Thứ 7 tuần 2 Mùa Vọng
(Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13)
Kitô hữu luôn luôn mong chờ điều gì? Thưa, người kitô hữu mong được cứu độ, được sống lại trong ngày sau hết để hưởng hạnh phúc thiên đàng. Cũng vậy, người Do Thái năm xưa cũng mong Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân. Theo Kinh Thánh, trước khi Đấng Cứu Thế đến, ngôn sứ Êlia sẽ xuất hiện để dọn lòng dân đón Chúa. Đức Giêsu xác nhận điều đó và cho biết thêm rằng ông Êlia đã đến rồi và họ đã không nhận ra ông.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia đã phác hoạ một Êlia oai phong, lẫm liệt và đầy sức mạnh của Thiên Chúa. Thế nhưng, Êlia được Đức Giêsu nói đến lại là một người sống trong hoang địa, mặc áo da thú, ăn châu chấu và uống mật ong; là tiếng kêu trong hoang địa mời gọi người ta dọn tâm hồn để đón Đấng Thiên Sai. Êlia này chính là Gioan Tẩy Giả. Dân Do Thái đã không nhận ra Gioan Tẩy Giả là sứ giả của Đấng Cứu Thế. Họ luôn sống trong chờ đợi, chờ đợi Đấng Cứu Thế, nhưng không nhận ra nên đã từ chối chính vị ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến để chỉnh đốn lòng dân, để dân sẵn sàng đón Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả không nhận mình là Êlia, nhưng hành động và lời rao giảng của ông minh chứng ông chính là ngôn sứ Êlia. Họ đã nghe lời rao giảng, đã nhìn thấy những công việc thánh Gioan làm, và biết đó là công việc của Êlia như Kinh Thánh loan báo. Tuy nhiên, thay vì đón nhận, họ đã từ chối, đã xử với ông theo ý họ muốn. Nhân đây Chúa cũng tiên báo những đau khổ của mình: Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.
Sự chậm tin và sai lầm của dân Do Thái là bài học quý giá cho chúng ta ngày hôm nay. Thiên Chúa nhân từ vẫn không ngừng gửi đến cho chúng ta những con người, những điềm thiêng, để thực thi công việc của Êlia, chỉnh đốn và loan báo Đấng Cứu Độ đã gần tới. Thế nhưng, chúng ta dường như mù tối, không nhận ra Chúa qua giáo huấn của Giáo Hội, qua những biến chuyển của thiên nhiên và không nhận ra Chúa qua biến động của thế giới. Việc đề cao cái tôi quá đáng, một cuộc sống bận rộn, nhiều cám dỗ hưởng thụ khiến chúng ta ngày một xa rời Thiên Chúa, không còn đặt Chúa làm trung tâm của đời mình. Hậu quả là chúng ta khó lòng nhận ra tiếng Chúa, khó hiểu những lời kêu gọi của Người để sám hối, để đổi mới cuộc đời, hầu có một lối sống lành thánh theo tinh thần Phúc Âm, sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm.
Ước gì chúng ta luôn ý thức rằng Chúa là khởi nguyên và là cùng đích của mọi sự, của cuộc đời của mỗi chúng ta, để chúng ta luôn đặt Chúa ở trung tâm của cuộc đời, bằng một đời sống tin tưởng, yêu mến, cậy trông và phó thác vào Chúa. Nhờ đó, mỗi ngày chúng ta càng gắn bó với Chúa hơn, nhận ra thánh ý của Ngài và mau mắn thi hành, để sẵn sàng đón Chúa đến. Amen.