Ý nghĩa của sự chết
Thứ sáu - 23/03/2018 10:35
2978
Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay
Ga 11,45-57 Đời người luôn gắn liền với quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Theo đó, cái chết của người da trắng hay người da màu; nghèo hay giàu; nam hay nữ; già hay trẻ... đều có ý nghĩa nhất định nào đó. Cũng theo lẽ thường, trước sự chết không ai nỡ lòng thờ ơ ngoảnh mặt mà không chút rung động. Sự chết tưởng chừng nhưng vô nghĩa nhưng lại có sức mạnh thật đặc biệt.
Nhìn vào cuộc sống hằng ngày, cái chết của một người nổi tiếng nào đó thì có sức hút dư luận hơn, được nhiều người biết tới hơn là cái chết của một người bình thường. Tuy nhiên, theo dòng thời gian cả hai cái chết đó đều bị rơi vào quên lãng. Vậy điều quan trọng là cách sống của mỗi người khi còn hiện diện trên trần gian này. Khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cái chết của Đức Giê-su là có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Người đã chết thay cho dân “... các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Đức Giê-su đã chết thay cho dân chúng thời bấy giờ, không chỉ có thế, mà Người đã chết để chuộc tội cho chúng ta. Hơn thế nữa, cái chết của Đức Giê-su “không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Cái chết của Đức Giê-su cũng quy tụ những người “thân” trong mối tương quan thiêng liêng và cái chết và sự Phục Sinh của Người vẫn luôn còn mãi giá trị cứu chuộc chúng ta trước đây, bây giờ và mai sau.
Mùa Chay Thánh đang dần khép lại để mở ra cho chúng ta niềm vui, nguồn hạnh phúc của Chúa Phục Sinh. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ mãi chai lì sống trong tội lỗi, không quay trở về với Chúa thì khi đó chúng ta đang làm lu mờ đi giá trị cứu chuộc mà cái chết và Phục sinh của Chúa mang lại. Hãy trở về với Chúa và hãy sống tốt để qua đó làm lan tỏa tình yêu cứu chuộc của Chúa, góp phần vào việc quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Có như vậy, chúng ta mới thấy được sức mạnh quy tụ từ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa.