Thứ Bảy tuần XXIX
Lc 13,1-9
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”(x. Lc 13,1-9)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta về vai trò và tầm quan trọng của việc sám hối. Sự dữ vẫn xảy ra quanh ta hằng ngày. Đứng trước các sự kiện đó, chúng ta phải có thái độ như thế nào?
Thánh sử Luca đã ghi nhận hai sự dữ xảy ra. Sự dữ về luân lý: tổng trấn Philatô giết những người Galilê; sự dữ vật lý: việc tám người bị thành Silôác đổ xuống đè chết. Trước hai sự kiện này, người dân xôn xao bàn tán, người ta đổ lỗi cho nguyên nhân này, nguyên nhân kia, rồi có những người lên tiếng kết án những kẻ xấu số. Trước những sự dữ luân lý, cũng như vật lý xảy ra, Chúa Giêsu đều mời gọi mỗi người không chỉ có cái nhìn hướng ra để quan sát, bình luận và kết án, nhưng hãy biết hướng vào bên trong nội tâm để nhìn lại chính mình, và hãy coi đây là cơ hội, là lời nhắc nhở chúng ta phải có thái độ sẵn sàng bằng việc ăn năn, sám hối.
Tại sao trước hai sự kiện xảy ra, Chúa Giêsu đều kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối?
Thưa vì Chúa muốn chúng ta nhận ra sự mỏng manh của kiếp người, và sự dữ có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có thể sẽ xẩy dến với chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ vào giờ chúng ta không biết rõ. Sâu xa hơn nữa, Chúa muốn chúng ý thức về tội lỗi của mình, tội lỗi giết chết không những thể xác mà còn cả linh hồn chúng ta nữa. Tội lỗi giết chết linh hồn dầu cho thân xác vẫn còn tồn tại. Vì thế, để thoát được sự chết không còn cách nào khác, chúng ta phải ăn năn sám hối trở về với Chúa, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự Sống.
Vậy ăn năn sám hối là gì?
Công đồng Trentô dạy: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải”. Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai. Khi hướng nhìn về Chúa Tình Thương để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ thấy được tầm mức ghê tởm của tội lỗi, đồng thời cũng biết sám hối ăn năn, thay vì tự dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Mặc cảm tội lỗi chỉ là một trạng thái tâm lý không có đối tượng rõ rệt và rất khắc nghiệt; còn tâm tình sám hối phát sinh từ một nhận thức đúng về thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa. Như vậy, việc sám hối sẽ giải phóng cõi lòng tội nhân trong lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ đã nhắn gửi cộng đoàn Rôma rằng: “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là sự chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”(Rm 7,14).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng thời gian Chúa ban để tâm kiếm tìm sự sống đời đời khởi đi từ việc ăn năn sám hối những lầm lỗi chúng con đã phạm đến Chúa, đến chính mình và tha nhân, để từ nay nhờ ơn Chúa giúp, con biết vun tưới cây sự sống của mình ngày một sinh ích cho Chúa, cho Giáo hội và cho mọi người. Amen.