Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15
Khi bàn đến tình yêu, Martin Luther King, một nhà tranh đấu bất bạo động đòi quyền bình đẳng cho các sắc dân ở Mỹ, đã viết “Tình yêu có sức mạnh kỳ diệu, có khả năng biến kẻ thù thành bạn.” Tuy nhiên, để có tình yêu, người ta phải gửi đi các sứ điệp yêu thương và nếu muốn tình yêu mãi tỏa sáng, người ta cần đổ thêm dầu yêu thương như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói “Nếu chúng ta muốn nhận thông điệp tình yêu thì hãy gửi nó đi. Để giữ cho ngọn đèn luôn tỏa sáng, chúng ta phải chắt thêm dầu vào.” Tình yêu không thể thiếu trong cuộc sống của con người, nếu thiếu yêu thương, tâm hồn con người trở nên què quặt và bệnh hoạn. Cũng vậy, Chúa Giêsu không là một ngoại lệ. Ngài đến thế gian và cứu độ nhân loại bằng con đường yêu thương đến cùng nhóm 12 nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung.
Tình yêu đến cùng ấy được thể hiện qua việc Ngài rửa chân cho các môn đệ. Việc rửa chân cho các môn đệ trước hết là một hành động hạ mình khiêm tốn phục vụ vì yêu thương. Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã kể lại rất rõ ràng và chi tiết “Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Như chúng ta biết, theo phong tục của người Do thái, chỉ có người dưới rửa chân cho người trên, đầy tớ rửa chân cho chủ, chứ không có chuyện chủ rửa chân cho đầy tớ. Vậy mà trước lễ Vượt qua cuối cùng trong đời, Chúa Giêsu đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ bất kể họ tốt hay xấu, thậm chí rửa chân cho cả kẻ phản bội Giuđa.
Hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu không những ám chỉ tinh thần phục vụ mà còn nhằm thánh hóa để các môn đệ trở nên xứng đáng tham dự vào phần phúc và vinh quang của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy rõ điều này qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Ban đầu, thánh Phêrô không chịu để cho Chúa Giêsu rửa chân vì theo thánh nhân, không thể có chuyện ngược đời thầy rửa chân cho các môn đệ “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu.” Chúa Giêsu đã giải thích tại sao Ngài lại làm thế “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Nghe nói đến việc không được rửa chân thì không thể thông phần với Thầy, thánh Phêrô đã vội cầu xin “Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Việc rửa chân cho các môn đệ không đơn giản là việc rửa sạch thể lý nhưng còn là việc thanh tẩy tâm hồn để các môn đệ xứng đáng chung phần với Thầy.
Tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu còn được thể hiện qua việc lập bí tích Thánh Thể để trao ban chính thịt máu mình làm của ăn của uống thiêng liêng đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Quả thật, trong bữa ăn vượt qua sau cùng này, trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói “Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói “chén này là Giao ước mới, lập bằng máy Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Tấm bánh và chén rượu mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ trong bữa tiệc ly không đơn giản là bánh và rượu như người Do thái vẫn dùng nhưng là mình và máu thánh Chúa đã được trao ban làm của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn nhân loại. Mỗi khi các môn đệ ăn và uống theo cách Chúa Giêsu dặn dò thì bữa ăn đó không còn là một bữa ăn bình thường nhưng là bữa ăn hiệp thông yêu thương nhằm loan truyền việc Chúa Giêsu chịu chết.
Đỉnh cao của tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc Ngài chấp nhận chết tất tưởi và nhục nhã trên thập giá. Cái chết này đã được báo trước nơi con chiên được sát tế trong cuộc vượt qua của dân Do thái năm xưa. Trong cuộc vượt qua này, người Do thái được yêu cầu giết chiên vượt qua theo những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Chiên phải toàn vẹn, chiên đực, không quá một tuổi, sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa, thịt được ăn ngay đêm hôm ấy, nướng lên và ăn với rau đắng. Con chiên vượt qua của người Do thái là hình bóng báo trước chiên vượt qua đích thật là Chúa Giêsu. Ngài cũng bị sát tế, thịt làm của ăn, máu làm của uống đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Cái chết của chiên vượt qua năm xưa, máu được bôi lên khung cửa làm dấu cho sứ thần đi qua mà không tra tay giết con đầu lòng của người Do thái báo trước cái chết của Chúa Giêsu và máu Ngài đổ ra đem lại sự giải thoát trọn vẹn cho tất cả những ai tìn vào Ngài.
Chúa Giêsu đã yêu thương nhóm mười hai nói riêng và chúng ta nói chung đến cùng. Tình yêu đến cùng được thể hiện qua việc hạ mình rửa chân cho các môn đệ nhằm thánh hóa để các ông xứng đáng thông phần vào sự sống và vinh quang của Chúa. Tình yêu ấy còn được biểu lộ qua việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để trao ban thịt máu mình cho thế gian. Trên hết, tình yêu đến cùng được diễn tả qua việc Chúa Giêsu chấp nhận chết trên thập giá làm chiên vượt qua vĩnh viễn đem lại sự giải thoát trọn vẹn cho nhân loại. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận và thể hiện tình yêu đến cùng qua việc ân cần và khiêm tốn phục vụ tha nhân. Nguyện xin Chúa Giêsu dùng tình yêu của Ngài cảm hóa chúng ta để chúng ta có thể yêu Chúa và yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.