Thứ Năm Bát Nhật Phục sinh
“Chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế,
ngay trước mắt tất cả anh em.” (Cv 3,16)
Khi chứng kiến phép lạ ông Phêrô thực hiện là cho người què đi được, nhiều người sửng sốt ngạc nhiên và họ nhìn ông chằm chằm (x. Cv 3,10-11). Trước thái độ sững sờ ấy của đám đông, ông Phêrô đã lên tiếng rằng: “Sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?” (Cv 3,12).
Những lời này của thánh Phêrô cho thấy vị tông đồ của Chúa rất ý thức việc ông vừa làm không do khả năng của chính mình, và đã can đảm nói lên sự thật rằng ông chỉ là khí cụ Đấng Phục Sinh dùng để bày tỏ quyền năng của Ngài. Thái độ khiêm tốn này của thánh nhân lúc này khác xa với sự tự tin thái quá của ông trước đây lúc tuyên bố rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Chính Đấng Phục Sinh đã biến đổi và làm cho Phêrô trở nên biết mình và đơn sơ tựa nương hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau biến cố tử nạn và Phục Sinh của Thầy, Phêrô dường như chỉ tâm niệm một điều là rao giảng về Thiên Chúa và tình yêu cứu độ của Ngài, thay vì khẳng định mình và cho mình là mạnh mẽ và quan trọng. Tâm tình thiêng liêng này của thánh nhân gợi cho chúng ta nhớ tới lời nguyện trong thánh vịnh: “1 Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy CHÚA, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương” (Tv 115,1).
Thực vậy, thay vì hướng sự ngưỡng mộ của dân chúng về phía mình và vui thú với điều đó, Phêrô đã lôi kéo mọi người đến với Thiên Chúa. Ông rao giảng cho họ rằng: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người đã ban cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.” (Cv 3,16). Như vậy, thánh Tông Đồ cho thấy chính nhờ lòng tin vào Thiên Chúa, và Đấng Ngài sai đến là Đức Giêsu mà con người được ơn giải thoát. Qua đó, thánh nhân cũng hàm ý rằng là Kitô hữu “không là kết quả của một chọn lựa đạo đức hoặc một ý tưởng cao cả, mà là gặp gỡ một biến cố, một con người, cuộc gặp gỡ này mở ra cho cuộc sống một chân trời mới và một định hướng vĩnh viễn.” (ĐTC Benedict XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, s. 1).
Mừng lễ Chúa Phục Sinh là cử hành việc gặp gỡ chính Đấng Cứu Độ. Theo đó, chúng ta tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, yêu mến và xây dựng tương quan gắn bó với Ngài là Đấng “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Thiếu tương quan này, các việc làm như đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình và các việc đạo đức khác cũng không chắc giúp chúng ta trở nên một Kitô hữu đích thực. Chỉ có gặp gỡ đích thực với Đấng Phục Sinh mới biến đổi chúng ta thành Kitô hữu, và đem lại cho chúng ta niềm vui ơn cứu độ như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi nhắc: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp được Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (ĐTC Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, s. 1).
Mừng Đại Lễ Phục Sinh, tôi có cử hành việc gặp gỡ chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ tôi không? Kinh nghiệm gặp gỡ nào với Ngài đã biến đổi cuộc sống và mang đến cho tôi một chân trời mới?
Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC