Chúa Giêsu, mẫu gương yêu thương và phục vụ
Thứ tư - 28/03/2018 11:56
2225
Trong cuộc sống, người ta vẫn thường hay nói: “nhân chi sơ tính hưởng thụ”. Quả thật, con người đã biết “hưởng thụ” từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Mới chừng sáu hoặc bảy tháng tuổi, thai nhi đã biết tự lựa thế nằm cho thoải mái, để đạt được điều đó nó quẫy đạp trong bụng mẹ nó. Khi vừa sinh ra, phải tự thở, tự vận hành bộ tuần hoàn, đứa bé cảm thấy khó chịu và khóc gọi là tiếng khóc chào đời. Lớn dần, mỗi khi đói nó khóc, ngứa ngáy khó chịu nó cũng khóc, phải xa rời hơi mẹ nó cũng khóc và cứ mỗi lần khóc nó lại được đáp ứng nhu cầu. Lớn lên chút nữa, đứa trẻ có ý thức về sự hưởng thụ chứ không chỉ hưởng hưởng thụ theo bản năng. Điều nó muốn mà không đạt được nó không chỉ khóc suông nữa mà nghĩ cách đòi cho bằng được. Lòng tham và tính ghen tương bắt đầu xuất hiện khi thấy đứa trẻ khác được quan tâm hơn, có đồ chơi đẹp hơn mình. Hưởng thụ quả là một thứ “bản năng” của con người và được lớn dần theo tháng năm nếu không được giáo dục, uốn nắn đúc lúc và đúng mức. Bởi thế yêu thương và phục vụ cách vô vị lợi luôn là một điều rất khó và ngày càng trở nên xa xôi đến như không tưởng trong xã hội không ngừng chạy theo khoái lạc và lợi nhuận của chúng ta hôm nay. Thế nhưng đó lại là điều kiện để bước theo Chúa Giêsu; là điều mà chính Ngài đã thực hiện khi đến trong trần gian và để lại cho chúng ta như một lời di chúc. Chính Ngài đã biến những điều tưởng như không thể trở thành có thể và trở nên nguồn lực trường tồn cho những ai thực lòng muốn bước theo Ngài. Phụng vụ của ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay đã nói lên điều đó.
Quả thế, dù biết rõ “Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình” (Ga 13,3) nhưng Chúa Giêsu đã không dùng quyền để hành xử mà biến tất cả thành tình yêu. Trong bữa ăn sau cùng với các môn đệ, tình yêu đã nâng “Chúa Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ rồi lấy khăn thắt lưng mà lau”( Ga 13, 4-6). Chúa Giêsu đã tình nguyện phục vụ như một người tôi tớ đối với các môn đệ của mình. Trong vai trò người tôi tớ phục vụ, Chúa đã gói gém vào đó tất cả tâm tình yêu thương đến cùng của Ngài. Thực ra, công việc rửa chân không phải là công việc của người trong nhà, cũng không dành cho nô lệ Do thái, mà là việc tồi tệ dành cho người nô lệ dân ngoại. Chúa Giêsu đã lãnh lấy phần việc này, Ngài đã chọn những gì là thấp kém, hèn hạ nhất để chứng tỏ tình yêu con thảo đối với Chúa Cha, vì Cha sai Con đến để “phục vụ chứ không phải là để được phục vụ” và để nói với các môn đệ rằng: “Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,15). Chúa muốn các môn đệ cũng phải yêu hết mình và phục vụ hết tình, phục vụ cách vô vị lợi như Chúa đã làm gương.
Trong bữa tiệc sau cùng hôm ấy, tình yêu và sự tự hủy của Chúa Giêsu còn trở nên sâu sắc hơn khi Ngài hiến ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho muôn người. Khi bẻ bánh và rót rượu trao cho các môn đệ là Chúa đã tự bẻ chính mình ra, cho đi tất cả để từ đấy con người có một kho tàng vô giá, được kết hợp với Đấng là sức mạnh, là tình yêu và hạnh phúc đích thực. Sự bẻ mình ấy cũng là lời mọi gọi mỗi người chúng ta cũng biết bẻ mình, tức là bẻ gẫy mọi thái độ cứng cỏi, mọi mầm mống chống đối từ tận sâu cõi lòng để đón nhận và thi hành thánh ý Chúa trong tâm tình con thảo. Hơn nữa, bẻ mình còn là bẻ gẫy sự kiêu căng, ích kỷ, tự cao tự đại, coi mình hơn người để sống âm thầm, khiêm tốn, phục vụ đến quên mình như chính Đức Ki tô để tha nhân được lớn lên, được tôn trọng và mến yêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không chỉ cởi bỏ chiếc áo vinh quang để mặc lấy thân nô lệ mà còn sống kiếp nô lệ, làm công việc của một kẻ nô lệ để nên gương yêu thương phục vụ cho chúng con. Chúa đã tự hủy hoàn toàn để trở nên nguồn lực thiêng liêng cho chúng con trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con siêng năng tham dự thánh lễ và hiệp lễ cách ý thức để được gặp gỡ và sống thân tình với Chúa là chính Đấng phục vụ, để sự phục vụ của chúng con được thanh tẩy để trở nên trong sáng hơn, được thánh hóa để trở nên cao cả hơn. Xin cho chúng con cũng biết bẻ mình ra mỗi ngày để dám chịu thiệt thòi, chịu lãng quên, chịu coi thường… để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ qua công việc phục vụ của chúng con. Amen.