Sức mạnh của các thánh tử đạo là niềm hy vọng
Thứ năm - 29/06/2017 01:27
1766
Vatican Radio, 28/06/2017 – ĐTC Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về “niềm hy vọng Kitô giáo”. Ngài nói, “Sức mạnh của các thánh Tử vì đạo là niềm hy vọng” hôm thứ Tư vừa rồi trong buổi Tiếp Kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô.
Đức Thánh Cha suy niệm về những lời dạy của Chúa Giê-su: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Khi Chúa Giê-su sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài không làm cho họ ảo tưởng về những thành công dễ dàng; nhưng thay vào đó, Ngài cảnh báo họ rằng “việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn gặp phải sự chống đối”. Do đó, việc loan truyền Đức tin luôn diễn ra trong bầu khí thù địch.
Đức Thánh Cha quảng diễn tiếp, “Vì thế gian đã bị liên lụy bởi tội, nên người Ki-tô hữu lữ hành giữa trần gian cũng luôn phải chống lại những sóng gió của bể đời, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chịu gục ngã mà phải hướng đến niềm hy vọng (Tin Mừng). Niềm hy vọng mà chính Thầy Giê-su đã dạy”.
Vậy nên, người Ki-tô hữu cần luôn sống đời sống yêu thương như “cừu con sống giữa bầy sói”, biết luôn thận trọng, và khôn ngoan, nhưng không bao giờ được sử dụng bạo lực”. Hơn nữa, “để thắng vượt sự dữ, chúng ta không được dùng những phương thế xấu xa để chiến thắng sự ác”.
Đức Thánh Cha nói, “Sức mạnh duy nhất của các Kitô hữu chính là Tin Mừng. Vào những thời điểm khó khăn, người Kitô hữu phải nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở bên họ; và Thiên Chúa ‘mạnh hơn ma quỷ, mạnh hơn xã hội đen (mafias), những mưu mô quỷ quyệt ngầm, những kẻ làm giàu trên sức lao động của người nghèo’… Thiên Chúa luôn luôn nghe thấy tiếng máu Abel kêu gào trên mặt đất”.
Do đó, người Ki-tô hữu luôn hướng mình về phía bên kia của thế gian (Nước Trời). Họ đứng về phía Thiên Chúa: “họ không là những kẻ bách hại, nhưng là những người bị bách hại; họ không phải là những kẻ kiêu ngạo, tự cao tự đại, nhưng là những người hiền lành; họ không phải là những kẻ ăn gian nói dối, nhưng là những người phục tùng chân lý; họ không phải là kẻ lừa đảo, mà là những con người sống sự thật”.
Việc làm chứng cho Tin Mừng được các Ki-tô hữu thời sơ khai gọi là “tử vì đạo”, tức là làm chứng nhân cho Đức Giê-su. Những vị tử vì đạo không sống cho bản thân mình, nhưng họ dám hy sinh bản thân vì lý tưởng cao đẹp của mình; họ chấp nhận phải chết vì lòng trung thành với Tin Mừng. Nhưng việc từ bỏ mình phải vì đức ái, nếu không có đức ái thì việc hy sinh mạng sống mình chẳng có giá trị gì (lời thánh Phao-lô dạy).
Sức mạnh của các vị tử vì đạo là niềm hy vọng lớn lao đã làm cho đời sống của họ sống động. Họ hy vọng rằng không có điều gì và không ai có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa ban cho họ trong Đức Giê-su Ki-tô.
Đức Thánh Cha kết lại bài giáo lý bằng việc khẩn nài Thiên Chúa ban sức mạnh cho tất cả chúng ta hầu có thể làm chứng nhân cho Ngài giữa trần gian, và ban cho chúng ta niềm hy vọng để sống cuộc đời tử đạo trong chính những bổn phận thường ngày của cuộc đời với tình yêu thương đồng loại.
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
Nguồn tin: News.va