Người Thầy đích thực
Thứ bảy - 19/11/2016 10:08
2894
Trong cuộc đời, biết bao thầy cô đã vẽ đường chỉ lối cho ta để ta có thể bước đi giữa cuộc sống đầy bon chen nghiệt ngã. Thế nhưng, chưa thầy cô nào là người thực sự có thể làm cho ta hoàn toàn tin tưởng ngoại trừ Đức Giêsu – một nhà giáo ưu việt. Tuy ta chưa một lần giáp mặt, song ta lại có thể tôn Ngài là bậc thầy vĩ đại, một người thầy đích thực của mọi thời, bởi vì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người.
Ngược dòng lịch sử cứu độ ta thấy, chỉ Thiên Chúa mới là thầy dạy. Trong chương trình giảng dạy của Người, Thiên Chúa đã cung cấp cả nội dung lẫn phương tiện cho công cuộc khuyến dụ hầu có thể đem lại cho con người ơn cứu độ.
Điển hình là sự vụ xảy ra với Môsê. Mặc dù biết Môsê là người nhát đảm, không đủ tự tin khi đứng trước dân chúng, nhưng Thiên Chúa đã bảo Môsê hãy đi và làm ngôn sứ cho Người. Chính Người sẽ chỉ cho ông phải ăn nói thế nào trước đám dân bất tín. Môsê cố nài nỉ, tìm mọi cách để xin Thiên Chúa loại ông ra khỏi kế hoạch của Người, bởi vì ông là một người không có tài ăn nói. Thiên Chúa không chấp nhận những yêu sách của Môsê. Người vẫn tuyển chọn ông làm đại diện cho dù bản thân ông bất toàn, bất xứng (Xh 4,12).
Khi nói đến vai trò của thầy dạy, Gióp đã minh định một cách chắc chắn rằng, Thiên Chúa quả là một nhà chỉ huy tài ba, một bậc thầy vĩ đại. Ông mạnh dạn tuyên bố: chẳng lẽ người ta lại dạy cho Thiên Chúa thế nào là hiểu biết, há chẳng phải Người là Đấng xét xử từ trên chốn cao vời đó sao? (G 21,22). Đây chính là cách mà Gióp đã dùng để tranh biện cũng như để trả lời cho những lập luận mà các bạn của ông nói về Thiên Chúa, một Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với ý nghĩ của con người.
Còn tác giả Thánh vịnh cũng kêu lên: Lạy Chúa, lạy Chúa, đường nẻo của Ngài, xin dạy cho con biết, lối bước của Ngài, xin cũng chỉ bảo cho con hay. Xin Ngài dẫn con đi theo đường chân lý và dạy bảo con những điều cao quý (Tv 25,4-5). Hơn thế nữa, tác giả Thánh vịnh còn ra sức cầu xin Thiên Chúa dạy cho biết đếm tháng ngày đương sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90,12), vì chính Người là Thiên Chúa cứu độ. Như thế, cách nào đó tác giả Thánh vịnh cũng đã tôn nhận Thiên Chúa là người thầy dẫn đường chỉ lối cho con người trong cuộc sống nhân sinh.
Thời Tân Ước, chính Đức Giêsu là vị tôn sư lỗi lạc. Ngài được gọi là thầy dạy đáng kính phục, khiến mọi người đều kinh ngạc. Những lời Ngài giảng dạy đều có uy quyền, không như các kinh sư (Mc 1,27). Ngài là thầy dạy khát khao; khát khao điều chân, thiện, mỹ; khát khao tìm được hạnh phúc viên mãn; khát khao tìm về mục đích tối hậu là Ngài và cũng là Thiên Chúa. Vì thế, trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, Ngài ra sức dạy bảo các môn đệ thực thi những điều hay lẽ phải. Ngài luôn luôn mời gọi các môn đệ cũng như tất cả mọi người hãy sám hối và tin vào Tin mừng. Đặc biệt hơn nữa là Ngài truyền dạy các môn đệ thực hiện đó là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương (Ga 15,14-17). Nhưng để thực thi những lệnh truyền đó, các môn đệ không biết phải làm sao. Chính vì thế mà các môn đệ đã cầu xin Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện để có thể thi hành điều mà Ngài truyền dạy (Lc 11,1).
Như vậy, mỗi chúng ta hôm nay là những học trò thân tín của Đức Giêsu. Mỗi người đều là những hữu thể độc đáo không thể thay thế. Mỗi người cùng được Thiên Chúa ban cho có lý trí, ý chí, tự do và lòng yêu mến. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta ý thức mình là những học trò của Ngài. Hơn nữa phải là học trò hiếu thảo, nhất là trong việc lắng nghe và đem Lời Ngài truyền dạy ra thực hành và áp dụng vào cuộc sống, để cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp.