Đức Ông Gioan Hiến Minh, con người vị tha

Thứ năm - 24/08/2017 10:28  7315
00 00 DO MinhĐức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh là món quà đặc biệt mà Chúa gửi đến cho Giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận gốc Bùi Chu nói riêng. Cả cuộc đời ngài gắn liền với công cuộc đào tạo ơn gọi. Ngay cả lúc cuối đời với tuổi đã cao, sức cạn kiệt cùng với thời cuộc không hề thuận lợi, nén bạc Chúa trao và lòng nhiệt thành của ngài vẫn không ngừng trổ sinh hoa trái ơn gọi trên cánh đồng Việt Nam vốn đang rất cần nhiều thợ gặt. Cách riêng đối với giáo phận Bùi Chu, với đa phần linh mục đang làm mục vụ hiện nay được đào đạo do công lớn của ngài cùng với sự nâng đỡ các dòng nữ như Thăm Viếng và Mến Thánh Giá trong việc đào sâu linh đạo của mình, Đức Ông Gioan Maria xứng đáng được gọi là vị đại ân nhân. Nhân dịp cải táng hài cốt của ngài, xin giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của một linh mục được ngài nhận làm nghĩa tử và có nhiều thời gian được thọ huấn và sống ở bên cùng với người thầy và người cha khả kính này.   

Hồi tưởng lại con người và cuộc đời của Đức ông Gioan Maria, một tư tưởng cứ đeo bám tôi mãi ấy là ĐỨC ÔNG GIOAN MARIA, CON NGƯỜI VỊ THA. Suốt cuộc đời, Ngài chỉ nghĩ đến tha nhân, chăm lo cho tha nhân. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi xin kể lại một vài sự kiện khách quan và một số suy nghĩ chủ quan của tôi về Ngài.
 
IMG 2528

Tháng 8 năm 1990, sau khi vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, từ làng quê An Đạo, xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh với mục đích ôn thi Đại học. Cuộc gặp gỡ với Đức ông do trung gian của quý xơ Phạm Thị Ninh Tin, Trần Thị Nguyện, dòng Thăm Viếng đang tu học cũng tại tp. Hồ Chí Minh lúc ấy, đã quyết định hoàn toàn hướng đi cuộc đời tôi sau đó. Chỉ sau mươi phút giới thiệu, với sự môi giới của quý xơ, tôi được Ngài nhận vào học chương trình Đại chủng viện Đức Ái và hơn nữa, được Ngài nhận làm con tinh thần. Tôi vui mừng khôn siết vì một chú bé nhà quê, mới 17 tuổi được nhận làm đại chủng sinh, được làm con của cha giám đốc tài cao đức trọng!

Là chú bé, về cả thể hình (lúc ấy tôi chỉ nặng có 42 kg, cao 1m55) lẫn tuổi tác (17 tuổi) nên tôi cảm thấy mình rất được cha cố thương. Lúc đó Ngài cũng đã 72 tuổi, Ngài như tổ phụ Gia-cóp còn tôi như Benjamin trong gia đình linh tông vĩ đại của Ngài (lúc đó tôi chỉ nghe nói cha cố có nhiều con lắm, con trai cũng như con gái, linh mục, tu sỹ). Tôi rất hạnh phúc và tự hào được là con của ngài, là thành viên của gia đình linh tông ấy, gia đình có tên là Gioan I để phân biệt với các gia đình Gioan khác như sẽ nói sau. Tôi được ngài giúp đỡ, dạy dỗ, chỉ bảo tận tình. Ngài cho tôi những cuốn sách hay. Ngài khuyến khích tôi học tập. Phần tôi, tôi cố gắng hết mình học tập và rèn luyện, không chỉ chữ nghĩa của Ngài mà cả những đức tính của Ngài nữa. Tôi rất may mắn được gần gũi, sống bên cạnh những năm cuối đời của Ngài tại Trụ sở Bùi Chu, 1B Tôn Thất Tùng, Tp. Hồ Chí Minh, chăm sóc ngài chút chút những năm tháng cuối đời.

Tình nghĩa cha con gắn bó là thế, ấy vậy mà một ngày kia năm 1998, khi đó cha Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, người đồng hương An Đạo với tôi mới từ Mỹ về Việt Nam, đến thăm cha cố, lúc đó cha cố đã được phong Đức ông rồi, đã nói với cha Việt Châu và với tôi lúc đó cũng có mặt ở đó. Ngài nói, ”Tôi nay đã già và lại đau yếu. Vậy,  xin cha Việt Châu nhận thầy Văn làm con thay cho tôi.” Khi nghe nói như vậy, tôi chẳng biết phải nói gì và nên nói gì, chỉ biết im lặng và gẫm suy, nhưng qua việc này, tôi hiểu rõ hơn con người của Đức ông, con người vị tha. Đức ông chỉ nghĩ tới tha nhân, đến lợi ích của tha nhân, chỉ nghĩ tới tương lai của người mình thương mến sao cho tốt đẹp nhất và do vậy, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình nhường cho người khác.

Tinh thần vị tha của Đức ông được thấy rõ trong toàn bộ đời sống của ngài. Tôi xin điểm ra đây một số việc tiêu biểu khác mang tính cách tập thể hơn.

Trước hết là Gia đình trợ tế Gioan mà sau này đổi thành Gia đình Đức Ái hay Đại chủng viện Đức Ái, cũng còn gọi là gia đình Gioan III. Sau năm 1975, để lưu giữ ơn gọi thánh hiến, nhiều chủng sinh, tu sỹ đến với Đức ông để được bao bọc trở che, bồi dưỡng, củng cố. Gia đình trợ tế Gioan Tông đồ khai sinh rồi chuyển thành gia đình Đức Ái trong đó các thành viên của gia đình liên kết với nhau qua việc khấn hứa theo hình thức tổ chức của một tu hội đời. Tưởng cũng nên biết, Đức ông Gioan chính là Đấng sáng lập Tu hội đời Mẹ Maria Thăm Viếng (Gia đình Gioan II). Là người trong cuộc, tôi đã được bao bọc, trở che, hưởng lợi rất nhiều nhờ hình thức sống và khấn hứa như một hội viên tu hội đời trong Gia đình Đức Ái. Chắc chắn Đức ông đã tốn bao công sức để “sáng chế” ra hình thức tu trì này, ấy vậy mà Đức ông không hề “dính bén” với nó, vẫn tự do và để cho chúng tôi hoàn toàn tự do sau khi học xong chương trình Đại chủng viện Đức Ái, trở về địa phương, khấn hứa hay tuân giữ luật thế nào là tùy đấng bản quyền địa phương, tùy theo ý muốn của mỗi chúng tôi. Ngài hoàn toàn chỉ nghĩ và lo lắng cho lợi ích của chúng tôi, không hề nghĩ đến kế hoạch riêng gì cho mình, không hề có ý lôi kéo, lưu giữ chúng tôi lại cho ngài, chẳng hạn trong một tổ chức tu hội hay tu đoàn do Ngài sáng lập. Ngài giúp đỡ, xây dựng, kiến tạo điều gì, tổ chức nào trước hết và trên hết vì chính lợi ích của đối tượng-tha nhân, không bao giờ vì chính ngài-chủ nhân.

Tiếp đến, có lẽ không nhiều người biết đến, càng ít người nói về những đóng góp xây dựng của Đức ông đối với Dòng Mẹ Maria Thăm Viếng Bùi Chu, gia đình Gioan IV. Hơn ai hết, các chị em thế hệ đầu tiên dòng Mẹ Maria Thăm Viếng Bùi Chu đã trực tiếp đón nhận sự dạy dỗ, chỉ bảo từ Đức ông. Các chị hẳn cũng là người đã thấu hiểu công lao soạn thảo, tu chính hiến pháp Dòng như thế nào. Về phần Đức ông, dường như không bao giờ Ngài kể công. Cũng chẳng bao giờ thấy Ngài ta thám, phàn nàn khi phải một mình loay hoay giúp đỡ. Trái lại, chỉ lo làm việc hết sức âm thầm, hy sinh đến quên mình vì tương lai của chị em. Ngài là con người sống hết mình vì người khác, sống hết mình vì con cái mình.

Lại một nỗ lực quên mình vì tha nhân khác của Đức ông Gioan không thể không kể tới đó là trường hợp dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu, cũng được gọi là Gia đình Gioan IV cùng với dòng Mẹ Maria Thăm Viếng. Thật vậy, do ý muốn của Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất, dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao cần được tái thiết lập. Làm thế nào để ý muốn đó thành hiện thực đây? Có lẽ hầu như không mấy người biết làm thế nào và ai đảm nhận công việc đó. Tại vì người được Đức cha Giuse trao sứ mạng to lớn ấy quá âm thầm. Người ấy không ai khác chính là Đức ông Gioan. Đúng như tên gọi của dòng này, công cuộc tái thiết lập thật là thách đố, đầy thánh giá, không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong. Những thành viên trẻ đầu tiên được gửi vào Miền Nam, nhận sự hướng dẫn, huấn luyện của Đức ông cũng như từ một số người cộng tác với Ngài, chưa được bao lâu thì lại phải phân tán do bị chính quyền theo dõi, cấm đoán. Thật là khổ tâm cho Đức ông. Ngài mong dạy dỗ, sẵn sàng hy sinh công sức, tiền của cho chị em mà chị em không được hưởng. Khi chương trình có vẻ như thất bại, Đức ông lại phải chịu trận không ít từ chính một số những người trong nhà. Tuy nhiên, không bao giờ Đức ông phàn nàn một câu. Và ngược lại, khi sau này chương trình trở nên tươi sáng hơn, Ngài cũng không bao giờ kể công, cũng chẳng khoe mẽ bao giờ. Ngài là con người chỉ biết hy sinh, chỉ biết sống và làm việc vì lợi ích của tha nhân.

 
IMG 2549

Như đã nói trên, gia đình Gioan đầu tiên gồm những người có ý muốn dâng hiến dâng mình mong muốn nhận ngài làm cha bảo trợ và được ngài đón nhận. Nhưng nếu ai đó trên con đường tìm hiểu thấy ý Chúa muốn mình sống bậc sống gia đình thay vì bậc sống tu trì thì cũng vẫn được ngài tiếp tục yêu thương, dẫn dắt, đỡ nâng. Họ họp lại thành một gia đình có tên là Gia đình Gioan V.

Khơi gợi một vài sự kiện khách quan với vài ý tưởng có tính chủ quan về con người và cuộc đời Đức ông Gioan liên quan đến các gia đình Gioan, để làm sáng lên con người vị tha, con người chỉ biết sống vì chính lợi ích của người khác. Sở dĩ Ngài sống vị tha như vậy, theo tôi cũng chỉ vì Ngài đã cảm nhận sâu xa chính tình yêu vị tha của Chúa Giê-su như ngài đã xác tín tuyên xưng trong câu châm ngôn đời linh mục của ngài: “Chúa Giêsu Kitô đã thí mạng vì chúng ta,” do đó Ngài quyết tâm đáp lại tình yêu vị tha ấy bằng cách noi gương chính cung cách sống của Chúa Ki-tô, cũng hiến mình cho tha nhân. Ngài còn như muốn mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giê-su Ki-tô, noi gương chính Ngài: “Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng thí mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16).

Thật vậy, phần cuối cùng trong lời di chúc của Đức ông có những lời lẽ như sau: “Tất cả chúng con thân mến trong Đức Kitô, cha dâng lời của chính Đức Kitô lên Thiên Chúa Cha như sau: ‘Lạy Cha, những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con, Con đã ban cho họ biết Danh Cha. Họ thuộc về Cha… Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,6.15). Cha cũng nhắc lại lời của thánh Gioan Tông đồ: “Chúng con hãy yêu thương nhau!” (xem 1Ga 3,11).

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Hữu Văn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại956,827
  • Tổng lượt truy cập78,960,278
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây