Lần đầu tiên, tại Giáo hội Kenya, vào ngày 14/01/2023, thầy phó tế Michael Mithamo bị mù bẩm sinh được phong chức linh mục. Đây là một niềm vui và sự khích lệ lớn cho Giáo hội địa phương cũng như cho những người khuyết tật.
Đức Tổng Giám Mục Anthony Muheria của Nyeri đã cử hành Thánh lễ phong chức linh mục cho thầy Michael cùng với 5 phó tế khác tại trường tiểu học thánh Gioan Bosco ở Kiamuiru, cách thủ đô Nairobi 150 km về phía bắc. Ngoài Đức Tổng Giám Mục, Thánh lễ còn có sự tham dự của Đức nguyên Tổng Giám Mục Peter Kairu, nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân.
Đức Tổng Giám Mục Anthony Muheria nhận định rằng phong chức linh mục cho một người mù đầu tiên ở Kenya sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về khả năng của những người khuyết tật. Ngài nói: “Cha Michael, tân linh mục bị mù này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng, theo một cách mới khả năng của những người mà thực tế có thể thiếu một điều gì đó do bị khuyết tật. Thánh lễ phong chức cho cha Michael là một niềm vui lớn cho Giáo hội địa phương. Bởi vì mặc dù bị giới hạn, nhưng cha đã vượt qua tất cả. Cha đã đến được với chức linh mục để làm chứng rằng khuyết tật không phải là không có khả năng đáp lại tiếng Chúa. Trái lại, những người sống với những khuyết tật đặc biệt có khả năng phát triển những ân ban mới và có thể làm cho xã hội trở nên phong phú”.
Nhân dịp lễ phong chức này, vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận Nyeri đã trao cho các tín hữu một sứ điệp đặc dành cho những người khuyết tật và những người thân của họ. Ngài nói: “Các gia đình có con cái, người thân khuyết tật, thường hay bị bỏ quên. Họ rất cần được trợ giúp về mặt tài chính. Chúng ta phải đón nhận thách đố này. Chúng ta phải thường xuyên đến thăm các gia đình có người khuyết tật và các trường học dành cho người khuyết tật. Chúng ta đến với họ không chỉ hỗ trợ vật chất, nhưng còn đồng hành với họ, mang lại cho họ những màu sắc mới. Chúng ta phải hiện diện với họ, bởi vì Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đến những người kém may mắn”.
Những lời của Đức Tổng Giám Mục hôm nay như muốn lặp lại những gì Đức Thánh Cha đã bày tỏ khi tiếp một nhóm người khuyết tật tại Vatican vào ngày 03/12/2022 nhân ngày quốc tế người khuyết tật.
Trong ngày đó, trước sự hiện của khoảng 100 người khuyết tật, trích lời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nói: “ngay cả khi tâm trí hoặc khả năng giác quan và trí tuệ của một người bị tổn thương, thì họ vẫn là một chủ thể con người toàn vẹn, với các quyền thánh liêng và bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo con người”. Đây là cái nhìn của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Vì vậy, việc Giáo hội đón tiếp và gần gũi những người khuyết tật là thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình.
Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh thêm rằng bảo vệ quyền con người của họ thôi thì chưa đủ, nhưng còn cần phải dấn thân để đáp ứng những nhu cầu hiện sinh của họ nữa về các chiều kích khác nhau, thể chất, tâm linh, xã hội và thiêng liêng. Bởi vì, mọi người nam người nữ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của họ, ngoài các quyền, họ còn có những nhu cầu sâu xa hơn, như nhu cầu thuộc về, tương quan và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Điều này cũng bao gồm việc xóa bỏ mọi phân biệt đối xử và đáp ứng một cách cụ thể nhu cầu của những người khiếm khuyết về thể chất và tinh thần để họ cảm thấy được công nhận và được tham gia.
Đức Thánh Cha diễn tả ước mong tất cả các cộng đoàn Kitô hữu là những nơi mà sự “thuộc về” và “hòa nhập” không còn là những từ được nói trong một số trường hợp, nhưng phải trở thành một mục tiêu của các hoạt động mục vụ thông thường. Đức Thánh Cha nói rằng ngài xúc động khi Chúa kể câu chuyện về người cha đã tổ chức tiệc cưới cho con trai mình và khách mời không đến. Ông đã gọi các đầy tớ và nói: “Hãy đi ra các ngã đường và mời hết mọi người: già, trẻ, bệnh tật, khoẻ mạnh, người tội lỗi, người không tội…. Tất cả mọi người, không loại trừ ai.” Do đó, Đức Thánh Cha ước mong Giáo hội là nhà của mọi người, không trừ một ai.