Thánh Giuse, hành trình của những giấc mơ

Thứ bảy - 17/03/2018 03:43  2871
Khi nhìn về chân dung của thánh Giuse, đã có không ít cách thức trình bày, cũng như những nhân đức nổi bật nơi Ngài. Thánh Giuse được toàn thể Giáo Hội tôn vinh với nhiều vinh dự và tước hiệu khác nhau. Bởi vì thánh nhân là người sống lời Chúa và thi hành trọn vẹn ý Chúa. Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất về Thánh Nhân đã để lại nơi người viết đó là hình ảnh về những giấc mơ. Dân gian thường hay phê bình ai đó sống không thực tiễn, khi chỉ có mơ màng viển vông! Hay là chuyện mơ mộng hoang đường. Tuy nhiên, giấc mơ cũng có mặt tích cực của nó. Martin Luther King đã từng phát biểu trong một cuộc tuần hành chống lại nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ năm 1968, để bênh vực cho người da đen được quyền bình đẳng với người da trắng: “ I have a dream!_Tôi có một giấc mơ!”. Giấc mơ có thể là tấm gương  phản chiếu lại một quá trình suy nghĩ mong muốn lâu dài, từ lâu hằng lảng vảng bay lượn trong tâm trí. Câu hỏi đặt ra, vậy trong đời sống đức tin công giáo giấc mơ đóng vai trò gì?
 
1. Một giấc mơ - một hành trình
 
Những điều xưa nay con người cảm nhận, suy nghĩ từ những giấc mơ có thể làm thay đổi đời sống họ rất nhiều. Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng xảy ra tương tự với ông Gia-cóp, với ông Giu-se (x. St 28, 10-29; St 37, 5-11) và với Thánh Giu-se thời Tân ước.

Qua chân dung của Thánh Giu-se, vị hôn thê của Đức Maria, ta cũng bắt gặp trong giấc ngủ ông cũng có giấc mơ khi thấy Thiên Thần Chúa hiện đến ( Mt 1,18-24). Kinh Thánh ghi lại việc ông Giu-se ba lần giữa đêm khuya mau mắn trỗi dậy và làm theo ý Chúa. Trước hết, ông Giu-se được Sứ thần báo mộng vào giữa đêm: "Hãy trỗi dậy đón Maria về, vì Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần", nghe được điều này, ông Giuse thực hành tức khắc. Lần thứ hai, kể về việc ông Giuse được Sứ thần báo mộng: "Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, vì Vua Hêrôđê sắp lùng bắt Hài Nhi để giết", ông Giuse cũng mau mắn làm theo lời Sứ thần thúc giục. Và lần thứ ba, lần này Phúc âm cũng cho biết, giữa đêm ông Giuse lại được Sứ thần báo mộng: "Hãy trỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi" và ông cũng mau mắn thi hành lệnh Chúa như những lần trước.
 
Kinh thánh không ghi chép lại một lời nào của thánh Giu-se về những giấc mơ đó, hay những hoài nghi thắc mắc về ý nghĩa giấc mơ đã trải qua. Nhưng chỉ nói đến, Thánh Giu-se đã thi hành theo đúng chỉ dẫn của Thiên Thần nói cho biết qua giấc mơ. Thánh Giu-se có thể có mơ ước và như những giấc mơ đã xảy đến với Ngài. ĐGH Phanxicô đã nói về những giấc mơ của Thánh Giuse như sau: Giuse - con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn. Nơi thánh Giu-se, giấc mơ không phải là chuyện không tưởng nhưng nó là một hành trình, hành trình làm theo Chúa cách trọn vẹn.
 
2. Một giấc mơ – Một sự bừng tỉnh
 
Con người chúng ta, nhất là nơi người trẻ, nhiều khi chúng ta mải mê với những giấc mơ, với những ý tưởng mới lạ mà quên đứng dậy bắt tay vào việc trong cuộc sống. Vì vậy, có nhiều khi chúng ta đã bỏ lỡ chuyến tàu sống thực tế mà vươn lên. Hình ảnh mau mắn lên đường và thi hành ý Chúa qua gương Thánh Giu-se đã gợi lên cho người viết một thực trạng của đời sống tu trì ngày nay. Thực tế cho thấy, đời tu được xem như là một vở kịch được diễn đi diễn lại hằng ngày. Nghĩa là, công việc mà người tu sĩ làm hằng ngày, không có gì thay đổi, ngày nào cũng như vậy, ngày nào cũng giờ đó thức dậy, đi lễ, đọc kinh, ăn, học, làm việc… dường như cùng một kịch bản như nhau cho suốt cả đời tu. Vở kịch này nếu làm không tốt vai diễn của mình, họ rất dể để mình rơi vào tình trạng về sự mơ màng, hiện diện nhưng không ý thức… nó giống như cơn ngái ngủ triền miên, tức là ai làm sao ta cũng làm như vậy mà không nhận ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
 
Bên cạnh đó, đời tu còn đang bị những sự mơ màng trong đường hướng đào tạo mang tính lỗi thời, không bắt nhịp cùng với thời đại. Mặt khác, thách đố mà các tu sĩ đang đối diện là sự kỳ vọng của mọi người. Người xưa thường nói: “một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mắc oan”, thế nên định kiến này làm cho các tu sĩ rơi vào lối sống không phải cho chính mình nữa. Ngoài ra, người tu sĩ còn phải đối mặt với luật lệ, nội qui của cộng đoàn tu trì. Được dìu dắt bởi dòng chảy của mẫu rập khuôn, kỳ vọng xã hội và sự “o bế” của luật lệ, người tu sĩ dễ có khuynh hướng “nương theo” đó mà đi tới. Khuynh hướng này dẫn đến nguy cơ lối sống hời hợt, chạy theo những chỉ tiêu trước mắt mà quên đi căn bản tự tại của đời tu. Hay một cộng đoàn lấy luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt và thiếu sức sống….Nói như vậy, chẳng lẽ đời sống thánh hiến sẽ mất dần trong tương lai vì chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì hay để lôi cuốn các bản trẻ ư ?
 
Thiết nghĩ rằng, đã đến lúc mỗi cộng đoàn tu trì cần được thức tỉnh cả về đời sống cá nhân của mỗi tu sĩ cũng như trong đường hướng đào tạo hiện nay. Chúng ta cần thoát ra khỏi cái vỏ bọc của lối “Sống dựa” để dám chấp nhận chính mình, là mình với một dáng đứng riêng. Theo Eckhart Tolle thì điều căn bản nhất của quá trình tỉnh thức là: “Nhận ra sự mê mờ đang tồn tại ở trong bạn, nhận diện bản ngã của bạn khi nó đang nói, đang  nghĩ, đang làm một việc nào đó[1]. Nhận ra thói quen suy tư đầy tính băng hoại trong tâm thức của tập thể đang thẩm thấu vào mọi khía cạnh của đời sống, kéo dài thêm tình trạng chưa thức tỉnh”. Qua đó, điều làm cho chúng ta được thức tỉnh, thiết nghĩ đó chính là sự tương quan giữa những thành viên trong cộng đoàn với nhau vì mọi người cần đến nhau để sống và triển nở trong tình yêu. Như thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5), như để nhấn mạnh sự cần thiết của đời sống cộng đoàn. Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn là một phản ứng hai chiều luôn có sự ảnh hưởng mang tính cách hỗ tương cho nhau. Mỗi người là một cá thể độc đáo và riêng biệt nhưng cùng chung sức xây dựng cộng đoàn, cùng trao ban và đón nhận, hầu mỗi người sống sung mãn sứ mệnh bản thân và góp phần hoàn thành sứ mệnh cộng đoàn. Đối lại, cộng đoàn là môi trường thiết yếu để mỗi người lớn lên và trưởng thành nhân cách. Điều này sẽ không còn là một giấc mơ nữa nếu mỗi thành viên dám sống và sống trọn vẹn cách có ý nghĩa.
 
Qua những giấc mơ của thánh Giu-se, giúp cho người trẻ chúng ta có khả năng mơ ước, thoát khỏi những cơn mơ màng và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Và rồi từ đây, chúng ta sẵn sàng dấn thân trọn vẹn theo Chúa như gương Thánh Giu-se xưa. Để thay cho lời kết, xin được mượn lời ĐGH Phanxicô qua lời mời gọi của Ngài và tin tưởng rằng: “Chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ”[2].
 
Nt. Mary Đinh, Đaminh Bùi Chu 
 

[1] Bản ngã: Tức là ấn tượng sai lầm của bạn về tính xác thực của một cá thể, một con người biệt lập ở trong bạn; “con người” không hề có thực này luôn cảm thấy sợ hãi, xa lạ, tách biệt với mọi người và với thế giới chung quanh. Bản ngã chỉ biết lo toan cho riêng mình. Bản ngã chỉ xuất hiện khi ầu óc bạn bận rộn chạy theo những suy tư, lo lắng xảy ra liên miên ở trong lòng mình. Nhưng khi bạn im lắng lại và tâm không vướng chút suy tư nào thì bản ngã ấy cũng không còn hiện hữu ở trong bạn nữa.  
 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập516
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm477
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại923,471
  • Tổng lượt truy cập78,926,922
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây