Mùa Chay đọc sách gì?
Thứ hai - 26/02/2024 09:07
861
1. Sách Xuất Hành
Sách Xuất Hành kể lại: Các tai ương ở Aicập, Lễ Vượt Qua, Cuộc Xuất Hành với bao điềm thiêng dấu lạ, cuối cùng là Giao Ước trên núi Xinai. Đây là nền tảng đức tin của dân Ítraen. Dân Chúa đã bám chặt vào đó, khi phải đương đầu với biết bao gian truân thử thách. Những việc kỳ diệu trong Cuộc Xuất Hành, một cách nào đó, chuẩn bị và loan báo: những cách thức còn lạ lùng hơn nữa của tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu này là nền tảng của Tân Ước. Lễ Vượt Qua của Kitô giáo được thực hiện nhờ hy tế của Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua mới, đã hoàn toàn thay thế hy lễ xưa. Lễ Vượt Qua mới là nền tảng đức tin của chúng ta, đem lại cho Dân Mới là chúng ta một cuộc giải thoát sâu xa và hữu hiệu hơn bội phần, đó là cuộc giải thoát khỏi gông cùm tội lỗi, khỏi ách thống trị của sự dữ. Sách Xuất Hành có những bản văn luật pháp, xen vào giữa là một vài câu chuyện. Điều này cho ta thấy những nẻo đường Thiên Chúa đã vạch ra cho Dân của Người, nhằm chuẩn bị cho chúng ta đón nhận Lời mặc khải: là chính Con Một của Người. Đây là cuộc hành trình mà, một cách nào đó, phải luôn được bắt đầu lại, bao lâu, chúng ta chưa đạt tới tầm vóc viên mãn trong Đức Kitô.
2. Sách Lêvi và sách Dân Số
Sách Lêvi ghi lại các tập tục của hàng tư tế trong Cựu Ước. Đằng sau những quy định đã lỗi thời, chúng ta bắt gặp một quan niệm hoàn toàn đúng đắn và vẫn còn có giá trị là: Một thế giới được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, phải là một thế giới mang đậm dấu ấn của Giao Ước. Sách Dân Số có giá trị đối với chúng ta, bởi vì, qua những điều luật rời rạc, và các mẫu chuyện, sách cho ta thấy: trong một thời gian dài, Dân Chúa đã chống lại ơn Người như thế nào. Trong khi, lòng tin của Dân Chúa tuy chân thành, nhưng, chưa bén rễ sâu, thì Dân Chúa đã phải bao phen hoảng sợ trước muôn vàn thử thách của cuộc sống du mục nơi hoang địa. Phải sau nhiều lầm lỗi, thậm chí, có lúc chối bỏ Chúa, cuối cùng, Dân Chúa mới chấp nhận quyền lãnh đạo của Người. Cứ mỗi Mùa Chay, kinh nghiệm này lại giúp chúng ta xác nhận những giáo huấn căn bản trên đây. Đọc lại những kinh nghiệm đó, giúp chúng ta sống trung thành hơn, và làm cho chúng ta thuộc về Chúa ngày một trọn vẹn hơn. Được thế, không phải do chúng ta tuân giữ đủ mọi điều, nhưng là, nhờ một nguyên lý độc nhất hướng dẫn toàn bộ đời sống của chúng ta, nguyên lý đó: chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vì con người bất trung. Nếu Người trừng phạt tội lỗi, là để, chúng ta mở rộng lòng ra đón nhận ơn tha thứ của Người, càng mở rộng con tim để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn.
3. Thư Hípri
Thư Hípri nói nhiều đến Cựu Ước, trích dẫn và giải thích nhiều đoạn Sách Thánh, và nhất là, không ngừng quy chiếu về Phụng Vụ Đền Thánh. Các đề tài được triển khai là đức tin các tổ phụ, hay nói đúng hơn, đó là những cách thức huấn luyện của Thiên Chúa, tuy nhiên, đề tài chủ yếu vẫn là Đức Kitô được trình bày như Vị Thượng Tế Duy Nhất của Giao Ước Mới. Vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật, Đức Giêsu trở thành Đấng Trung Gian Duy Nhất và đích thực. Người dâng hy lễ hoàn hảo là cái chết của Người, và chỉ dâng một lần là đủ, để từ nay, tất cả mọi hành vi phụng tự do Luật cũ đều trở nên vô ích. Cũng từ nay, vì liên kết với Đức Kitô là Vị Thượng Tế Duy Nhất, tất cả mọi Kitô hữu sẽ làm thành một Dân Mới, Dân Tế Tự, đồng thời, có một số Kitô hữu chịu trách nhiệm tiếp tục hoạt động của Đức Kitô: qua việc rao giảng Lời Chúa, cử hành Bí Tích Thánh Thể và các Bí Tích khác, đồng thời, lãnh đạo cộng đoàn Dân Chúa.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB