Thứ Năm tuần XXVIII
2 Tm 4,9-17a; Lc 10,1-9
Mỗi khi con cái rời gia đình đi xa để học tập hoặc kiếm việc làm, cha mẹ thường dặn các con phải cận thận, giữ gìn sức khoẻ và tránh làm điều này, điều kia để được bình an, hạnh phúc. Đức Giê-su trong bài Phúc Âm hôm nay cũng dặn 72 môn đệ lên đường truyền giáo phải giữ một số phẩm chất sau:
Trước hết, các môn đệ phải đi một nhóm 2 người để bảo vệ và tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Theo sách Đnl 19,15: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét”. Như vậy, các môn đệ được sai đi truyền giáo là việc của cộng đoàn, không phải là việc cá nhân riêng lẻ hay độc quyền của riêng ai, nhưng mỗi người phải liên đới và liên kết với nhiều người khác nữa.
Thứ đến, nhà truyền giáo phải biết cầu nguyện theo sự chỉ bảo của Đức Giê-su, để họ ý thức rằng mình được gọi sai đi là nhờ ơn Chúa. Chính Thiên Chúa là tác nhân chính của việc truyền giáo, Ngài có quyền nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài.
Tiếp nữa, nhà truyền giáo phải luôn có thái độ sẵn sàng và phó thác trọn vẹn sứ mạng cho Chúa: “như chiên con vào giữa sói rừng”. Việc tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, không làm cho nhà truyền giáo bị giảm thiểu tính năng hoạt động, nhưng giúp nhà truyền giáo có tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn, đói khổ, bắt bớ và tù đầy nếu có. Hơn nữa, nhà truyền giáo sống nghèo theo giá trị Tin mừng, không lệ thuộc vào tiền của cũng là điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Việc truyền giáo không theo cảm tính chủ quan hay ngẫu hứng, gián đoạn mà còn là việc khẩn thiết, liên tục, đòi nhà truyền giáo phải sẵn sàng lên đường đến với những người chưa nhận biết Chúa.
Bên cạnh đó, mục đích của việc truyền giáo là đem bình an của Chúa đến cho mọi người, trước khi đạt được ý nghĩa này, nhà truyền giáo phải mặc lấy sự bình an của Chúa, phải có Chúa trong tâm hồn. Nhờ ơn Chúa, nhà truyền giáo sẽ chữa lành bệnh nhân như một dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện giữa con người.
Cuối cùng, nhà truyền giáo không đòi hỏi quá đáng về nơi ăn chốn ở, không tìm tiện nghi, không chọn lựa nơi sang giầu để nghỉ: “ở bất cứ nhà nào người ta dọn cho”. Về ăn uống, đơn giản, không cầu kỳ, không lệ thuộc thức ăn theo luật Mô-sê, phân biệt thức ăn nào thanh sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27); “Người ta dọn thức ăn gì cứ ăn thức ấy” và “ăn uống những gì của người ta cung cấp cho mình”. Như vậy, nhà truyền giáo sống gắn bó với Chúa thì không lệ thuộc vào của cải vật chất và biết tự giải thoát mình trước những nhu cầu trần thế.
Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ. Ngài là “người thấy thuốc yêu quý”, một người thông thạo văn chương chữ nghĩa. Qua ngòi bút của ngài, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn. Theo gương ngài, xin Chúa giúp chúng con ra đi truyền giáo, để làm cho mọi người nhận biết Chúa và đặc biệt yêu thương những người nghèo khổ, Amen!