Lễ Mẹ Mân Côi

Thứ bảy - 03/10/2020 05:24  1273

Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38

tai xuong 1Anh chị em thân mến,

Mở đầu Tông thư kinh Mân côi, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Kinh Mân côi đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống kitô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu, để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về”. Với lời khẳng định này, Đức giáo hoàng muốn nói với chúng ta rằng kinh Mân côi thì rất đơn sơ, nhưng lại rất sâu sắc và có tầm quan trọng vô cùng lớn trong đời sống đức tin của Giáo hội.

Tại sao nói kinh Mân côi vừa đơn sơ, vừa sâu sắc và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của Giáo hội như vậy? Thưa, đơn sơ bởi vì kinh Mân côi được dệt bằng các Mầu nhiệm, các kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Người đọc chỉ cần đọc lên các mầu nhiệm, các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, rồi suy đi gẫm lại trong khả năng những gì mình đọc là đủ để cầu nguyện cách sốt sắng. Ai cũng có thể đọc kinh Mân côi dễ dàng. Một em bé dăm ba tuổi chỉ được dạy vài lần cũng không khó khăn cầu nguyện bằng kinh Mân côi. Sâu sắc vì kinh Mân côi được xem như cuốn Tin Mừng rút gọn.

Khi đọc kinh Mân côi, người đọc được mời gọi suy gẫm 20 mầu nhiệm. 5 sự vui: Đức Giêsu chịu thai trong lòng Đức Maria, Đức Maria đi thăm bà Elizabeth, Đức Giêsu được sinh ra trong hang đá Belem, Đức Maria dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa, đi tìm Đức Giêsu bị lạc trong đền thờ. 5 sự sáng: Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, loan báo Tin Mừng và kêu gọi lòng sám hối, hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, biến hình trên núi Tabor và lập bí tích Thánh Thể. 5 sự thương: Đức Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, chịu đội mạo gai, chịu vác thánh giá và chịu chết. 5 sự mừng: Đức Giêsu sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, cho Đức Maria lên trời và thưởng Đức Maria trên trời.

Kinh Mân côi còn là lặp đi lặp lại kinh Lạy Cha, lời kinh mà Đức Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện, kinh Kính Mừng là lời chào, lời ca tụng Mẹ Maria của sứ thần Gabriel khi truyền tin Đức Giêsu nhập thể làm người, kinh Sáng Danh là lời ca tụng và tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng đọc, càng suy đi gẫm lại nhiều, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, về chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu.

Nhiều người thắc mắc trong kinh Mân côi, kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại nhiều nhất. Vậy phải chăng tâm điểm của kinh Mân coi là chính Đức Maria? Nói vậy là không phải vì “Dầu rõ ràng kinh Mân côi gắn liền với Đức Maria, nhưng chủ yếu lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức  Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với kinh Mân côi, dân kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế”.

Chính vì kinh Mân côi đơn sơ dễ đọc, sâu sắc và quan trọng nên các Đức giáo hoàng đã đặc biệt yêu mến và cỗ vũ mọi thành phần trong Giáo hội siêng năng đọc để suy gẫm và cầu nguyện. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ngày 1.9.1883 đã ban hành một Thông điệp “coi kinh Mân côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội”. Từ Công đồng Vaticanô II, người nổi tiếng trong việc cổ võ kinh Mân côi là thánh Gioan XXIII và nhất là Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Trong Tông huấn Marialis Cultus, ngài đã nhấn mạnh tính chất Tin Mừng của kinh Mân côi và chiều hướng quy Kitô. Chính Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng thường xuyên khuyến khích năng đọc kinh Mân côi. Vì thế mà ngài đã ban hành Tông thư kinh Mân côi năm 2002 và mở một Năm thánh kinh Mân côi bắt đầu từ tháng 10.2002 đến 10.2004.

Anh chị em thân mến,

Kinh Mân côi đơn sơ, sâu sắc và rất quan trọng. Cầu nguyện bằng kinh Mân côi giúp chúng ta hiểu biết hơn về các mầu nhiệm cuộc đời cứu thế của Chúa Giêsu, đưa ta vào trong tương quan sâu sắc với Mẹ Maria. Vậy chúng ta đã có thái độ nào với kinh Mân côi? Chúng ta có thường xuyên cầu nguyện bằng kinh Mân côi không? Tôi vụng nghĩ ngày nay nhiều người và nhất là những người trẻ ít lần chuỗi Mân côi vì cho rằng những lời kinh này quá đơn giản và dễ nhàm chán. Chúng ta đừng nghĩ như vậy mà hãy xác định rằng cầu nguyện bằng kinh Mân côi là “một lời cầu nguyện theo Tin Mừng, gồm một chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành và đơn sơ nhất. Xác tín chưa đủ mà hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế” qua lời kinh Mân côi hằng ngày. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập244
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay38,872
  • Tháng hiện tại1,326,651
  • Tổng lượt truy cập71,354,408
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây