Đón nhận đau khổ

Thứ sáu - 25/09/2020 06:39  1037
Thứ Bảy tuần XXV Thường niên
(Gv 11,9–12,8Lc 9,43b-45)

18052019 105837Sống trên trần gian này, khổ đau luôn là điều bí nhiệm. Các nhà hiền triết, các bậc thánh nhân, các nhà tiên tri và thần bí… đã luôn trăn trở tìm kiếm một ý nghĩa cho đau khổ. Sách Sáng thế cho thấy đau khổ là hậu quả tất yếu của tội lỗi, của việc con người bất tuân lời dạy bảo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu; do đó, khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu độ. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Ngày nào có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay bất hạnh, bình an hay bất an tùy thuộc vào người biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

Đối với niềm tin Kitô, đau khổ luôn có một giá trị trong việc tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa – thánh ý đã muốn cho con người được hạnh phúc nhờ sống yêu thương như chính Thiên Chúa là tình yêu.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đối diện với khổ đau: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối diện với khổ đau là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì đau khổ trở thành hỏa ngục mà thôi bởi vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác; vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình; vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết người thân cách êm dịu; vì không muốn đối diện với khổ đau mà người ta vùi mình trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác, thế nên đau khổ đúng là hỏa ngục.

Đau khổ, thập giá vẫn luôn là điều khó hiểu, nhất là khi chúng ta thấy người công chính cứ gặp gian nan, khốn khó, thất bại và bị bách hại, còn phường gian ác lại cứ nhởn nhơ sung sướng.

Hơn nữa, trước mặt người đời, Thập giá luôn là điều khờ dại; vì sự thường con người ai mà không thích thảnh thơi, dễ dãi; ai mà không thích được thành đạt, ca ngợi, tôn vinh; ai mà không thích sung sướng, vui vẻ…. Nhưng Chúa Giêsu đã cho thấy một chân lý khác, chân lý của “một hạt lúa mì không thể sinh hoa kết trái nếu không phải chịu mục nát và thối rữa đi” và có “gieo trong lệ sầu mới gặt trong hân hoan vui sướng”.

Chính vì vậy mà khi các môn đệ đang phơi phới hân hoan, và mơ tưởng những ‘vinh quang phù phiếm’ thì Chúa Giêsu tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”. Các môn đệ đã không hiểu không dám hỏi và cũng chẳng muốn đối diện với điều xem ra ‘ngược đời’ ấy. Chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa Thánh Thần mới làm cho các môn đệ hiểu để rồi như Chúa Giêsu các ngài đã giơ tay ôm ẵm Thập giá để loan truyền Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa.

Học theo các môn đệ, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí, mở mắt tâm hồn để ta hiểu được con đường thập giá tình yêu mà Chúa Giêsu đã chọn làm giá cứu chuộc muôn người. Đồng thời xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đủ tình yêu và sức mạnh để đi trọn con đường thử thách gian nan bởi vì hạnh phúc đích thực chỉ dành cho người biết gieo rắc tình yêu thương, mà đường yêu thương là đường hy sinh và dâng hiến. Amen. 

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập304
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm287
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,120,163
  • Tổng lượt truy cập71,147,920
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây