Hội đồng Giám mục năm nước Bắc Âu đã công bố thư mục vụ chung tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội Công giáo về tính dục con người, cảnh giác trước những sai trái của ý thức hệ tân thời về chuyển giống, và kêu gọi các giới chức trách giáo dục đừng áp dụng những lý thuyết về giống cho các trẻ em.
Thư mang chữ ký của Đức Hồng y Anders Arborelius, Giám mục Giáo phận Stockholm, Thụy Điển, ba giám mục tại Na Uy, các giám mục Đan Mạch, đảo Iceland, Đức cha Pierre Buescher, nguyên giám mục của đảo này, cùng với cha Giám quản Tông tòa Giáo phận Helsinki, Phần Lan.
Các giám mục khẳng định rằng: “Có chỗ cho mọi người trong Giáo hội, và lòng thương xót của Chúa không loại trừ ai, nhưng đề ra một ý tưởng cao cần đạt tới”. Các vị nhắc lại sự tích trong Kinh thánh về hồng thủy thời ông Noe, mưa 40 ngày đêm, trái đất bị lụt. Rồi sau đó, khi ông Noe và các con cái bước xuống trái đất được tẩy sạch và khô ráo sau đại lụt, Thiên Chúa đã kết giao ước đầu tiên với loài người, hứa sẽ không bao giờ phá hủy trái đất bằng đại lụt nữa và ngài lập cầu vồng ngũ sắc, như một dấu hiệu phê chuẩn giao ước ấy, và Chúa yêu cầu nhân loại hãy tôn kính Thiên Chúa, kiến tạo hòa bình.
Thư của các giám mục có đoạn viết: “Dấu hiệu giao ước, là cầu vồng, ngày nay được người ta coi là biểu tượng một phong trào vừa chính trị vừa văn hóa. Chúng ta đều nhìn nhận tất cả những gì là cao thượng trong những gợi hứng của phong trào này, nói về phẩm giá của mọi người và chúng tôi chia sẻ những mong ước của họ... Giáo hội lên án mọi kỳ thị bất công thuộc bất kỳ loại nào. Nhưng chúng tôi bất đồng khi phong trào này đề ra những quan niệm về bản chất con người, tách rời khỏi sự toàn vẹn về nhân cách, như thể giới tính sinh lý là điều ngẫu nhiên.”
Các giám mục cũng phản đối sự áp đặt của những người thuộc nhóm LGBTQ, đồng tính luyến ái nam, nữ, song tính luyến ái, chuyển giới, và có xu hướng tính dục dị biệt, quan niệm của họ cho các học sinh tại học đường và gọi “Đó là một gánh nặng về tự quyết mà các em chưa sẵn sàng... Thật là một điều lạ kỳ vì một xã hội ý thức mạnh mẽ như thế về thân xác mà đồng thời thân thể con người lại bị coi nhẹ như thế”.
(CNA, Ekai 25-3-2023)