Thứ Năm Chúa Nhật V MC Năm C
Ga 8,51-59
Bài Phúc Âm tường thuật về cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do thái. Cao điểm của cuộc tranh luận khi Chúa Giê-su nói: “Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”. Nghe xong, người Do Thái lượm đã ném Ngài. Tại sao vậy?
Đi tìm câu trả lời, chúng ta thấy người Do Thái và Chúa Giê-su có quan điểm khác nhau về tổ phụ Abraham?
Trước tiên, khác biệt về huyết thống: người Do Thái khẳng định ông Abraham là tổ tiên của họ. Và tổ phụ đã chết thật cách đây rất nhiều năm. Trong khi đó, Chúa Giê-su lại phủ nhận quan niệm đó và cho rằng họ là con cái của mà quỷ, bời vị tổ phụ Abraham là người tin vào Thiên Chúa cách tuyệt đối, đi theo Chúa mà không biết mình đi đâu. Nhưng người Do Thái không tin vào Chúa như tổ phụ Abraham. Như thế, Chúa Giê-su quan niệm người Do Thái là con cháu của tổ phụ Abraham theo đức tin.
Thứ đến khác biệt về quan niệm sự sống vĩnh cửu: Chúa Giê-su tự nhận “lời” của mình có một năng động nội tại khiến cho người đón nhận đạt tới sự sống đời đời, Ngài nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ chết”. Tuân giữ lời Ngài là đi theo Ngài mà Ngài là Ánh sáng từ trời xuống. Ánh sáng ấy sẽ dẫn con người phá tan mọi bóng tối của tà thần. Ngài đến thế gian để tỏ lộ vinh quang, mặc khải cho con người hiểu biết ý nghĩa, mục đích tối hậu của đời người. Đó là con đường tâm hồn, dẫn tới Thiên Chúa là suối nguồn sự sống. Chúa Giê-su đã thắp sáng, mở ra con đường sống ấy bằng cái chết và phục sinh. Ngài đã phá tan quyền lực của sự dữ là bóng tối. Đối nghịch với lời mời gọi này, người Do Thái cho rằng Chúa Giê-su bị quỷ ám. Họ nghĩ Chúa Giê-su chỉ là một ngôn sứ mà các ngôn sứ lớn và nhỏ đã chết cả rồi. Hơn nữa, ông Abraham cũng đã chết. Như thế, người Do Thái thách thức Chúa Giê-su “Ông tự coi mình là ai?” Và không thể tin Ngài lớn hơn tổ phụ của họ là ông Abraham.
Cuối cùng, người Do Thái không chấp nhận nguồn gốc đích thực Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa. Mặc dù Ngài được Chúa Cha làm chứng và tôn vinh. Người Cha ấy là Đấng mà người Do Thái gọi là Thiên Chúa. Và chính Ngài cũng tự làm chứng về mình bằng lời nói và hành động trong đời sống tại thế. Ngài thi hành thánh ý Chúa Cha: chữa lành bệnh nhân, trừ quỷ, cho người chết sống lại và giảng dạy về lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Ngài khẳng định nguồn gốc mình đến từ Thiên Chúa, Ngài nói: “Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”. Sự hiện hữu của Ngài vượt thời gian, nghĩa là hằng hữu. Tuy nhiên, người Do Thái lại hiểu sự hiện hữu trong thời gian: sự sống và cái chết theo thân xác, họ nói: “Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Và họ cho rằng Chúa Giê-su chỉ là một người bình thường, xuất thần từ một gia đình nghèo, làng Na-da-rét.
Như vậy, có một khoảng cách rất lớn giữa quan điểm Chúa Giê-su và người Do Thái về những khác biệt trên. Có thể nói, hai quan điểm đi trên hai đường thẳng song song và không có giao điểm nên không tạo ra tiếng nói chung. Vì thế, giữa Chúa Giê-su và người Do Thái từ những bất đồng quan điểm đã đẩy lên đối đầu và đẩy xa hơn tới chỗ thù ghét nhau. Và cuối cùng, người Do Thái tìm cách giết Đức Giê-su vì họ không muốn thay đổi cách sống và không tin lời Ngài.
Chúa Giê-su đến thế gian để cứu những gì đã mất. Ngài dùng lời quyền năng để lên án tội lỗi và sự dữ, là bóng tối. Ngài loại từ tội lỗi chứ không loại trừ tội nhân. Ngài kéo tội nhân về phía mình, giảm trừ hình phạt và mở ra cho họ con đường sống. Ở đó, tội nhân có cơ hội sám hối ăn năn trở về với Thiên Chúa. Ước gì người tín hữu biết tin nhận Chúa Giê-su để lời Ngài lên tiếng và giúp chúng ta hoán cải nội tâm trở về với Chúa, Amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC