Nhờ ơn trên và Năng quyền của Tòa Ân Giải Tối Cao, giáo xứ Bách Tính hân hoan cử hành Năm Thánh mừng kỷ niệm 385 năm Đón Nhận Tin Mừng (1635-2020) và 300 Năm Nhận Sắc Phong giáo xứ (1720- 2020). Năm Thánh sẽ bắt từ ngày 01.08.2020 và kết thúc ngày 31.10.2020. Nhân dịp này, giáo xứ xin được giới thiệu với độc giả lược sử của giáo xứ Bách Tính. I. HIỆN TẠI
Giáo xứ Bách Tính hiện nay gồm 5 giáo họ nằm trên địa bàn 2 xã Nam Hồng và Nam Hoa:
1. Giáo Họ Nhà Xứ (Hồng Thượng, xã Nam Hồng, Huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định)
2. Giáo Họ Đại (Hồng Đại, xã Nam Hồng)
3. Giáo Họ Cát (Hồng Cát, xã Nam Hồng)
4. Giáo Họ Hưng Nghĩa (Hưng Nghĩa, xã Nam Hoa
5. Giáo Họ Trí An (Trí An, xã Nam Hoa)
Xứ Bách Tính nằm bên quốc lộ 21, cách thành phố Nam Định 12 km về phía Đông Nam; phía Đông giáp sông Hồng. Mỗi khi nhắc tới Bách Tính, người ta nhắc tới hai câu thơ: “Nhà thờ Bách Tính đất rồng
Đường Vàng, Sông Ngọc, Chùa Đồng bao quanh”.
Các bậc tiền bối của các làng lân cận, mỗi khi có dịp nói về lịch sử của làng Bách Tính, cũng thường nói:
“Ai về Bách Tính mà coi
Đường Vàng, Sông Ngọc, Chùa Đồng bao quanh”.
Như vậy, nhà thờ Bách Tính được xây dựng trên dải đất có Đường Vàng, có Chùa Đồng và Sông Ngọc chạy dài tới tận Ninh Bình. Khi đi kinh lý các giáo xứ, ghé thăm giáo xứ Bách Tính, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã tặng cho Bách Tính một câu thơ ý nghĩa: “Bách Tính âu ca – Trăm họ một nhà”.
II. NGUỒN GỐC
Khoảng thế kỷ 13, vùng đất Bách Tính đã có dân từ các làng lân cận tới khai khẩn lập ấp. Năm 1635, các tu sĩ dòng Tên đến giới thiệu Tin mừng Đức Kitô với người dân Bách Tính, nhiều người đón nhận cùng sống Tin mừng. Đến năm 1660, được sự giúp đỡ của các thừa sai, giáo hữu cùng nhau đóng góp công của làm nhà thờ và giáo họ Bách Tính được thành lập. Giáo họ nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy. Từ khi được thành lập, giáo họ Bách Tính trở thành cơ sở truyền giáo vì các thừa sai thường phục vụ giáo họ và các vùng lân cận.
Do sức phát triển mạnh của vùng truyền giáo và nhu cầu mục vụ cho giáo hữu, Đức cha Gioan De Santa Cruz Thập nâng Bách Tính lên hàng giáo xứ năm 1720. Nhân dịp kinh lược các giáo xứ trong giáo phận năm 1806, Đức Cha Thánh Y (Iglatiô Delgado) đã phê sổ công hàm nhà xứ. (Theo sách kỷ yếu giáo phận Bùi Chu).
Từ khi hạt giống đức tin được gieo vào lòng đất quê hương yêu dấu này, người dân trăm họ đã ý thức và nhiệt tâm gìn giữ hạt giống Tin mừng mà các vị thừa sai đã dầy công loan báo. Hạt giống nảy mầm tươi tốt, cành lá xum xuê, tỏa bóng cả một vùng rộng lớn: Đó là xứ mẹ Bách Tính đông vui sầm uất, là người mẹ hiền hòa đã sinh ra những người con phương trưởng và đàn cháu đông vui:
Tương Nam cao rộng vẻ vang
Nam Hưng ca hát vinh quang Chúa Trời.
Hưng Nhượng phúc lộc hơn người
Mười sáu xứ họ rạng ngời đức tin.
III. CÁC GIÁO HỌ THỜI XƯA
Năm 1916, xứ Bách Tính gồm 16 giáo họ nằm trên địa bàn 16 xã:
1. Họ Nhà Xứ 2. Họ Hưng Nghĩa 3. Họ Cát 4. Họ Đại 5. Họ Quy Phú 6. Họ Tương Đông 7. Họ Xối Thượng 8. Họ Thượng Lao | 9. Họ Tráng Việt 10. Họ Bình Yên 11. Họ Liên Tỉnh 12. Họ Nam Hưng 13. Họ Duyên Hưng 14. Họ Thượng Trang 15. Họ Vĩnh Thượng 16. Họ Vĩnh Hạ |
Vào thời kỳ đầu, giáo dân trong xứ rất đông. Do đó, các cụ đã tiến hành làm một bộ kiệu Tượng Chúa. Kiệu có hai tầng, tầng trên gồm 8 người khiêng, đứng nghiêm vào tầng kiệu dưới; tầng dưới gồm 24 người khiêng di chuyển.
Cùng với thời gian, các giáo họ đã được các đấng Bản quyền ban sắc nâng lên hàng giáo xứ. Vì thế, số giáo dân không còn đông như trước nữa, và bộ kiệu to lớn này cũng ít khi được dùng đến. Do đó, thời Cha giáo Đaminh Thùy, giáo xứ đã quyết định tháo bỏ bộ kiệu này. Tuy nhiên, khi tháo bỏ bộ kiệu, Cha giáo Đaminh Thùy đã dùng 2 thanh đòn cái của bộ kiệu đó để làm 2 cột lớn của Tòa Chính hiện nay.
Trước đây, các cụ kể lại: có những cuộc rước được tổ chức cách long trọng từ Tương Nam về Bách Tính, và cũng có những dịp đón Đức cha đi kinh lược từ Nam Hưng về Bách Tính được diễn ra rất sầm uất, uy nghi và trọng thể. Vì thế, các cụ đã dự tính để làm bộ kiệu lớn như vậy.
IV. THỜI KỲ TÁCH XỨ
Năm 1918, xét thấy số giáo hữu ngày trở nên đông, Đức Cha Munagorri Trung lấy họ Tương Đông, họ Xối Thượng, họ Thượng Lao, Họ Tráng Việt, họ Bình Yên, họ Liên Tỉnh lập thành Giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Tương Nam.
Năm 1920, Đức Cha Trung tách 2 họ Vĩnh Thượng và Vĩnh Hạ để thành lập giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Hưng Nhượng.
Năm 1925, ngài tách 3 họ: họ Nam Hưng, họ Duyên Hưng và họ Thượng Trang để thành lập giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Nam Hưng ( theo sách kỷ yếu Giáo Phận Bùi Chu).
V. THỜI KỲ SAU TÁCH XỨ
Sau khi Tương Nam, Hưng Nhượng và Nam Hưng được tách ra từ xứ Bách Tính, xứ mẹ Bách Tính còn lại 5 họ, sau thêm 2 họ nữa là họ Trí An và họ Phố Bè. Quan Thầy chung của Giáo xứ là Đức Mẹ Mân Côi (lễ kính ngày 7/10 hàng năm).
1. Giáo họ Nhà Xứ: Quan thầy Thánh Phêrô (lễ kính vào ngày 29/6 hàng năm).
2. Giáo họ Cát: thành lập năm 1750, Quan thầy Thánh Đaminh (lễ kính vào 8/8 hàng năm). Vào năm 1983, được sự cho phép của Giáo phận, giáo họ đã nhận Đức Mẹ Vô nhiễm làm Quan thầy Đệ nhị của giáo họ (lễ kính vào 8/12 hàng năm).
3. Giáo họ Hưng Nghĩa: thành lập năm 1782, Quan thầy Thánh Giuse kết bạn (lễ kính vào 19/3 hàng năm) và sinh nhật Đức Mẹ (lễ kính vào 8/9 hàng năm).
4. Giáo họ Đại: thành lập năm 1749, Quan thầy Thánh Phanxicô Linh mục (lễ kính vào 3/12) và Đức Mẹ Hồn Xác lên trời (lễ kính vào 15/8).
5. Giáo họ Quy Phú: thành lập năm 1798, Quan thầy Thánh Gioan Tông đồ (lễ kính vào 27/2).
6. Giáo họ Trí An: thời kỳ Cha Phêrô Đoán về coi xứ, cha Liễn làm cha phó lập nên họ Trí An năm 1917, Quan thầy Thánh Phaolô trở lại (lễ kính 25/1).
7. Giáo họ Phố Bè: được tách từ một xóm thuộc Giáo họ Nhà xứ (xóm này bên ngoài bãi Sông Hồng). Lý do thành lập Giáo họ là vì: do lòng sốt sắng và mộ mến của bà con giáo dân trong việc sống đạo và giữ đạo, cho nên khi Cha Đaminh Nguyễn Đức Trị về coi Giáo xứ, ngài đã cho xây dựng nhà thờ và lập Giáo họ Phố Bè năm Ất Hợi 1935 và nhận Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su là Quan thầy của giáo họ (lễ kính vào ngày mồng 1 tháng 10 hàng năm).
VI. CÁC XÓM CỦA HỌ NHÀ XỨ
Năm Ất Hợi 1935 là thời kỳ giáo họ Nhà xứ rất đông giáo dân nên các cụ chia làm 6 xóm:
1. Xóm Phố Bè, Quan Thầy Thánh Têrêsa
2. Xóm Đông Nhất , Quan Thầy Thánh Vinhsơn
3. Xóm Đông Nhì, Quan Thầy Trái Tim Chúa Giê-su
4. Xóm Giữa, Quan Thầy Thánh Giuse
5. Xóm Sau, Quan Thầy Thánh Gioan và Thánh Giuse
6. Xóm Tây, Quan Thầy Thánh Phêrô
Vì giáo xứ có các xóm nên giáo xứ, giáo họ có tổ chức công việc gì, Ban Hành Giáo chỉ việc báo cho các ông trưởng xóm, ông trưởng xóm thông báo và đôn đốc bà con trong xóm. Tất cả những việc đó được thực hiện do lòng yêu mến Chúa, yêu mến giáo xứ, yêu mến giáo họ của giáo dân trong giáo xứ.
VII. NHÂN DANH TRONG GIÁO XỨ
Vào năm Bính Thìn 1916, giáo xứ có 5.524 nhân danh. Năm Tân Mão 1951, giáo xứ có 986 nhân danh; đến năm Kỷ Mão 1999, giáo xứ có 833 nhân danh, trong đó có 397 nam và 436 nữ. Đến nay, năm CANH TÝ 2020, toàn giáo xứ chỉ còn hơn 700 nhân danh.
VIII. CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO TRONG GIÁO XỨ
Ngày 02.07.1859, năm Tự Đức thập tam (Có người gọi là ông Đội Cõn) dẫn một toán quân rất đông về làng Bách Tính truy lùng bắt các người đàn ông có đạo, phá phách, cướp bóc tài sản các gia đình. Sau đó, họ đốt cháy nhà thờ chính xứ, đồng thời đốt luôn cả làng mạc. Thật may mắn hôm đó gió đông lớn thổi và khi trời đã tối, họ thu quân về. Càng về tối, gió đông càng mạnh hơn nên sót được xóm Đông không bị cháy. Tổ tiên lúc đó mới còn được chỗ nương thân. Chờ đến ngày được thả tự do, các cụ bắt đầu dựng lại nhà cửa.
Trước sự kiện đau thương này, các cụ có viết một cuốn sách thơ ca rất dài, nhưng rất tiếc cuốn sách đó đã bị thất lạc. Trong toàn giáo xứ có 80 đấng tử đạo rải rác trong tất cả các giáo họ.