria, Tủ sách Ra Khơi, TGM Bùi Chu, 8/12/2010. [6] Trích lời các bài hát: “Mẹ ở bên con”, “Mẹ về trời”, “Mừng ngày Mẹ Thiên Chúa lên trời” và “Lời Ave”.