Tấm gương Thánh Gioan Phaolô II giữa đại dịch
Thứ tư - 15/12/2021 20:04
977
Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, làm thay đổi sinh kế của biết bao gia đình mà còn kéo theo những cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu về kinh tế, môi sinh, đạo đức,... và đặc biệt là về niềm tin. Thế giới vẫn đang phải đối diện với muôn vàn thách đố. Không ai biết khi nào và cách nào nạn dịch này sẽ chấm dứt.
Nhìn lại cuộc đời và đọc lại di sản của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giữa những hoang mang, lo sợ và hoảng loạn ấy, chúng ta thấy ngài thật gần gũi với những gì mà nhân loại đang phải đương đầu trong cơn dịch bệnh. Tấm gương của vị thánh “với danh tiếng lẫy lừng về nhân đức thánh thiện”[1] của thời đại này đem lại sự nâng đỡ, an ủi, khích lệ và hy vọng rất lớn cho tất cả những ai đang vất vả vượt qua những thử thách của cơn dịch. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự trợ giúp thiêng liêng của thánh nhân ở một vài điểm: niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, kinh nghiệm mất mát người thân, tình yêu dành cho con người và chứng nhân lòng thương xót.
Anh em đừng sợ!
Trong Bài giảng Thánh lễ khởi đầu sứ vụ của Thánh Phêrô (ngày 22/10/1978), vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo đã tung ra lời kêu gọi: “Anh em đừng sợ!”. Lặp lại những lời của Đức Giêsu nói với các Tông đồ (x. Lc 24,36) và các người phụ nữ (x. Mt 28,10) sau khi Ngài sống lại, Thánh Gioan Phaolô II muốn khẳng định: “Quyền năng của Thập giá Chúa Kitô và của sự Phục sinh của Ngài thì luôn lớn hơn tất cả mọi điều ác mà con người có thể và phải sợ”[2]. Và rồi trong suốt thời gian lãnh đạo Giáo hội, những ý nghĩ, những kinh nguyện và những hành động của ngài được cổ vũ bởi một ý muốn duy nhất là minh chứng Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành đang hiện diện và làm việc trong Giáo hội. Vào Thánh lễ mừng Ngân khánh Giáo hoàng (ngày 16/10/2003), ngài mạnh mẽ lặp lại điều ấy: “Hãy mở ra, còn hơn nữa, hãy mở toang các cánh cửa ra cho Chúa Kitô. Hãy để Người hướng dẫn anh chị em. Hãy tin vào tình yêu của Người”[3].
Dẫn dắt Giáo hội bước vào ngàn năm thứ ba, trải qua triều đại đầy khó khăn khi phải đương đầu với chế độ vô thần, đối mặt với những trào lưu hung bạo “phản Phúc Âm hoá” và cả những sự chống đối đến từ nhiều phía, Thánh Gioan Phaolô II không sợ hãi, nao núng. Giáo hội đứng vững vì sức mạnh của Giáo hội đến từ nơi Chúa. Cách riêng, chính bản thân ngài cũng nhiều lần phải nhập viện vì bệnh tật, và nhất là những giây phút cận kề sinh tử với phát súng của Ali Agca ngày 13/5/1981 nhưng ngài xác tín chính Đấng Quan phòng Thần linh đã cứu ngài khỏi chết cách nhiệm lạ. Ngài mời gọi các tín hữu đừng sợ mầu nhiệm Thiên Chúa và tình thương của Ngài, càng không phải sợ sự thật yếu đuối mong manh của con người và những hệ thống bất toàn do con người tạo ra. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy biết thưa lên: “Lạy Cha chúng con!” và giãi bày trước mặt Ngài những điều mình thỉnh nguyện (x. Pl 4,6). Trong một lần đến thăm một bệnh viện ở Phi châu, Thánh Gioan Phaolô II nói: “Mặc dù Thiên Chúa cho phép có đau khổ trên thế gian nhưng chắc chắn Ngài không thích thú gì đâu... Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa thương xót và an ủi”[4]. Cặp mắt hiền diệu của Đấng quan phòng hay giúp đỡ vẫn đang dõi theo tất cả những con cái khốn khổ của Evà[5].
Trước sự tấn công và sức huỷ diệt khủng khiếp của virus SARS-CoV-2, khi mà mọi phương thế nhân loại vẫn tỏ ra giới hạn, con người chỉ có thể tìm được sự bình an ở nơi Chúa, Đấng duy nhất có quyền năng giải thoát và chữa lành. Noi gương Thánh Gioan Phaolô II, “con người cầu nguyện”, mỗi người Kitô hữu cũng cần học biết tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời xác tín tuyệt đối về giá trị và sức mạnh vạn năng của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thành trong phó thác cùng với Giáo hội sẽ đem lại cho con người niềm hy vọng được cứu thoát vì biết rằng có Chúa đang đồng hành, sẻ chia đau khổ với họ. Quả thực, đức tin sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm sự gần gũi và tấm lòng ân cần của Thiên Chúa là người Cha tốt lành trong hoàn cảnh đau thương, khốn khổ, cô độc và sợ hãi. Dĩ nhiên là đức tin không làm nỗi đau biến mất, và mối hiệp thông Giáo hội không xua tan nỗi buồn phiền nhưng nó soi sáng cho chúng ta thấy tình yêu và niềm hy vọng không dựa vào khả năng của chúng ta, nhưng dựa vào Đấng luôn mãi trung thành và không bao giờ rời bỏ chúng ta[6].
Kinh nghiệm mất mát người thân
Một trong những hậu quả đau thương nhất mà đại dịch Covid-19 để lại là hàng vạn trẻ em vô tội rơi vào cảnh mồ côi. Ngay tại Việt Nam cũng đã có hàng ngàn trẻ em phải chịu đựng nỗi đau mất cha, nỗi buồn mất mẹ hay gánh gồng cảnh mất cả cha lẫn mẹ. Chúng ta cũng nên biết vào năm chưa đầy 21 tuổi, với cái chết đột ngột của thân phụ yêu dấu, Thánh Gioan Phaolô II đã không còn cha mẹ, hay bất cứ anh em ruột thịt nào trên trần gian này. Người chị Olga mất 6 năm trước khi ngài được sinh ra. Vào năm chưa đầy chín tuổi, khi chưa được rước lễ lần đầu, bà Emilia, mẹ ngài qua đời do cơn nhồi máu cơ tim và bệnh thận. Ba năm sau, người anh cả Edmund cũng bất chợt qua đời vì bị lây nhiễm dịch cúm từ một bệnh nhân mà anh tận tình cứu chữa. Như vậy, chỉ trong vòng 12 năm, cả ba người thân yêu nhất của ngài đã theo nhau từ giã cõi đời. Thế nhưng, ngài không nổi giận với Thiên Chúa. Ngài coi mọi sự đều nằm trong Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, và chắc hẳn ngài xác tín sâu xa như lời vị Tông đồ dân ngoại: “Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên hữu ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Nhiều khi Thiên Chúa chấp nhận đi đường xa để biểu lộ tình cảm nhưng không thể đánh mất chân lý rằng Thiên Chúa yêu con người.
Một điều đau lòng nữa là Thánh Gioan Phaolô II cũng không hề được gặp mặt ai trong gia đình trong giây phút cuối đời của họ. Hoàn cảnh này của ngài thật gần gũi với người nhà các nạn nhân đã tử vong trong cơn đại dịch này. Ngày 13/4/1929, mẹ ngài mất lúc ngài đang ở trường học. Giống như thân mẫu, người anh lớn cũng đã chết trong cô đơn, không một bóng dáng người thân yêu bên cạnh khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 05/12/1932. Vào ngày 18/02/1941, sau khi đi làm ca đêm ở một hầm đập đá về, ngài mở cửa bước vào phòng thì cha ngài đã tắt thở sau một cơn bạo bệnh. Sau biến cố ấy, ngài chỉ âm thầm nói với một người hàng xóm: “Khi mẹ tôi qua đời, tôi không có mặt bên cạnh người. Khi anh tôi mất, tôi cũng ở một nơi thật xa! Và bây giờ, cha tôi từ giã cõi đời, tôi cũng không được có mặt để nghe một lời trăng trối”[7]. Vẫn một niềm phó thác, ngài nói rằng mình rất thích cách diễn tả của thi hào Cyprian Norwid, người đồng hương Ba Lan với ngài: “Chúng ta không bước theo Chúa Cứu Thế đang vác Thập giá của Ngài, nhưng chúng ta bước theo Chúa Kitô đang vác thập giá của chúng ta”[8].
Như thế, chắc hẳn thánh nhân đã rất thấu hiểu sự thiệt thòi của thân phận mồ côi và có khả năng cảm thông với những hoàn cảnh thiếu thốn tình thương. Sau này, ngài mời gọi các gia đình biết mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác và nhất là quảng đại đón nhận những trẻ em mồ côi: “Các gia đình Kitô hữu còn có thể rộng mở hơn để sẵn sàng đón nhận và chịu trách nhiệm trông nom những trẻ em mất cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi. Các trẻ em này, khi tìm lại được một bầu không khí gia đình ấm áp, sẽ có thể kinh nghiệm được tình thương phụ tử chu đáo của Thiên Chúa, qua chứng tích của các cha mẹ Kitô hữu, và như thế chúng có thể lớn lên trong sự tươi sáng và tin tưởng vào đời sống; về phần mình, toàn thể gia đình đều sẽ được phong phú hoá thêm do những giá trị tinh thần chứa đựng trong một tình huynh đệ mở rộng”[9]. Và rồi, nhân loại cũng đã chứng kiến rất nhiều những tấm lòng quảng đại trong cơn đại dịch này, chung tay cùng cộng đồng, sẵn sàng nhận bảo trợ các trẻ em mồ côi, giúp các em đi tiếp cuộc đời.
Tình yêu dành cho con người
Trong thông điệp đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã long trọng khẳng định với thế giới rằng con người là con đường đầu tiên mà Giáo hội phải đi qua trong khi chu toàn sứ mạng của mình[10]. Gần như suốt cuộc đời, nhất là trong thời gian làm mục tử Giáo hội, ngài luôn tha thiết gắn bó với con người. Quả thực, con người đã thu hút ngài vì con người là đề tài trung tâm của hoạt động mục vụ. Ngài xác quyết rằng vui mừng và hy vọng, buồn sầu và xao xuyến của con người thời nay: đó là đối tượng lời cầu nguyện của Giáo hoàng. Sự lo lắng cho tất cả các Giáo hội luôn canh cánh trong lòng và trong trí ngài, mỗi ngày sẽ dẫn ngài dùng lời cầu nguyện để hành hương qua toàn thể thế giới. Cách đặc biệt, ngài cầu cho những người đau khổ tìm thấy niềm vui và hy vọng ngay trong các đau khổ của mình cũng như cầu nguyện cho những người đã qua đời để cho thấy sự sống của Giáo hội luôn ở trong niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu[11]. Vì thế, chúng ta tin chắc rằng, trên thiên đàng, ngài vẫn đang dõi theo và chuyển cầu cho tất cả những ai đang chịu ảnh hưởng và những nạn nhân đã qua đời trong cơn đại dịch này.
Nếu trong các cuộc thăm viếng mục vụ tại các quốc gia thứ ba, Thánh Gioan Phaolô II đã lớn tiếng đòi hỏi nhân quyền, cơm áo, tự do cho đám đông quần chúng thấp cổ bé họng thì khi có mặt tại các cường quốc văn minh, ngài đã không ngừng cổ vũ một nền hoà bình đích thực cho nhân loại. Ngài còn cực lực lên án những hành vi xâm phạm sinh mạng con người, đặc biệt đối với những cá nhân yếu đuối, vô phương tự vệ[12]. Người ta gọi ngài là “người ca sĩ của Đức Kitô”, không mệt mỏi đấu tranh cho phẩm giá con người và tình liên đới trong xã hội. Giáo huấn của ngài vẫn như vang vọng sống động lên tiếng bênh vực cho công bằng và nhân phẩm con người trong đại dịch toàn cầu này. Nó chống lại những biểu hiện cho sự ích kỷ và mọi hành vi đe doạ và làm hại sự sống con người như việc đầu cơ tích trữ hay lợi dụng tình thương để trục lợi, lạm dụng chức quyền để ăn chặn tiền trợ cấp của các nạn nhân, làm giả kết quả xét nghiệm, cũng như những bất công trong việc ưu tiên lựa chọn chữa trị y khoa hay phân phối nguồn vaccine, và kể cả tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Thánh nhân mạnh mẽ lên án những hành vi chống lại sự sống con người, “nền văn hoá sự chết” cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể nhưng ngài cũng rất tin tưởng vào lòng tốt Thiên Chúa đặt để trong lòng con người. Trong Tông thư về giá trị cứu độ của đau khổ, ngài nói: “Các cơ quan từ thiện là một điều rất quan trọng và không thể thiếu; tuy nhiên, không một cơ quan từ thiện nào tự bản chất có thể thay thế lòng con người, cũng như tình vị tha, tình yêu thương và sáng kiến của con người trong khi phải trực diện với sự đau khổ của kẻ khác được. Và điều đó có giá trị không những đối với những đau khổ thể xác, nhưng còn hơn thế nữa khi liên quan đến những đau khổ tinh thần, nhất là khi linh hồn phải chịu đau khổ”[13]. Quả thật, nhân loại đã sống ước mong ấy của ngài. Đại dịch đã làm sáng lên một tinh thần tương thân tương ái lớn lao, sẻ chia cho nhau từng bó rau trái trứng, nỗ lực cộng tác cùng nhau vượt qua đại dịch. Cùng với đó là rất nhiều sáng kiến trợ giúp, sẻ chia, hy sinh vì cộng đồng.
Chứng nhân lòng thương xót
Là người khai triển cách sâu sắc Thần học Thập giá, Thánh Gioan Phaolô II mời gọi con người khám phá nơi đau khổ quyền năng cứu chuộc và cứu độ của tình yêu. Mọi đau khổ của con người, được kết hợp với nỗi đau khổ của Chúa Kitô, sẽ bổ túc những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách của Chúa Kitô phải chịu trong con người đau khổ, vì lợi ích cho thân thể ngài là Giáo hội (x. Cl 1,24). Như thế, đau khổ sẽ thoát khỏi bóng đen của sự phi lý dường như vẫn bao trùm lên nó, và sẽ có được một chiều kích sâu xa và bày tỏ một ý nghĩa và giá trị sáng tạo[14]. Thánh nhân thâm tín rằng đau khổ là một chiều kích của cuộc sống, trong sâu xa hơn bao giờ hết, con tim của con người được ghép vào ân sủng cứu độ. Trong đau khổ, trái tim của người bệnh được đặt vào lòng thương xót gần hơn bao giờ hết.
Không chỉ cổ vũ việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, mà chính Thánh Gioan Phaolô II đã sống mầu nhiệm xót thương. Vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và sứ mệnh Chủ chăn Giáo hội, ngài phải chứng kiến sức mạnh của sự dữ dấy lên và lan tràn khắp nơi, như một thứ “ma tuý” vừa quyến rũ, vừa tàn phá. Trong khi đó, con người lại hết sức yếu đuối, không chỉ ngã quỵ trước sức mạnh của sự dữ, mà còn đua nhau chạy theo sự dữ... Sứ mệnh mục tử của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lúc này chuyển từ việc hăng say hoạt động sang âm thầm chịu đựng đau khổ và bệnh tật, để kêu cầu cho nhân loại lòng thương xót của Chúa. Ngài đã từng nói: “Sức mạnh của sự dữ quá mạnh mẽ và lớn lao, mà con cái loài người lại quá yếu đuối. Chúng ta chỉ còn biết trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa”[15]. Hay nói như Blaise Pascal, triết gia mà ngài rất hay trích dẫn: “Đức Giêsu sẽ còn hấp hối mãi đến tận thế. Chúng ta không được ngủ trong suốt thời gian ấy”[16].
Hơn thế nữa, ngài còn có thói quen phó thác những khó khăn của Giáo hội cho các bệnh nhân và người đau khổ. Và như ngài xác tín, kết quả luôn rất tích cực. Thánh nhân viết trong cuốn Hồi ký: “Tôi luôn ý thức rõ điểm tựa cơ bản đem lại sức sống cho Giáo hội là những người đau khổ... Trong cái yếu ớt của các bệnh nhân, tôi luôn thấy sức mạnh xuất hiện tỏ tường hơn, đó là sức mạnh của lòng thương xót. Trong một nghĩa nào đó, chính các bệnh nhân “khơi gợi” lòng thương xót. Bằng lời cầu nguyện và đau khổ của mình, họ không chỉ đạt được lòng thương xót, nhưng họ còn làm nên “khoảng trống của lòng thương xót”, hay đúng hơn chính họ “mở ra những khoảng trống” cho lòng thương xót. Thật vậy, bằng bệnh tật và đau khổ của mình, họ kêu cầu những hành động thương xót và mở ra khả năng thực hiện điều đó cho mình”[17]. Và như thế, phát xuất từ một niềm tin chân thành và vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa, các bệnh nhân của đại dịch Covid-19 có thể kết hợp những đau khổ mà mình đang gánh chịu với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô để kêu cầu ơn cứu độ cho mình và cho thế giới. Họ sẽ trở thành những chứng nhân cho niềm hy vọng và sự giải thoát của Thiên Chúa tình yêu.
Sẽ không bao giờ là đầy đủ khi nói về một con người, đặc biệt là đối với một vị thánh như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “một khuôn mặt siêu việt trong một thế giới hữu hạn”. Bằng chính đời sống và lời giảng dạy, thánh nhân đã cống hiến hết mình cho ơn cứu độ con người. Gương sáng và giáo huấn của ngài vẫn luôn sống động và sâu sắc cho thời đại hôm nay, nhất là giữa những thời khắc nhân loại đang phải vật lộn với cơn đại dịch Covid-19.[1] x. Thông cáo của Bộ Phong Thánh về việc tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên hàng Chân phước.
[2] Gioan Phaolô II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Bản dịch của Trần Thái Đỉnh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 244.
[3] x. Gioan Phaolô II, Bài giảng Thánh lễ mừng Ngân khánh Giáo hoàng, trích theo: Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2011, tr. 294-295.
[4] Gioan Phaolô II, Thăm bệnh viện thánh Carôlô, Onitsha, Nigeria, ngày 13/02/1982.
[5] x. Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 30/11/1988.
[6] x. Bộ Truyền Thông Của Toà Thánh (biên tập), Mạnh mẽ trong cơn khốn khó - Hội Thánh trong tình hiệp thông: Một nâng đỡ vững chắc trong thời thử thách, Lm. Lê Công Đức, PSS chuyển ngữ, NXB Đồng Nai, 2020, tr. 7-8.
[7] x. Carl Bernstein - Marco Politi, His Holiness: John Paul II and the Hidden History of Our Time, p. 57, trích theo: Trần Phong Vũ, Một thoáng nhìn về Giáo hội Việt Nam qua biểu tượng Đức Gioan Phaolô II, California, USA, 1997, tr. 41.
[8] Gioan Phaolô II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Bản dịch của Trần Thái Đỉnh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 249.
[9] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22/11/1981), số 41.
[10] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (04/3/1979), số 14; DS 4644; AAS 71 (1979), 284.
[11] x. Gioan Phaolô II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Bản dịch của Trần Thái Đỉnh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 52-60.
[12] x. Trần Phong Vũ, Một thoáng nhìn về Giáo hội Việt Nam qua biểu tượng Đức Gioan Phaolô II, California, USA, 1997, tr. 199.
[13] Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris (11/02/1984), số 29.
[14] x. Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 09/11/1988
[15] x. Đinh Đức Đạo, Đồ gốm: Hồi ký suy tư, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 228.
[16] Blaise Pascal, Pensées (Suy tưởng), số 553.
[17] Gioan Phaolô II, Hãy đứng dậy! Chúng ta đi! (Hồi ký giai đoạn 1958-2004), Bùi Gia Minh dịch, Đức tin và Văn hoá, Mai Khôi, 2004, tr. 66. Đây là cuốn hồi ký được Thánh Gioan Phaolô II viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày thụ phong giám mục và 25 năm ngày được bầu chọn làm người lãnh đạo Giáo hội.