Campuchia, một Giáo hội trẻ giữa vùng ngoại biên
Thứ năm - 02/02/2017 11:53
2460
Bùi Chu, 02/02/2017 (gpbuichu.org) –Nhân dịp các đấng kế vị các Tông Đồ tại Giáo hội Lào và Campuchia thực hiện chuyến hành hương Ad limina tại Roma từ ngày 26 đến 31 tháng Mười Hai 2016, để viếng mộ thánh Phêrô và Phaolô và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha người Pháp Olivier Schmitthaeusler, Giám mục Tông Tòa Phnom Penh từ năm 2010 đã có cuộc trao đổi với Radio Vatican về hiện tình Giáo hội tại đây.
Trước hết, ngài điểm qua đôi nét lịch sử về Giáo hội Campuchia từ khi hình thành và phát triển cho đến năm 1975 thì gặp cấm cách bởi hiểm họa diệt chủng của Khmer Đỏ hoành hành cho đến 1979. Giai đoạn tiếp theo từ 1979 đến 1989 được đánh dấu bằng sự hiện diện của quân đội Việt Nam. Ngài cho rằng Giáo hội tại đây thực sự bắt đầu lại mới từ năm 1989 cho đến nay với khoảng 20 ngàn tín hữu giữa 15 triệu dân trên toàn quốc, trong đó các tín hữu gốc Việt Nam chiếm từ 70 đến 80%. Tuy nhiên mỗi năm đã có khoảng 300 người bản xứ xin gia nhập đạo Công giáo.
Vị Thừa sai người Pháp này cũng cho rằng hậu quả của nạn diệt chủng tác động trên đời sống tôn giáo, kinh tế và văn hóa và cần phải mất đến một thế hệ mới khắc phục được hậu quả này, vì thế hệ hiện nay không có được hành trang mà các bậc đi trước chuẩn bị cho.
Vì thế, Giáo hội Campuchia luôn chú trọng đến hai trục chính đó là người nghèo và các bạn trẻ. Riêng với các bạn sinh viên có những sinh hoạt dành riêng tại trung tâm sinh viên hay các giáo xứ tại thủ đô để giúp họ giữ vững đời sống đức tin. Bên cạnh đó, các dòng tu và các hiệp hội cũng hiện diện trong môi trường học đường, trồng trọt và công xưởng để tiếp cận với giới lao động và người nghèo.
Đức Cha Schmitthaeusler cũng đưa ra hướng đi trong chu kỳ 3 năm được đặt trọng tâm vào mục vụ gia đình, trong đó năm thứ nhất giúp các bạn trẻ ý thức về tình yêu nam nữ và giáo dục giới tính ; năm thứ hai được học hỏi về giáo lý hôn nhân cùng với các phong tục cưới hỏi theo truyền thống ; và năm thứ ba dành để đồng hành với các gia đình Công giáo, hoặc gia đình hỗn hợp Công giáo và Phật giáo ; đặc biệt là các gia đình gặp khó khăn.
Ngài chia sẻ rằng trong chuyến hành hương Ad limina này ngài đã trình bày với Đức Thánh Cha Phanxicô về hiện tình Giáo hội tại đây thực sự là Giáo hội đang sống trong vùng ngoại biên và được Đức Thánh Cha rất lưu tâm.
Tòa Giám mục của ngài cũng là nơi để đón tiếp người nghèo và tàn tật gồm có 25 người hiện nay trong đó có 2 trẻ mồ côi ; 5 trẻ câm và có một xưởng chế biến kẹo dừa do người khuyết tật đảm nhiệm.
Đức Cha Olivier Schmitthaeusler sinh ngày 26/06/1970 tại Strasbourg, Pháp. Ngài có bố là phó tế vĩnh viễn của Tổng Giáo phận này. Chịu chức linh mục ngày 28/06/1998 cho Hội Thừa Sai Paris, ngài được gửi đi truyền giáo liền ngay sau đó tại Campuchia mà ban đầu ở tại một giáo xứ chỉ có duy nhất một giáo dân. Ngài được tấn phong Giám mục ngày 20/03/2010 bởi vị tiền nhiệm, Đức Cha Destombes.
Tạ Ân Ban