Thứ Bảy tuần III MC
Lc 18, 9-14
Cầu nguyện là việc làm cần thiết hàng ngày mà mỗi Ki-tô hữu cần phải có. Bởi lẽ, qua cầu nguyện chúng ta sẽ được kết hợp với Chúa, được Chúa bổ sức cho. Như lương thực cần thiết thế nào cho sự sống thể xác thì cầu nguyện cũng cần thiết như vậy đối với linh hồn, thậm chí cầu nguyện còn quan trọng hơn nữa vì cầu nguyện dẫn con người đến sự sống muôn đời là gặp gỡ chính Thiên Chúa. Vậy đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa? Chúng ta cùng lắng nghe lời Chúa dạy bảo qua trình thuật của Thánh Lu-ca.
Ngay từ đầu trình thuật, Chúa đã nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ tự cao tự đại, đừng tự tôn mình lên mà khinh chê người khác, nhất là trong lời cầu nguyện. Người thuộc nhóm Pha-ri-sêu đã khởi đầu lời cầu nguyện của mình bằng tâm tình tạ ơn, thế nhưng, lời tạ ơn đó lại không phát xuất từ thái độ khiêm nhường mà đó là thái độ “khinh chê” người khác; thái độ tự mãn. Chưa dừng lại ở đó, người thuộc nhóm Pha-ri-sêu còn kể những việc làm mà họ cho là đẹp lòng Chúa, nói cách khác họ đang kể công với Chúa, “con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Người này đã không biết rằng tất cả những gì họ có đều là do Chúa ban cho đâu phải do sức riêng của họ mà đạt được; và họ cũng không biết rằng tất cả những việc làm của họ Chúa đều thấu suốt cả.
Qua hình ảnh trên, chắc hẳn mỗi người thấy cũng có những lúc mình cầu nguyện như người “tự mãn” ấy. Đó là những lúc chúng ta cầu nguyện mà tâm trí thì “bận tâm” tới những chuyện của cuộc sống; hay khi chúng ta cho rằng phải cầu nguyện theo “mẫu” của chúng ta thì mới được Chúa nhận lời; hay khi chúng ta cầu nguyện mà tâm trí thì đánh giá, nhận xét cách thức cầu nguyện của người này người kia...
Vậy đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa? Chính Chúa Giê-su trong trình thuật hôm nay đã cho chúng ta câu trả lời. Đó là khi cầu nguyện ta hãy có thái độ khiêm tốn tựa như “người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời” (Lc 18,13). Mỗi người cũng nên mặc lấy tâm tình cầu nguyện đơn sơ, chân thành và khi cầu nguyện ta phải biết mình là ai “lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” như người thu thuế mà Đức Giê-su đã nói tới hôm nay. Chính khi đó là lúc chúng ta có thể trở nên công chính, nghĩa là lời cầu nguyện của chúng ta được đẹp lòng Chúa như Đức Giê-su đã nói về người thu thuế “Tôi nói cho các ông biết, người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.” (x. Lc 18,14a).
Lạy Thánh Thần Chúa, xin Ngài luôn hướng dẫn, soi sáng tâm hồn và uốn nắn miệng lưỡi chúng con để những lời nguyện cầu chúng con dâng lên Chúa được đẹp lòng Chúa hơn. Để chúng con luôn ý thức cầu nguyện là đi tìm và thực thi thánh ý Chúa chứ không phải cầu nguyện là để xin Chúa làm theo ý chúng con.