Lễ Rửa chân: Đức Giêsu lại rửa chân cho các môn đệ

Thứ năm - 18/04/2019 05:19  6799

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15

download 4Từ ngày ra khỏi Aicập thì hằng năm cứ vào mồng 14 tháng thứ nhất trong năm, tất cả con cái Israel đều long trọng mừng lễ Vượt Qua. Thức ăn dùng trong lễ Vượt Qua của dân Israel gồm thịt chiên nướng, bánh không men và rau đắng. Chiên Vượt Qua phải được tuyển chọn thật kỹ, là chiên đực dưới một tuổi và vẹn toàn không tì tích bệnh hoạn. Đức Giêsu trong cuộc đời của mình đã nhiều lần ăn mừng lễ Vượt Qua với gia đình và đặc biệt 3 năm trong cuộc đời công khai đã cử hành lễ Vượt Qua cùng các môn đệ. Trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Ngài đã “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Hành động của Đức Giêsu quá bất ngờ và lạ lùng nên không những làm cho các môn đệ sững sờ mà bất kỳ ai sau này khi đọc đến đây cũng phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao Đức Giêsu lại làm như vậy?

Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ bởi vì “biết giờ của mình đã tới, giờ phải bỏ thế gian về cùng Chúa Cha. Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng.” Vì biết rằng sắp phải vĩnh viễn ra đi, phải xa các môn đệ và về cùng Chúa Cha nên Ngài đã cố gắng dành cho các ông những cử chỉ sau cùng đầy tình nghĩa, các cử chỉ của người thầy hết lòng yêu thương các môn đệ. Việc rửa chân cho các môn đệ của Đức Giêsu không nhằm làm cho chân các ông sạch cát bụi cho bằng nhằm thanh tẩy tâm hồn và con người. Điều này được thể hiện rất rõ qua câu trả lời dứt khoát của Chúa Giêsu cho Phêrô “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy.” Hóa ra Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ là vì Ngài muốn họ được thanh tẩy để trở nên xứng đáng chung phần với Đức Giêsu. Được chung phần với Đức Giêsu là niềm hy vọng lớn nhất của các môn đệ cũng như của bất kỳ ai theo Đức Giêsu vì thế Phêrô đã xin Chúa không chỉ rửa chân, mà còn rửa tay và rửa đầu cho mình nữa.

Lý do thứ hai chúng ta đọc được ở cuối đoạn Tin Mừng. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và hỏi các môn đệ: “anh em có hiểu việc việc Thầy mới làm cho anh em không?” Không chờ các môn đệ trả lời, Đức Giêsu trả lời ngay cho các ông rằng “Anh em gọi Thầy là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm vì quả thật Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Như thế việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ là để nêu gương khiêm tốn phục vụ cho các ông. Nếu Ngài là Thầy và là Chúa mà còn quì xuống rửa chân cho các ông thì chẳng có lý gì các ông lại từ chối phục vụ lẫn nhau. Đức Giêsu yêu cầu các ông phải làm cho nhau như chính Ngài đã làm cho các ông không có nghĩa là các ông cũng phải rửa chân cho nhau như vậy, nhưng là yêu cầu họ phục vụ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhau, giúp nhau thanh tẩy để xứng đáng chung phần với Ngài. Sự phục vụ không giới hạn giữa các môn đệ với nhau nhưng phải mở ra cho hết mọi người, những người được Chúa trao phó và những người các ông có dịp gặp gỡ.

Một lý do sâu xa khác mà chúng ta rút ra được từ bài trích sách Xh và bài thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cr là Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm chiên vượt qua, chiên hiến tế đền thay tội cho nhân loại, chiên dâng hiến thịt máu mình làm của ăn uống đem lại sự sống dồi dào cho tất cả những ai tin. Việc hiến dâng này được thực hiện qua bí tích Thánh Thể. Bài đọc thứ nhất nói về chiên vượt qua của người Do thái là chiên đực không quá một tuổi, chiên vẹn toàn không tì tích. Con chiên ấy là hình ảnh báo trước con chiên đích thật vô tội là Đức Giêsu. Ngài hiến dâng thân mình làm giá chuộc muôn người, trao ban thịt máu giống như thịt chiên làm thức ăn chính trong tiệc Vượt Qua, máu bôi lên khung cửa làm dấu bảo đảm sự an toàn cho dân Israel năm xưa, thịt máu Ngài là thần lương đem lại sự sống đời đời. Đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cr nói về việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong đêm bị trao nộp. Ngài lập bí tích cao cả này qua việc cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ rao và nói “Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Rồi sau bữa ăn, Ngài cầm lấy chén rượu và nói “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Bánh và rượu mà các môn đệ nhận từ tay Đức Giêsu sau khi đã chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa không còn là bánh rượu thường đem lại sự sống thể xác nữa mà là chính thịt máu Đức Giêsu đem lại sự sống thần linh cho nhân loại.

Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã bày tỏ tình thương yêu vô biên và tới cùng của Ngài với các môn đệ qua việc quì xuống rửa chân để thanh tẩy các ông hầu xứng đáng dự phần phúc với Ngài, nêu gương phục vụ hết mình không tính toán cho các ông, hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc,  trao ban thịt máu làm của ăn đem lại sự sống vĩnh cửu cho mọi kẻ tin. Bắt chước Đức Giêsu, chúng ta hãy rửa chân cho nhau, giúp nhau thanh tẩy tâm hồn để trở nên xứng đáng được vào trong vương quốc của Đức Giêsu, hy sinh cho nhau để được cùng thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta can đảm đón nhận sứ điệp Chúa gửi đến hôm nay và đem ra thực hành trong đời sống của mình. Hy vọng nhờ ơn Chúa, chúng ta sống đúng với những gì  Chúa Giêsu dạy. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập376
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm304
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,024,637
  • Tổng lượt truy cập79,028,088
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây