Thứ 5 CN XI TN Năm C
Mt 6,7-15
Cầu nguyện luôn là hơi thở của người Ki-tô hữu với nhiều cách thức khác nhau. Một trong số đó là khẩu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”. Đó chính là lời kinh mà Đức Giê-su dạy cho các môn đệ trong tinh thần khiêm tốn, được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,9-13).
Lời kinh này được gọi là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tâm điểm của Thánh Kinh. Thánh Augustinô nhận định: “Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy”. Biết rằng toàn bộ Cựu Ước bao gồm Lề Luật, các Ngôn sứ và Thánh Vịnh đều được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô. Trong khi đó, thánh sử Mát-thêu tóm lược Bài Giảng Bát Phúc của Đức Giê-su trên núi (Mt 5,3-12) và lời “Kinh Lạy Cha” đặt ở tâm điểm của Bài Giảng này. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời nguyện xin của “Kinh Lạy Cha” trong bối cảnh đó. Thánh Tô-ma Aquinô cho rằng kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin mà con huấn luyện tâm tình của ta nữa, bởi vì lời kinh dạy chúng ta nguyên xin tất cả những gì có thể ao ước cách chính đáng và theo một trật tự những gì nên ao ước.
Vì lời kinh do Đức Giê-su soạn và truyền lại cho chúng ta cho nên lời kinh có tính độc đáo, mang lời “của Chúa”. Qua lời kinh này, Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su đã trao cho chúng ta những Lời Người đã nhận từ Chúa Cha. Đức Giê-su đã nhập thế, nhập thể sống kiếm phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi. Người biết rõ những nhu cầu thiết yếu của con người, Người biết rõ mỗi chúng ta cần gì nên Người nêu ra những nhu cầu đó và hướng dẫn chúng ta cầu nguyện mong đạt được ước nguyện. Đức Giê-su không dạy chúng ta một công thức cầu nguyện lặp đi lặp lại như cái máy, cũng như mọi khẩu nguyện khác. Đúng hơn, Người dùng Thánh Thần của Người để dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, để những lời kinh này trở nên “thần khí và sự sống”. Nhờ lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thánh Thần của Người ngự trong tâm hồn mỗi chúng ta mà kêu lên Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi” hay “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Điều này chứng tỏ con người có khả năng dâng lên Chúa Cha những lời tâm tình cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng và cầu xin. Quả thực, Chúa Cha “thấu suốt tâm can” của con người và “biết Thần Khí muốn nói gì” vì Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Như vậy, “Kinh Lạy Cha” mà Đức Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Cha Trên Trời là một phần trong sứ mạng của Ngài và Chúa Thánh Thần.
Lời “Kinh Lạy Cha” và Thánh Thần là Đấng làm cho lời kinh sống động trong lòng người tín hữu cũng được Hội Thánh sơ khai lãnh nhận và sống như một hồng ân duy nhất. Thời ấy, các cộng đoàn đọc “Kinh Lạy Cha” mỗi ngày ba lần. Lời kinh đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ, theo thánh Gioan Kim Khẩu: “Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung mọi anh chị em. Vì Người không nói ‘Lạy Cha của con, ngự trên trời’, nhưng là ‘Lạy Cha chúng con’, để chúng ta một lòng một ý cầu nguyện cho toàn Thân Thể Hội Thánh”. Vì thế, “Kinh Lạy Cha” là một thành phần thiết yếu của các giờ kinh phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Thánh Thể.
Trong Thánh lễ, “Kinh Lạy Cha” là lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh được đặt giữa kinh Tạ Ơn và phần hiệp lễ. Các lời nguyện xin của Kinh Lạy Cha vừa là lời chuyển cầu nêu lên trong phần “xin ban Thánh Thần”, vừa dẫn chúng ta đến Bàn Tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn Tiệc Nước Trời, mang chiều kích cánh chung.
Có thể nói “Kinh Lạy Cha” là kinh nguyện “thời sau hết”, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần dứt khoát nhờ vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô. Tin tưởng vào Ngài, các nhu cầu thiết yếu của mỗi chúng ta ở trần gian hy vọng đạt được ước nguyện khi xướng lên từng điều trong bảy lời cầu xin của “Kinh Lạy Cha”. Sống và cầu nguyện lời kinh Chúa dạy, sẽ giúp chúng ta hoàn tất cuộc đời lữ hành cách vui tươi và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến, Amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC