Tin mừng hóa xã hội
Chủ nhật - 27/11/2016 15:50
1722
Trong Ra Khơi lần trước, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ chủ đề Tin Mừng hóa đời sống xã hội với Thập Giá Đấng Chịu Đóng Đinh[1]. Cùng một dòng chảy suy niệm, trong Ra Khơi lần này, chúng ta nhấn mạnh sứ mạng Tin Mừng hóa xã hội với Đấng Phục Sinh.
Khi Đấng Chịu Đóng Đinh sống lại, Ngài truyền lệnh: “Về bảo với anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (x. Mt 28,7.10). Dựa vào ánh sáng lời hứa của Đấng Phục Sinh, chúng ta cùng chia sẻ với nhau hai khía cạnh của việc Tin Mừng hóa xã hội, sau đó là một kinh nghiệm.
1. Tin Mừng hóa xã hội, đảm nhận cuộc sống đời thường
Trong bối cảnh của Tin mừng, Galilê cụ thể, ấy là nơi Đức Giêsu đã sống cuộc đời công khai gần ba năm với các tông đồ; Galilê cũng là quê quán của các ngài. Nói cách khác, Galilê ấy được hiểu như là cuộc sống đời thường buồn vui, lao công vất vả, có thành công và cả thất bại ... Giờ này, Đức Giêsu mời các tông đồ về lại Galilê, ấy là lúc Ngài đã vượt qua cuộc Tử Nạn, và Ngài đang sống. Như thế, trở lại đời thường Galilê ấy, từ nay trở đi phải mang một con mắt khác: những thất bại hay thành công không nhìn đơn thuần theo cái nhìn của con người nữa, mà là thấm đẫm tinh thần của Chúa.
Ta nhớ, khi vâng lời Đức Giêsu, các tông đồ đã trở về với Galilê đời thường của việc đi chài lưới, thì Tin Mừng theo thánh Gioan kể: họ đã vất vả suốt đêm nhưng không bắt được gì (x. Ga 21,3). Lúc ấy Đấng Phục Sinh vẫn dõi theo họ, nghe cả những tiếng thở dài ngao ngán của họ. Ngài biết rõ những mệt mỏi chán chường của các ông, nhưng Ngài chỉ can thiệp sau khi họ thất bại. Nói cách khác, chính thất bại là cơ hội để các tông đồ khắc ghi trong máu thịt họ rằng họ bất lực. Và chính thời khắc bất lực ấy lại như thể là lúc Chúa chọn, để mở đầu cho việc can thiệp của Ngài. Lại chẳng phải khi Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, Ngài đã chẳng bảo họ đừng mang theo bao bì, túi tiền, hay vàng bạc là gì? Không mang theo của cải, ấy là mời gọi các ông sống kinh nghiệm nghèo thật sự để các ông không cậy dựa vào những khả năng riêng của mình, nhƣng là tin tưởng vào sự hiện diện âm thầm của Ngài đang hoạt động mãnh liệt nơi các ông. Cũng vậy, sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra lần thứ ba giữa lúc các ông thất bại, giữa lúc các ông chẳng biết làm gì (x. Ga 21,14). Giữa lúc ấy, Đấng Phục Sinh làm cho cuộc đời các ông ý nghĩa. Hóa ra, Tin Mừng hóa xã hội ấy là để cho Đấng Phục Sinh đi vào trong tất cả những ngóc ngách của cuộc đời. Từ đó, thành công hay thất bại đều có thể cộng tác vào dự án cứu rỗi của Thiên Chúa.
2. Tin Mừng hóa xã hội, ra đi gặp gỡ
Ngoài ý nghĩa biểu tượng là cuộc sống đời thường, Galilê còn là nơi có những nẻo đường gặp gỡ giữa các dân nước, Galilê của mở lòng ra với người khác, kể cả người ngoại. Thế nên, Tin Mừng nói: “Hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần này đƣợc ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (x. Mt 4,15-16; Is 8,23-9,1). Giữa một xã hội đôi khi bị khép kín bởi cái nhìn chật hẹp về phong tục tập quán, thậm chí bó khung trong cả cái nhìn hẹp hòi của tôn giáo, Đức Giêsu đã dấn mình vào mảnh đất Galilê, mảnh đất của dân ngoại! Còn hơn nữa, Ngài dấn mình vào trong tăm tối của những con người ấy nữa.
Giờ này mời gọi các tông đồ và chúng ta về lại Galilê, Đấng Phục Sinh cũng mời gọi phá vỡ nỗi sợ hãi “ám ảnh” để ra đi gặp gỡ với những người khác, đặc biệt những người không chia sẻ cùng một niềm tin. Chính lúc ta dấn mình trong các cuộc gặp gỡ con người, luôn lớn lao hơn những ý nghĩ hẹp hòi, lúc ấy Đấng Phục Sinh thực hiện lời hứa: “Ngài sẽ gặp chúng ta ở đó”. Lý do đơn giản là vì chính “Đấng Phục Sinh đã đến Galilê đời thường trước chúng ta” (x. Mt 28,7). Cụ thể, chính Đấng Phục Sinh đã dấn mình vào trong những tối tăm, bóng tối của tử thần trước chúng ta. Ngài đang có mặt ở đó và Ngài chờ đợi chúng ta. Ngài có mặt ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng không còn gì để hy vọng, vì chính Ngài là hy vọng. Ngài hiện diện ở ngay cả trong những gì là không thể đối với con người, bởi vì đối với “Thiên Chúa, không gì là không thể” (x. Lc 1,37).
Như thế, Tin Mừng hóa xã hội, ấy là mở lòng ra đón nhận Đấng Phục Sinh để ta có thể đảm nhận cuộc sống đời thường (Galilê), và phá vỡ bức tường sợ hãi ngăn cách để ra đi gặp gỡ người khác. Với quyền năng sống động của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Thiên Chúa làm cho “mọi sự sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (x. Rm 8,28). Chính Đấng Phục Sinh đang âm thầm có mặt ở tất cả mọi biến cố cuộc đời, kể cả những sự kiện xem ra có vẻ vô nghĩa nhất, để từ đó làm thổi bùng lên ý nghĩa lạ lùng. Còn mãnh liệt hơn nữa, chính Đấng Phục Sinh đi bước trước, Ngài đang dấn mình mãnh liệt nơi cõi lòng những “ai ngồi trong bóng tối tử thần”. Ngài cần sự liều lĩnh vượt lên trên nỗi sợ hãi trong lòng ta, để Ngài tỏ quyền năng giải thoát của Ngài.
3. Đấng Phục Sinh loan tin vui
Đáp lời mời của Đấng Phục Sinh “ra đi tới Galilê đời thường của những cuộc gặp gỡ”, chắc chắn mỗi người có những cảm nghiệm rất đặc biệt về sự hiện diện của Ngài ở đó. Riêng bản thân người viết, xin chia sẻ một kinh nghiệm chân thành sau.
Đã gần một năm trôi qua mà hình ảnh những giọt lệ của người mẹ đau khổ vẫn còn sống động, mời gọi tôi đào sâu ý nghĩa và chia sẻ. Số là dịp đồng hành cùng anh em chủng sinh lớp Tu Đức đi nhận diện mục vụ nơi một giáo xứ, chúng tôi tới thăm một gia đình có một cháu gái bị bại liệt và thỉnh thoảng còn bị lên cơn co giật rất mạnh. Khi tới gần giường bệnh nhân, chúng tôi nhận ra rằng cháu gái này không nói được, mà chỉ nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên thinh lặng. Mẹ của cháu cố nói với cháu: con ơi, cha và các thầy tới thăm con đấy. Cháu bé vẫn bất động, không nói gì cả. Thành ra, anh em chủng sinh gợi chuyện để thăm hỏi và chia sẻ với người mẹ. Một chủng sinh chân thành hỏi: “Thưa bác, Chúa cho gia đình bác được mấy anh chị ạ”? Bỗng nhiên, người mẹ òa lên khóc! Người mẹ khóc rất đớn đau, không nói một lời nào cả. Tôi bất lực, không biết làm gì hơn là thinh lặng. Thế rồi chợt có ánh sáng lóe lên, tôi bắt đầu cất bài hát: “Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn... ”. Với tất cả tâm tình, anh em chủng sinh cùng hát rất sốt sắng. Và lạ quá, người mẹ đau khổ giàn dụa nước mắt cũng bắt đầu hát với chúng tôi rất tha thiết. Bài hát kết lại, mà bầu khí sao linh thánh đến vậy. Tôi thấy gương mặt của người mẹ đau khổ bình thản hơn và chị bắt đầu bộc bạch: “Cha và các thầy ạ, nhiều lúc đau khổ đắng cay quá con nghĩ quẩn... Sao Chúa lại để con khổ cực thế này? Gia đình con có tội tình gì đâu, thế mà cháu gái này lại bại liệt nay đã 18 tuổi rồi. Bằng ấy năm trời, con chưa được trọn một đêm ngủ ngon, con phải vệ sinh, lo cho cháu hết mọi sự. Nhiều lúc con kiệt sức mà chẳng biết kêu ai! Con có một cháu trai nữa. Cách đây vài năm, cháu học tới lớp 9 rồi, ngoan lắm ạ. Khi thấy mẹ vất vả chăm nuôi em gái, cháu đã an ủi con: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, con sẽ cố gắng học, để sau này, con sẽ đi làm có tiền nuôi mẹ và em”. Lời nói của cháu làm con được an ủi và vơi lòng chút ít. Nhưng bây giờ lại càng làm cho con đớn đau hơn. Vì vào dịp Tết năm ấy, cháu đi xe đạp tới nhà bạn ăn tết, người ta đi xe máy đâm thẳng vào cháu. Cháu chết mà không kịp nói một lời với con. Đớn đau không kể xiết cha và các thầy ạ. Đớn đau quá, con lại nghĩ quẩn thắc mắc: con có tội tình gì đâu Chúa ơi!”
Các chủng sinh và tôi chỉ biết thinh lặng lắng nghe lời tâm sự và chân thành đồng cảm với người mẹ đau khổ ấy. Sau khi giãi bày xong nỗi lòng, giọt lệ đau khổ của người mẹ trở nên long lanh hơn. Chị gọi con gái bại liệt: “Th[2] ơi, con nhìn cha và các thầy đi”. Cháu Th nhìn chúng tôi, cháu không nói được, nhưng ánh mắt gần gũi hơn trước. Người mẹ nói: cháu biết và hiểu hết những gì các thầy và cha nói đấy ạ. Tôi bắt đầu hát: “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ, gần nhau là mừng... ” Các chủng sinh cùng hát và vỗ tay rất vui. Cháu Th cựa cuội, mỉm cười. Người mẹ nói: cháu hiểu và vui lắm đấy ạ.
Vì lúc còn nhỏ, thấy cháu không được đến nhà trẻ như bạn bè, con đã hát cho cháu nghe đấy ạ!
Lúc này, tôi thấy người bố ở nhà ngoài cũng tới gần, rơi lệ, không nói gì cả. Bỗng như chợt nhớ điều gì đó, người bố nói: “Cha ạ, có nhiều người tới bảo con: sao không đưa cháu Th lên nhà Cô nhi viện, hoặc gửi ở một nhà Tình Thương nào đó để vợ chồng con có thể yên ổn làm ăn kiếm sống. Nhưng con không nỡ lòng nào cha ạ. Có nhiều lúc thấy bà xã vất vả, con ngậm ngùi. Có điều là, từ lúc cháu nhà con bị bại liệt tới bây giờ, thỉnh thoảng có mệt mỏi, nhưng vợ con không ốm bao giờ. Con tạ ơn Chúa. Bây giờ gia đình con đỡ hơn rồi cha ạ. Chúng con chỉ xin Chúa cho chúng con nghị lực để vác Thánh Giá theo chân Chúa thôi ạ. Được cha và các thầy tới thăm, nhà chúng con vui hẳn lên, cháu Th đang muốn được hát với cha và các thầy đấy”. Thế là, có một thầy chủng sinh cất bài: “con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ, biết đi đường nào!”
Tạm biệt gia đình cháu Th ra về, chúng tôi không ai nói với nhau điều gì, nhưng dường như tất cả đều cảm nhận một sự thật là: chính người mẹ, ngƣời bố đau khổ kia mới trao tặng cho chúng tôi bài học về ý nghĩa cuộc đời nhiều hơn là những gì chúng tôi mang đến cho họ; đặc biệt chính người bố người mẹ đau khổ ấy lại chia sẻ thắp sáng đức tin sống động giữa thử thách cho chúng tôi. Vâng, Đấng Phục Sinh đã thực hiện lời hứa: Ngài đến Galilê của khổ đau đời thường trước chúng tôi; Ngài đã cho chúng tôi thấy sự hiện diện lạ lùng của Ngài nơi gia đình cháu Th ấy. Còn nụ cười tươi của cháu Th mãi phản ảnh một sức mạnh lạ lùng có sức phá vỡ những “băng giá ngại ngùng”. Nụ cười của cháu khi có một cuộc gặp gỡ thật đã thấm đẫm nụ cười của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, ấy nụ cười của Tin Mừng cứu rỗi.
Lm. Vinhsơn Mai Văn Kính
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 53-58.
[1] x. Ra Khơi số 14, tr. 19
[2] Vì trân trọng cháu, nên người viết không nêu rõ tên.