Thứ 5 CN VI PS Năm C
Ga 16,16-20
Nếu chúng ta đặt mình trong khung cảnh buổi Tiệc ly năm xưa, ngồi đó lắng nghe lời Đức Giê-su nói thì chúng ta có thể chung một tâm trạng với các môn đệ sẽ không hiểu lời Ngài nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy và Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,17). Bởi vì, “không còn trông thấy” và “lại thấy”, hàm ý nói đến một điều gì bí ẩn. Hiểu được suy nghĩ của các môn đệ bàn tán, Đức Giê-su giải thích cho họ về câu nói của mình.
Trạng từ chỉ thời gian “ít lâu nữa”, Đức Giê-su muốn nói đến cái chết của Ngài sắp đến “ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy”. Ngài sẽ bị các Thượng tế, Kinh sư, Biệt phái Do thái bắt bớ, kết án tử. Biến cố này xảy ra, đương nhiên các môn đệ sẽ “không trông thấy” Đức Giê-su và sẽ làm cho các môn đệ phải đau khổ, vỡ mộng, sợ hãi và tìm cách thoát thân khỏi bị liên luỵ.
Cũng trạng từ chỉ thời gian này Đức Giê-su muốn nói đến một ý nghĩa sau khi Ngài phục sinh. Ngài đã chiến thắng đau khổ và sự chết, mở ra một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho con người. Ngài hiện ra để an ủi, trấn an các môn đệ đừng sợ hãi và vững tin vào Ngài, “ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. “Lại thấy Thầy”, nghĩa là các môn đệ thấy Đức Kitô phục sinh và thân xác Ngài đã được vĩnh hiển. Sự hiện diện của Ngài không phụ thuộc vào thời gian và không gian. Vì thế, các môn đệ gặp gỡ Đức Ki-tô không theo phương diện thể lý nhưng theo chiều kích đức tin.
Bên cạnh đó, Đức Giê-su dùng trạng từ chỉ thời gian “ít lâu nữa” để nói về chiều kích cánh chung. Ngài sẽ trở lại thế gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết nhưng ngày đó xảy ra không ai biết, ngoại trừ Cha của Ngài.
Câu hỏi đặt ra: trong khoảng thời gian giữa Chúa Giê-su phục sinh và lên trời, rồi đến ngày Ngài quang lâm thì Ngài hiện diện với con người cách nào? Ngài không còn hiện diện, tiếp xúc cách trực tiếp với con người nhưng Ngài hằng hiện diện với cách thức Chúa Thánh Thần. Một cách cụ thể, Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô. Nhờ bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô đã hiện diện với chúng ta cách đích thực, trọn vẹn để yêu thương và dưỡng nuôi đời sống đức tin chúng ta hằng ngày.
Có thể nói lời di chúc của Đức Giê-su năm xưa cho các môn đệ vẫn còn nguyên giá trị cho người Ki-tô hữu mọi thời và mọi nơi. Lời ấy vẫn đồng hành, an ủi, khích lệ đời sống đức tin chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống dù khó khăn, vất vả và đôi khi mạng sống bị nguy hiểm. Tuy Ngài về nhà Chúa Cha nhưng Ngài không bỏ rơi con người và hứa ban “Thánh Thần” để tiếp tục công việc cứu độ trần gian. Nhờ Thánh Thần hướng dẫn mà người môn đệ sẽ hiểu Đức Giê-su về lời Ngài nói và việc Ngài làm: “nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến vơi anh em” (Ga 16,7) và “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Vì thế, trạng từ chỉ thời gian “Ít lâu nữa” cũng là tình trạng tâm hồn của mỗi chúng ta. Nếu tâm hồn chúng ta trong sạch thì chúng ta “lại thấy” Chúa, ngược lại, tâm hồn chúng ta “không trông thấy” Chúa. Đời sống đức tin luôn là một chuỗi sự chọn lựa (đúng hoặc sai hoặc trường hợp khác…) không ngừng trong mọi hoàn cảnh và giữa các sự lựa chọn là một khoảng thời gian “ít lâu nữa” xác định tình trạng tâm hồn. Dù lựa chọn thế nào, thì Thiên Chúa vẫn là Đấng thánh thiện, giàu lòng thương xót hiện hữu giữa chúng ta. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra ý Chúa và lắng nghe Thánh Thần tình yêu của Ngài soi đường, dẫn lối cuộc đời chúng con, amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC