Ý nghĩa của đêm vọng Phục Sinh

Thứ bảy - 19/04/2025 06:35  59
LỄ VỌNG PHỤC SINH

chua phuc sinhAnh chị em thân mến,

Phụng vụ đêm vọng phục sinh thật dài, thật long trọng, rất nhiều nghi thức, khiến nhiều người trong chúng ta không dễ dàng nhớ kỹ từng chi tiết, thậm chị không hiểu tại sao Giáo hội lại cử hành đêm nay cách rắm rối, phức tạp như vậy. Vì thế, trong bài giảng hôm nay, tôi mời anh chị em dành chút thời gian để tìm hiểu ý nghĩa các nghi thức và ý nghĩa của đêm nay hầu mỗi khi tham dự, chúng ta vui mừng hân hoan, thay vì nặng nề, buồn chán.

I. Phụng vụ đêm nay tràn đầy ý nghĩa

1. Phụng vụ khởi sự trong đêm tối. Đèn điện trong ngoài nhà thờ đều tắt. Bóng tối tượng trưng cho tình trạng của nhân loại khi chưa được hưởng ơn cứu độ của Chúa Kitô: con người còn đi trong tăm tối tội lỗi, chưa hiểu được định mệnh của mình = không biết mình sẽ đi đâu và về đâu sau khi chết, chưa hiểu Thiên Chúa là ai, Ngài sẽ làm gì cho nhân loại.

2. Ngoài nhà thờ (cuối nhà thờ), chúng ta nhóm lên một bếp lửa, làm phép lửa, thắp lên một cây nến lớn, cây nến Phục Sinh. Cây nến sáng ấy tượng trưng cho Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, nay sống lại. Từ nay, Ngài là Chúa Tể của thời gian, của dòng lịch sử, là ánh sáng soi chiếu cuộc đời những ai tin vào Ngài, dẫn các tín hữu bước đi giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối.

3. Sau khi cây nến phục sinh được thắp sáng, chúng ta theo cây nến Phục Sinh bước vào trong nhà thờ là chúng ta đang bước theo Chúa Giêsu tiến về miền Đất hứa vĩnh cửu. Mỗi người cầm một ngọn nến được thắp sáng từ cây nến Phục sinh diễn tả việc chúng ta được tham dự vào vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu. Ngọn nến sáng cầm trên tay tượng trưng cho cõi lòng mới mẻ của chúng ta, những người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu.

4. Tay cầm nến sáng, chúng ta lắng nghe bài thánh ca “Mừng vui lên” loan báo Tin mừng sống lại. Đó là Tin mừng trọng đại nhất và là niềm hy vọng chân thật nhất của chúng ta. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, đã bẻ tung xiềng xích, đã ra khỏi ngục vinh thắng tiến lên, đã xoá bỏ tội lỗi của nhân loại, phá tan hận thù oán ghét, đem hoà thuận đồng tâm khuất phục quyền bính thế gian, xua đuổi hết tội khiên, tẩy sạch vết nhơ, người có tội được sạch trong, kẻ ưu phiền sướng vui hân hoan. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy vui mừng hân hoan “Mừng vui lên, cùng vui lên, và vui lên...” Lời mời gọi mừng vui lên được lặp đi lặp lại tới 5 lần.

5. Tiếp theo là phần Phụng vụ lời Chúa dài hơn tất cả các lễ khác trong năm Phụng vụ. Ngày xưa, các kitô hữu có thói quen thức đêm cầu nguyện và lắng nghe Kinh thánh. Có 7 bài Cựu ước, 2 bài Tân ước: bài thư Roma và bài Tin mừng theo thánh Lc. Các bài Cựu ước tiên báo công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Bài thư Roma nói về ý nghĩa của phép rửa Kitô giáo: cùng chết với Chúa Kitô, cùng sống lại với Người. Bài Tin mừng nói về ngôi mộ trống, một trong những dấu chỉ Chúa Giêsu sống lại.  

6. Phụng vụ lời Chúa chuẩn bị các tín hữu cử hành phụng vụ phép Rửa. Ngay trong thời kỳ đầu, Giáo hội có thói quen ban bí tích Rửa tội trong đêm cực thánh này. Ngày nay Giáo hội vẫn giữ truyền thống đó. Tuy nhiên, giáo xứ chúng ta chưa làm vậy bao giờ vì một phần chúng ta sợ dài, phần khác, giáo xứ chưa chuẩn bị chu đáo cho các anh chị em dự tòng nhận bí tích Rửa tội vào dịp này. Hy vọng sẽ có lần giáo xứ chúng ta cử hành phép Rửa cho người lớn trong đêm vọng Phục sinh.

Chủ tế làm phép nước, rồi rửa tội cho tân tòng hoặc các trẻ sơ sinh. Sau đó, các tín hữu lặp lại lời tuyên hứa. Đó là lời đáp trả của mỗi người đối với Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô.

7. Cuối cùng, phụng vụ Thánh Thể được cử hành hết sức long trọng. Đức Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta tới tham dự bàn tiệc của Người, bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc này tiếp tục diễn ra trên thiên quốc.  

II. Phụng vụ đêm vọng Phục sinh: phụng vụ vui mừng

Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta sống thái độ vui mừng trong cuộc sống hằng ngày.

1. Thái độ vui tươi. Phải nói đó là một thái độ rất khó khăn. Mỗi người chúng ta còn mang bao nhiêu ưu tư và đau khổ. Niềm vui phục sinh mời gọi chúng ta phải quên mình. Hãy nhìn lên Đức Kitô và tin tưởng vững vàng vì Ngài đã chiến thắng đau khổ, tội lỗi, sự chết và đã sống lại vinh quang. Vui tươi là một biểu hiện của đức tin.

2. Niềm vui phục sinh là một niềm vui sáng suốt. Người kitô hữu vui tươi không phải vì ngớ ngẩn, không biết đến khía cạnh thương đau của cuộc sống. Trái lại, người kitô hữu dám nhìn thẳng thực tế, thậm chí cả cái chết. Niềm vui của người kitô hữu phát xuất từ niềm tin vào Đức Kitô đã chiến thắng đau khổ và sự chết. Thánh Phaolô đã reo lên: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Tử thần hỡi, chiến thắng của ngươi ở đâu? Tử thần hỡi, nọc độc của ngươi ở đâu?” (1 Cr 15,54-55).     

3. Niềm vui phục sinh là kết quả của ơn tha thứ và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu phục sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ vào sáng ngày thứ nhất trong tuần = ngày phục sinh. Niềm vui của Kitô hữu là dấu chỉ sự hiện diện sống động và tích cực của Chúa Giêsu.

4. Niềm vui phục sinh là một sự bình an nội tâm sâu xa của người tín hữu không ai có thể cướp mất như Chúa Giêsu đã nói: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Trong một số hoàn cảnh, khi ưu tư và đau đớn xem ra dồn dập đổ xuống trên chúng ta, chúng ta khó mà nói đến niềm vui, nhưng ít ra nó vẫn là một sự bình an, một sự vững vàng tin tưởng. Chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm vui ấy bằng việc chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Ý nghĩa của Phụng vụ đêm vọng phục sinh thật phong phú dồi dào. Việc khởi sự nghi thức trong đêm tối cho thấy thân phận con người trước khi được cứu độ; việc thắp lên bếp lửa và thắp nến phục sinh nhắc cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chiến thắng bóng tối tội lỗi và sự chết, trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời chúng ta; việc theo nến phục sinh và trên tay cầm cây nến sáng đi vào nhà thờ nói với chúng ta về việc theo Chúa đi vào miền đất hứa vĩnh cửu; nghe công bố “Tin mừng vui lên” có ý nghĩa loan báo việc Chúa Giêsu sống lại đem lại cho nhân loại niềm vui vĩ đại nhất; phụng vụ lời Chúa gồm 9 bài đọc nói về công trình cứu độ của Chúa Giêsu và Ngài hoàn tất với việc sống lại từ cõi chết... Phụng vụ đêm nay cũng đem lại cho chúng ta niềm vui tràn trề, niềm vui có nền tảng, và niềm hy vọng lớn lao, niềm hy vọng được phục sinh vinh quang với Chúa. Nguyện xin Chúa cho chúng ta hiểu và xác tín những ý nghĩa này, để chúng ta luôn tiến bước trong lạc quan vui vẻ và can đảm giữa mọi thử thách đau thương của cuộc đời. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập302
  • Máy chủ tìm kiếm188
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay59,281
  • Tháng hiện tại1,153,837
  • Tổng lượt truy cập86,405,566
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây