"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38)
Chúng ta giờ đây tìm hiểu khái quát trình thuật Tin Mừng Luca về việc sinh hạ Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ không phân tích mọi chi tiết bản văn này, mà chỉ lưu tâm đến trình thuật của Luca về biến cố truyền tin của sứ thần Gabriel mà thôi (Lc 1, 26-38). Ngang qua lời truyền tin của sứ thần, Thánh Luca đã cho thấy chiều kích Ba Ngôi của mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và làm cho mầu nhiệm này, cùng với những mầu nhiệm khác được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, trở thành trung tâm của toàn bộ lịch sử cứu độ. Con trẻ được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, và là Con Đấng Tối Cao. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần, hiện thân của quyền năng Thiên Chúa, đã làm cho việc thụ thai của Ngôi Lời được thực hiện một cách kỳ diệu. Vì thế, đoạn Tin Mừng này đề cập trực tiếp đến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trong đoạn Tin Mừng này, thánh sử Luca sử dụng từ “rợp bóng” (c. 35) để diễn tả việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ Maria. Thánh sử làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh đám mây trong Cựu Ước ngự xuống trên Lều Hội Ngộ, biểu thị cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Người. Đức Maria được diễn tả không chỉ như một Lều Hội Ngộ mới mà Mẹ còn là một Hòm Bia Giao Ước mới và sống động. Tiếng Xin Vâng của Đức Maria trở nên như nơi hội ngộ giữa Thiên Chúa và con người, ngang qua đó Thiên Chúa được cư ngụ trong thế giới. Con Thiên Chúa đã không cư ngụ trong những đền thờ bằng đá, nhưng cư ngụ trong tiếng Xin Vâng của Đức Maria qua đó Ngài nhận được xác và hồn. Thiên Chúa là Đấng mà cả vũ trụ này không đủ chỗ cho Ngài, lại nhập thể một cách trọn vẹn trong hình hài một con người.
Một lần nữa, Thánh Luca đã mang hình ảnh của Đền Thờ mới và Hòm Bia Giao Ước đích thực vào trình thuật của mình. Điều này đặc biệt đúng trong lời chào Đức Maria của sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” Ngày nay, hầu như mọi đều người đều đồng thuận rằng những lời chào của sứ thần được thánh Luca vay mượn từ lời hứa của Thiên Chúa được ghi lại trong sách Xôphônia chương 3,14: Thiên Chúa phán với nữ tử Xi-on Người sẽ hiện diện giữa dân của nàng. Do đó, ngang qua lời chào của sứ thần, Đức Maria được giới thiệu là nữ tử Xi-on, là Lều Thánh nơi được bao phủ bởi đám mây và là biểu trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
Các Giáo Phụ cũng đã hiểu rõ tư tưởng này, là tư tưởng đã có ảnh hưởng lớn đối với nghệ thuật của Kitô giáo thời sơ khai. Theo đó, thánh Giuse thường được phác họa với đôi tay đang cầm cây gậy nở hoa (flowering staff) biểu thị cho chức vụ tư tế và như là hình mẫu của Giám Mục. Về phần Đức Maria, Mẹ chính là hình ảnh về một Giáo Hội sống động. Mẹ được trở nên Đền Thờ mới vì được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Thánh Giuse, người công chính, được chọn làm quản gia, gia trưởng và người bảo vệ những mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh nhân cũng là người trông nom Đền Thánh của Thiên Chúa, là Đức Maria và Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Do đó, Thánh Giuse trở nên hình mẫu cho hàng giám mục, là người bảo vệ chăm sóc Đức Maria. Mọi chi tiết ở đây trực tiếp hướng đến Ba Ngôi. Rõ ràng, vì lý do này, việc Ngôi Lời làm người và ở với chúng ta trong lịch sử đã trở nên rành mạch và rõ ràng cách đặc biệt ngang qua mầu nhiệm về Mẹ Maria và Giáo Hội.
Một điểm khác trong trình thuật của thánh Luca, đối với tôi dường như quan trọng liên hệ đến vấn đề mà chúng ta đang đề cập, đó là việc Thiên Chúa cầu mong con người nói tiếng Xin Vâng. Thiên Chúa không dùng uy quyền để ra lệnh. Trong việc tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dựng nên con người có tự do, và bây giờ Ngài cũng cần có sự tự do của con người để kiện toàn vương quốc của Người. Vương quốc ấy không được thiết lập bởi quyền lực nhưng bởi sự tự do. Trong một bài giảng, thánh Bênadô Clairvaux đã miêu tả sự chờ đợi của Chúa và của nhân loại như sau:
Thiên Thần đang ngóng chờ câu trả lời của Mẹ, để rồi sau đó Ngài trở về để báo tin cho Thiên Chúa…. Lạy Mẹ, cả trái đất, cũng như thiên đàng cùng địa ngục âm ti đang chờ đợi Mẹ, hãy đưa ra câu trả lời. Cả Vua Thiên Quốc cũng đang ngong ngóng chờ đợi sự đồng ý của Mẹ…. Tại sao Mẹ còn lưỡng lự? Tại sao Mẹ còn sợ hãi?... Mẹ hãy xem kìa, muôn dân nước đang đứng và gõ cửa với tất cả lòng khát khao. Liệu Thiên Chúa nên lờ đi sự lưỡng lực của Mẹ? Mẹ hãy thức dậy, và mau mắn mở cửa….Hãy thức dậy sự tin tưởng, và mau mắn mở cửa lòng mến. . .Xin Mẹ hãy mở lòng ưng thuận.[i]
Chúa Giêsu không thể trở thành con người nếu thiếu sự tự do ưng thuận của Mẹ Maria. Chắc chắn một điều, tiếng Xin Vâng của Mẹ hoàn toàn là do ân sủng. Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cho thấy rằng không phải bởi sức riêng của mình, nhưng là nhờ vào ân ủng của Thiên Chúa mà con người được cứu độ. Lời Xin Vâng của Mẹ Maria hoàn toàn toàn đến từ sự kiện Mẹ được Thiên Chúa bao bọc trong tình yêu của Ngài trước khi Mẹ được sinh ra. “Tất cả là ân sủng.” Tuy nhiên, ân sủng thì không hủy bỏ tự do, trái lại, ân sủng kiến tạo tự do. Toàn bộ mầu nhiệm cứu độ đã được trình bày trong trình thuật này của Luca, và đặt trọng tâm nơi lời Xin Vâng của Đức Trinh Nữ Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Giuse Nguyễn Thế Anh, SJ, chuyển ý
Nguồn: Tựa đề bài này do người chuyển ý đặt. Đây là bài suy niệm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI về biến cố truyền tin (Lc 1,26-28) trong tác phẩm Hans Urs von Balthasar & Joseph Ratzinger, Mary: The Church at the Source, (electronic book), (San Francisco: Ignatius, 2005), 58-59/130.
[i] Bernard of Clairvaux, In laudibus Virginis Matris Horn. IV, 8 (OperaOmnia, Edit. Cisterc, vol. 4 [1966], 53f.)